"Ngành ngân hàng còn đủng đỉnh lắm"
Bàn về cải cách hệ thống tài chính ngân hàng, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan lo ngại, cải cách hệ thống tài chính là tất yếu, nhưng theo hướng nào phải nhất quán, không thể theo kiểu "đường ta ta cứ đi".
Tại hội thảo quốc tế "Cải cách thị trường tài chính trong chiến lược cơ cấu nền kinh tế" do Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) tổ chức sáng 14/10, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thẳng thắn: "Tôi lo lắng thực sự, tôi có cảm giác ngành ngân hàng còn đủng đỉnh lắm".
Chỉ một, hai năm nữa là tham gia TPP, Khu vực mậu dịch tự do với EU nhưng ngành ngân hàng vẫn còn đủng đỉnh lắm.
Tự nhận mình là “kẻ ngoại đạo” trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, tuy đề án “Tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015” đã được thông qua và đang thực hiện nhưng mới tập trung vào những vấn đề mang tính tình thế, ngắn hạn chứ chưa nhìn xa: ổn định thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, làm lành mạnh hóa tình trạng tài chính, xử lý nợ xấu; tái cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị hệ thống ngân hàng.
"Những gì chúng ta đang làm cho thấy bức tranh tổng thể và dài hạn về quá trình cơ cấu lại một cách cơ bản và dài hạn"- ông Khoan nói.
Bên cạnh đó, nước ta đang đối mặt với làn sóng hội nhập đang sắp ập tới, đó là sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào 2 năm tới, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Khu vực mậu dịch tự do với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc … Làn sóng này sẽ mở ra nhiều cơ hội song cũng đặt ra những thách thức mạnh mẽ hơn nhiều so với gia nhập WTO. Tuy nhiên, trong khi các ngành nghề khác như dệt may… đang bàn rất nhiều, chuẩn bị thế nào khi Việt Nam tham gia TPP thì ngành ngân hàng vẫn “im hơi lặng tiếng”.
“Tôi lo lắng thực sự, tôi có cảm giác ngành ngân hàng còn đủng đỉnh lắm. Ít nhất theo dõi tôi thấy dệt may đã bàn về TPP hay khu vực tự do với EU nhiều rồi nhưng chưa thấy ngân hàng bàn gì cả. Thị trường tài chính nước ta cần làm gì để tận dụng được cơ hội, ứng phó với những thách thức với làn sóng sắp tới đây?”- nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan lo lắng và đặt câu hỏi.
Theo ông, tình hình hiện đã rất cấp bách, chỉ một hoặc hai năm nữa là Việt Nam tham gia TPP trong đó những yêu cầu đổi mới thị trường tài chính ngân hàng là rất nhiều.
Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nên dựa chủ yếu vào vốn hệ thống ngân hàng là chính (80% nhu cầu vốn nền kinh tế đến từ hệ thống ngân hàng), nhưng không có nghĩa là dậm chân tại chỗ và không chịu đổi mới. NHTM Nhà nước tuy có giảm dần thị phần song còn chiếm trên một nửa, NHTMCP chiếm trên 35% về tín dụng và trên 45% về huy động, còn lại NHNN (tương ứng khoảng 13% và 11%).
"Tình trạng này đã hợp lý chưa, nên chuyển dịch theo hướng nào? Nên chấm dứt giai đoạn làm công tác tư tưởng mà chuyển sang làm thực tế. Đó là việc rà soát lại xem riêng về hoạt động tài chính – ngân hàng còn tồn tại những gì "lệch chuẩn" với thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế đã và sẽ chấp nhận, kể cả những luật chơi mới nảy sinh trong cuộc khủng hoảng gần đây. Ngoài ra, chọn mô hình cải cách hệ thống tài chính theo hướng nào phải rõ, nhất quán, phải gắn với cải cách cả khối DNNN và đầu tư công. Tôi sợ nếu cứ đường ta ta đi thì không ổn”- ông Vũ Khoan khảng khái.