NH “đơn độc” chống khủng hoảng?

Dường như các ngân hàng đang đơn độc trong cuộc chiến chống lại suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng đã và sẵn sàng hạ lãi suất với cả các khoản vay cũ của doanh nghiệp, nhưng như vậy là không đủ để giải quyết khó khăn cơ bản của doanh nghiệp là sức tiêu thụ giảm, bởi chính các ngân hàng cũng còn phải giữ khoảng cách với nguy cơ nợ xấu.

Sẵn sàng nhưng… rụt rè

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết, ông vừa gặp gỡ một số doanh nghiệp tại Hải Phòng kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn… Phần lớn trong số các doanh nghiệp này ban đầu đều sản xuất, kinh doanh một ngành nghề khác. Đến khi có một chút lợi nhuận, họ quay sang đầu tư bất động sản, nhưng do không đủ vốn nên phải vay thêm ngân hàng. Khi nền kinh tế đi xuống, giá của bất động sản cũng xuống theo, hiện mất giá khoảng 1/3 mà bán không ai mua. Các doanh nghiệp này đang đôn đáo chạy tiền để trả lãi cho ngân hàng.

“Do vậy, việc các doanh nghiệp kêu khổ với ngân hàng là điều có thể hiểu được, nhưng không thể vì doanh nghiệp kêu thì đổ mọi tội lỗi cho ngân hàng, mà cần phải tìm hiểu doanh nghiệp khó khăn ở điểm nào”, TS. Ánh nói.

Ông Đặng Hoàng Hải, Phó Phòng Tài chính kế toán của Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng cho biết, là công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nhu cầu về vốn luôn lớn, nhưng hiện Công ty đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay vốn. Bên cạnh đó, nhiều quy định bất hợp lý cũng gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản. Chẳng hạn, với mỗi công trình, chủ đầu tư giữ lại 5% phải trả nhà thầu để bảo hành. Đó là một tỷ lệ lớn, khiến doanh nghiệp thi công mất đi cơ hội sử dụng một khoản tiền không nhỏ. Bởi vậy, ông Hải đề nghị, một mặt, ngân hàng cần xem xét cơ cấu lại phần nợ cũ và tiếp tục cho doanh nghiệp vay mới để kinh doanh; mặt khác, các cơ quan chức năng cần loại bớt những quy định gây khó cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, TS. Phạm Chí Quang, Trưởng Phòng Kinh doanh quản lý vốn Vietcombank chia sẻ, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trương đẩy mạnh tín dụng trong những tháng cuối năm, song một trong những trở ngại lớn hiện nay là vấn đề nợ xấu. Hiện nợ xấu, theo báo cáo của các TCTD, bình quân khoảng 4,47%, trong khi theo Cơ quan thanh tra giám sát (NHNN) vào khoảng 8,6%. Đấy là chưa kể nợ xấu của các NHTM cho vay nhau trên thị trường. Nợ xấu lớn như vậy, nên không khó hiểu việc ngân hàng rất cẩn trọng cho vay.

Ông Quang cho biết, hưởng ứng 5 lần cắt giảm lãi suất của NHNN vừa qua, Vietcombank chia sẻ 1.800 tỷ đồng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Hiện tại, Vietcombank chỉ còn 5% nợ đang tồn tại có lãi suất trên 15%/năm do là nợ quá hạn, nợ đồng tài trợ - nhưng ngân hàng bạn không đồng ý giảm lãi suất. Vietcombank cũng đang triển khai 2 gói tín dụng với lãi suất rất ưu đãi trong gần 1 tháng nay. Đó là gói tín dụng VND trị giá 15.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ 9%/năm và gói tín dụng USD trị giá 700 triệu USD với lãi suất 2%/năm. Nhưng, tiến độ giải ngân cực kỳ chật vật, vì Vietcombank không hạ chuẩn cho vay, trong khi hệ số tín nhiệm doanh nghiệp thì giảm liên tục.

NH “đơn độc” chống khủng hoảng? - 1

Vietcombank đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng để cho DN vay ưu đãi, nhưng tiến độ giải ngân cực kỳ chật vật.

“Sống trong môi trường mà tín nhiệm doanh nghiệp bị ‘nhiễm độc’ như vậy, các ngân hàng phòng thủ là điều đương nhiên. Vietcombank có cả những khoản cho vay lãi suất chỉ 6%/năm bằng tiền đồng, nhưng vấn đề đặt ra là doanh nghiệp có đáp ứng được chuẩn cho vay?”, ông Quang nói.

Thừa nhận câu chuyện này, ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và công nghệ OSB cho biết: “Doanh nghiệp Việt Nam ốm yếu, mắc đủ bệnh, có những doanh nghiệp mới sinh ra đã thiếu tháng, thiếu cân, còi cọc từ bé nên lớn lên không đủ khỏe…”.

Đơn độc trong “cuộc chiến”

Các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay và khó có thể giảm sâu hơn, trừ khi lãi suất huy động hạ thêm nữa. Thậm chí, mức lãi suất biên (giữa cho vay và huy động) hiện đang khá mỏng, có thể khiến chính các ngân hàng gặp khó khăn về hiệu quả kinh doanh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích, trên danh nghĩa, lấy lãi suất cho vay 15%/năm trừ đi lãi suất huy động phổ biến 9%/năm, tỷ lệ lãi cận biên của các ngân hàng là 6%/năm, nhưng ngân hàng phải có dự trữ bắt buộc, dự phòng thanh khoản, dự phòng rủi ro nợ xấu và các chi phí khác như bảo hiểm tiền gửi, khấu hao tài sản, nhân sự, hành chính, marketing…, tổng cộng khoảng 3 - 3,5%.

“Như vậy, lãi biên thực tế của ngân hàng chỉ khoảng 1,5 - 2%. Ở một vài ngân hàng, tỷ lệ lãi biên như vậy là không đủ để gánh nợ xấu, cuối năm sẽ thất thu lớn. Không có gì ngạc nhiên nếu có ngân hàng báo lỗ”, ông Hiếu nhấn mạnh.

TS. Vũ Đình Ánh lý giải, hàng tồn kho lớn là nguyên nhân của nợ xấu, mà tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp là nguyên nhân sâu xa. Làm 10 đồng, tồn kho 8 đồng thì doanh nghiệp lấy tiền đâu ra trả nợ, chậm trả lâu ngày thì thành nợ xấu thôi. Tồn kho nhiều, nên doanh nghiệp cũng chẳng vay thêm làm gì, tín dụng tăng thấp là đương nhiên.

Nhưng đến giờ, vẫn chưa thấy ai nói xử lý hàng tồn kho như thế nào? Ông Ánh đặt câu hỏi, nói là kích thích tiêu dùng thì cụ thể là kích thích cái gì, trong khi tăng giá gần như đồng loạt nhiều mặt hàng quan trọng? Trước kia, người dân có 90 đồng để mua hàng, nay bị “vặt” đi 10 đồng nữa, còn 80 đồng thì đương nhiên người dân sẽ tính toán để hạn chế chi tiêu, khiến doanh nghiệp càng khó giải quyết hàng tồn kho.

“NHNN đang đơn độc trong việc xử lý khó khăn của doanh nghiệp, mà về mặt bản chất, NHNN không làm được việc này”, TS. Ánh nói.

“Tại thời điểm khủng hoảng của nền kinh tế, tất cả đều phải ‘xắn tay’ vào, nhưng những gì tôi nhìn thấy là NHNN và chính sách tiền tệ làm đủ mọi việc”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Dung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN