Ngàn tỷ đổ vào ngân hàng nhận lại cổ tức "bèo"

Vài năm trở lại đây nhà đầu tư nào quan tâm đến cổ phiếu (CP) ngân hàng đều thấy mức cổ tức nhận được từ ngành này chỉ xoay quanh mức lãi suất tiết kiệm, tức bình quân từ 8-15%.

Cổ tức tuột dốc

Đã có năm cổ tức ngân hàng được chia đến 30% như của Techcombank, Eximbank là 32,6%, và ACB là 25% năm 2010.

Năm 2011, MaritimeBank trả cổ tức 17%. Ông lớn Vietinbank chia mức cổ tức cao nhất khối là 29,6%... Tuy nhiên, sang đến năm 2012, mức cổ tức của Vietinbank giảm gần một nửa còn 16%. MaritimeBank sụt giảm chỉ còn 10%.

Năm 2013, trần lãi suất tiết kiệm ở mức 7,5%/năm, mức cổ tức của các ngân hàng cũng èo uột trông thấy. ACB chia cổ tức bằng tiền mặt 7%; SHB là 8%, LienVietPostbank là 8%, VietABank là 6%...

Đây cũng là năm nhiều ngân hàng chơi chiến thuật chia cổ tức một nửa bằng tiền mặt một nửa bằng cổ phiếu. Sacombank chia cổ tức ở mức 16%, tạm ứng 8% cổ tức bằng tiền mặt, còn lại sẽ là cổ phiếu. Ngay như hai ông lớn trong ngành là Vietcombank dự kiến chia cổ tức năm 2013 bằng cổ phiếu và 10% cổ tức của Vietinbank có thể bằng cổ phiếu. Eximbank kế hoạch chia cổ tức 2013 là 12% vừa bằng tiền mặt vừa bằng cổ phiếu;

Còn đối với các ngân hàng yếu kém, tái cấu trúc thì cổ đông không hy vọng. Hai năm sau tái cấu trúc SCB cũng chưa chia được đồng cổ tức nào.

Nhiều ngân hàng vẫn chưa công bố phương án trả cổ tức năm 201 như Oceanbank, Techcombank, Maritimebank, VP Bank, MB, SCB, NamABank… Nhưng đa số lãnh đạo các ngân hàng khẳng định mức cổ tức chỉ xoay quanh mức lãi suất tiết kiệm, có thông tin một số ngân hàng còn không chia cổ tức.

Dự kiến, mức cổ tức năm 2014 của các  ngân hàng cũng không cải thiện nhiều. Sacombank dự kiến chia cổ tức 12-14%, LienVietPostBank là 10%...

Nợ xấu “ăn” cổ tức

Sự đầu tư vào CP nói chung đang là con sóng lặng khi mà thu nhập từ cổ tức không còn cao cũng như việc lợi vốn (chênh lệch giá) không còn sôi động. Vậy cổ tức ngành ngân hàng được xét ở vị trí nào? Cổ tức được gọi là cao nếu mức cổ tức mà doanh nghiệp chi trả lớn hơn lãi suất tiết kiệm cùng thời kỳ.

Một chuyên gia kinh tế cho biết, việc đầu tư bao giờ cũng có rủi ro. Việc đánh giá cổ tức ngân hàng trong thời điểm này cũng chỉ mang tính thời điểm, và cổ tức ngân hàng ở mức trung bình-khá.

Cổ tức ngân hàng sụt giảm cũng cho thấy hoạt động ngân hàng đang rất khó khăn khi nền kinh tế không thuận lợi. Hết năm 2013, hầu hết các ngân hàng đều không đạt chỉ tiêu lợi nhuận theo kế hoạch đề ra và giảm gần một nửa so với năm 2012, có ngân hàng giảm đến 90% như VIB.

Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, 14 ngân hàng có trụ sở trên địa bàn năm 2013 có lợi nhuận chỉ đạt kế hoạch 40%. Trong khi đó, năm 2012 lợi nhuận của ngân hàng chỉ bằng khoảng 4% so với năm 2011 khiến một số ngân hàng không chia cổ tức.

Chỉ tiêu lợi nhuận không đạt mà nguyên nhân chủ yếu lý giải cho vấn đề này là tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng ở mức thấp, nợ xấu tăng, lỗ vàng…

Năm 2013, ACB chỉ tăng tín dụng được 5% so với kế hoạch là 12%, lợi nhuận sau thuế giảm so với năm 2012 và chỉ đạt 58% kế hoạch đề ra là 824 tỷ đòng, trong khi đó nợ xấu lại tăng lên 0,75% so với năm trước.

Theo lý giải của ACB, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhiều DN bị đình đốn sản xuất, hàng tồn kho tăng cao… thì nợ xấu tăng cao là điều khó tránh khỏi. Lợi nhuận giảm là do ACB đã tăng trích lập dự phòng rui ro tín dụng 855 tỷ đồng so với so 521 tỷ đồng của năm 2012. Bên cạnh đó, thu nhập từ lãi giảm mạnh tới 2.485 tỷ đồng do trong năm lãi suất cho vay liên tục giảm mạnh.

Eximbank cũng là ngân hàng lỗ tới 180 tỷ đồng do đóng trạng thái vàng. Quý 4/2013, ngân hàng này bị lỗ tới 222 tỷ đồng do đã giảm lãi suất cho vay, tăng trích lập dự phòng rui ro lên 81 tỷ đồng, khiến lợi nhuận cả năm 2013 chỉ đạt 651 tỷ đồng, giảm gần 70% so với mức 2117 tỷ đồng của năm 2012.

Techcombank  cũng sụt giảm lợi nhuận trước thuế còn 735 tỷ đồng so với mức 1.221 tỷ đồng của năm 2012. Trong khi đó, tín dụng tăng trưởng chỉ 3%. LienVietPostBank lợi nhuận trước thuế năm 2013 đạt 664 tỷ đồng, chỉ đạt 48,2 % so với kế hoạch.

Trong khi đó, từ mùa chia cổ tức năm 2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố ngân hàng  nào không trích lập đủ dự phòng rủi ro thì không được chia cổ tức.

Những năm qua tốc độ nợ xấu gia tăng nhanh đã để lại hậu quả nặng nề, kéo dài từ 5-15 năm. Tốc độ gia tăng nợ xấu tăng nhanh khi năm 2010 tăng 41%, năm 2011 tăng 64%, đến tháng 10/2012 tăng 66%.

Gần đây, tốc độ tăng nợ xấu có giảm, tốc độ tăng nợ xấu bình quân 9 tháng đầu năm 2013 đã giảm đáng kể ở mức 2,2% một tháng so với mức 3,91% của năm 2012. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng hiện vẫn ở mức cao, khoảng 7%.

Những ngân hàng có nợ xấu quá cao phải sử dụng vốn tự có, vốn điều lệ hoặc bán tài sản để xử lý nợ. Để đảm bảo các hệ số an toàn hoạt động hướng theo tiêu chuẩn quốc tế, ngân hàng phải tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt khi có sự tham gia của các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài. Do vậy, việc ngân hàng chia cổ tức không cao là điều dễ hiểu trong điều kiện hiện nay và trong thời gian tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Lan (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN