NH ngoại lấn sâu vào thị trường nội địa

Không còn bị phân biệt đối xử, các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài đang đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị phần, trong đó, tập trung mạnh ở phân khúc khách hàng cá nhân, với các công cụ tài chính bán lẻ.

Không chỉ đi theo để phục vụ hệ thống doanh nghiệp nước ngoài (nơi ngân hàng mẹ đặt trụ sở chính) đang hoạt động tại Việt Nam, chiến lược của các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài đang tìm cách tiếp cận gần hơn với doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.

Hiện các ngân hàng ngoại đang ra sức tiếp thị, với các chính sách về tín dụng, cũng như tiền gửi rất cạnh tranh để thu hút khách hàng.

Minh chứng là, với sản phẩm tín dụng cá nhân, trong đó nổi bật là cho vay mua nhà, vay tiêu dùng…, hiện lãi suất áp dụng tại ngân hàng nước ngoài rất thấp và thấp hơn nhiều so với ngân hàng trong nước. Chẳng hạn, Hong Leong Bank cho vay mua nhà thế chấp bằng bất động sản, lãi suất chỉ 8,8%/năm trong 3 tháng đầu tiên, giải ngân từ ngày 12/9 đến 11/12/2012. HSBC áp dụng mức lãi suất 9%/năm cho khách hàng cá nhân trong 3 tháng đầu tiên. Tại ANZ, lãi suất cho khách hàng vay mua nhà tháng đầu tiên là 12%/năm…

Với các chính sách ưu đãi và cạnh tranh, các ngân hàng ngoại sẽ là điểm đến hấp dẫn cho khách hàng trong và ngoài nước. Ông Andrew Liew, Giám đốc Điều hành của Hong Leong Bank cho biết, lãi suất đang trên đà giảm và Ngân hàng mong muốn người tiêu dùng được hưởng mức lãi suất thấp này. Vì thế, Hong Leong Bank đã mạnh tay cắt giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân khi có nhu cầu vay vốn. Đồng thời, hạn mức mà Hong Leong Bank cấp cho khách hàng lên đến 70% giá trị tài sản đảm bảo, thời hạn vay lên đến 20 năm.

Cũng theo ông Andrew Liew, Hong Leong Bank đã đầu tư vào 2 trung tâm dịch vụ ngân hàng ưu tiên tại TP.HCM và Hà Nội, trong đó cung cấp phương pháp tiếp cận khác nhau cho ngân hàng mà Hong Leong Bank gọi là “lối sống ngân hàng”. Hong Leong Bank còn có kế hoạch tiếp cận giới trẻ và đoàn thể giàu có thông qua công nghệ.

Cửa hàng thứ 4 của Hong Leong Bank tại Việt Nam sẽ được mở ở Bình Dương và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 26/9. Tuy nhiên, theo ông Andrew Liew, Hong Leong Bank đang lợi dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và mạng lưới khu vực của Ngân hàng để cung cấp lợi ích cho khách hàng của các thị trường này.

Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, ông Tareq Muhmood cũng cho rằng, Việt Nam là thị trường quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn Ngân hàng ANZ. Tính đến thời điểm này, ANZ Việt Nam có 10 chi nhánh và điểm giao dịch trên cả nước. Theo ông Tareq Muhmood, việc mở văn phòng đại diện tại Cần Thơ vào cuối tháng 8 vừa qua của ANZ là muốn đến gần hơn với khách hàng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu tại đây.

Tương tự, HSBC cũng có kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại các khu vực kinh tế trọng yếu chi phối phần lớn các giao dịch thương mại và dòng vốn, song song với việc tập trung vào mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ khi có cơ hội phát triển về quy mô, lợi nhuận.

Chính việc đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị phần, đưa dịch vụ đến gần hơn với người tiêu dùng, nên kết quả kinh doanh của các ngân hàng nước ngoài trong những năm qua rất khả quan. Mặc dù kinh tế thế giới suy giảm và thị trường nội địa còn nhiều thách thức, nhưng năm 2011, HSBC Việt Nam vẫn đạt mức lợi nhuận trước thuế 1.971 tỷ đồng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Vinh (Đầu tư chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN