Ngân sách nhà nước trước “vòng xoáy” công nợ

Ngân sách nhà nước đang đứng trước “vòng xoáy” nợ nần với qui mô nợ Chính phủ ngày càng lớn...

Năm 2013 được đánh giá là một năm nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, theo đó chính sách tài khoá cũng phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải, cả từ thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách nhà nước, đến thâm hụt ngân sách nhà nước, nợ công và tác động của chính sách quản lý giá cả đến ngân sách nhà nước nói riêng, đến ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.

Nghị quyết số 31/2012/NQ-QH13 ngày 8/11/2012 đặt mục tiêu cho năm 2013 là tăng trưởng GDP 5,5% với tổng vốn đầu tư toàn xã hội 30% GDP và lạm phát CPI dưới 8%. Ngoài ra, tổng kim ngạch xuất khẩu 2013 tăng khoảng 10% với tỷ lệ nhập siêu khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu và bội chi ngân sách nhà nước dưới 4,8% GDP.

Như vậy, về cơ bản chính sách tài khoá năm 2013 không có thay đổi quan trọng nào so với năm 2012.

Tỷ lệ thu và chi ngân sách nhà nước theo dự toán năm 2013 đều giảm nhẹ khoảng 1% GDP so với thực hiện năm 2012 nên thâm hụt ngân sách nhà nước vẫn duy trì tương đương giai đoạn 2011-2012.

Theo đó, quan điểm chủ đạo của chính sách tài khoá năm 2013 là ổn định chứ không chủ trương nới lỏng hay/và giảm gánh nặng thu ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng không chủ trương thắt chặt tài khoá nhằm giảm thâm hụt ngân sách nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.

Nhìn chung, thu ngân sách nhà nước năm 2013 sẽ vẫn gặp khó khăn khi sự chậm lại của tốc độ tăng trưởng kinh tế không được bù đắp bởi tốc độ lạm phát tăng cao như mấy năm trước. Bên cạnh đó, chỉ trong vòng 2 năm 2011-2012, đã có khoảng 10 vạn doanh nghiệp giải thể phá sản, chiếm một nửa số doanh nghiệp giải thể phá sản kể từ khi có Luật Doanh nghiệp đến nay nên đã hạn chế khả năng thu ngân sách nhà nước không chỉ của năm 2012 mà có thể của cả các năm tiếp theo. Ngay 2 tháng đầu năm 2013 đã có thêm 8.600 doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động.

Ngân sách nhà nước trước “vòng xoáy” công nợ - 1

Đặc điểm nổi bật của chính sách tài khoá năm 2013 là khó khăn trong thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước do tác động của kinh tế trì trệ.

Thu ngân sách nhà nước năm 2013 được xác định tiếp tục dựa vào tăng thu nội địa với tỷ trọng chiếm khoảng 2/3 tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trong khi thu từ dầu thô dự kiến giảm gần về tỷ trọng 10% tổng thu và thu từ xuất nhập khẩu chiếm khoảng 1/5 - xấp xỉ mức thu được năm 2012.

Dự toán khoản thu ngân sách nhà nước từ nhà đất năm 2013 là 45,7 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 5% tổng thu ngân sách nhà nước theo dự toán và là khoản thu quan trọng hàng đầu của ngân sách địa phương, song do thị trường bất động sản có thể vẫn đóng băng trong năm 2013 nên thu tiền sử dụng đất nói riêng và thu từ nhà đất nói chung không dễ dàng đạt dự toán.

Thu ngân sách nhà nước nói riêng, chính sách tài khoá năm 2013 nói chung còn chịu tác động mạnh của các biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thị trường từ năm 2012 và tiếp tục thực hiện bổ sung năm 2013. Tuy nhiên, những giải pháp nêu trong Nghị quyết 13/NQ-CP và Nghị quyết 29/2012/NQ-QH dường như vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của đại bộ phận các doanh nghiệp cả về cách thức, qui mô và mức độ hỗ trợ.

Nếu thu ngân sách nhà nước năm 2013 không dễ đạt dự toán thì chi ngân sách nhà nước lại có thể bám khá sát dự toán. Năm 2012, theo Bộ Tài chính, trong khi thu ngân sách nhà nước đạt đúng dự toán thì chi ngân sách nhà nước lại thấp hơn dự toán gần 1% - trường hợp hy hữu chưa từng xảy ra từ trước đến nay.

Đã không xảy ra mối lo ngại về chuyện chi ngân sách nhà nước vượt dự toán có thể lặp lại trong năm 2012 do đây là truyền thống và khả năng tăng chi ngân sách nhà nước để kích cầu những tháng cuối năm 2012. Thực tế mấy năm gần đây cho thấy chi ngân sách nhà nước luôn vượt xa dự toán nên thâm hụt ngân sách nhà nước trở thành bệnh kinh niên bất chấp mọi nỗ lực tăng thu ngân sách nhà nước.

Chi trả nợ gốc năm 2012 lại tái diễn tình trạng thường xuyên vượt dự toán từ 16-26% như mấy năm gần đây, nhất là khi tỷ giá hối đoái hầu như không thay đổi suốt cả năm ở mức bình quân 20.900 VND/USD.

Theo đó, tình trạng này rất có thể lặp lại trong năm 2013 khi dự toán chi trả nợ gốc là gần 61 ngàn tỷ đồng - chiếm hơn 6% tổng chi cân đối ngân sách nhà nước. Nếu tính cả gần 43 ngàn tỷ chi trả nợ lãi thì tổng chi trả nợ năm 2013 chiếm tới 10,6% tổng chi cân đối ngân sách nhà nước.

Tính đến 15/10/2012, thâm hụt ngân sách nhà nước thậm chí đã lên đến 155,2 ngàn tỷ đồng, vượt xa mức thâm hụt 140,2 ngàn tỷ đồng theo dự toán. Đến hết năm 2012, do tình hình thu ngân sách nhà nước được cải thiện nên tỷ lệ thâm hụt ngân sách nhà nước đúng bằng mức dự toán là 140,2 ngàn tỷ đồng. Tình hình tương tự có thể xảy ra trong năm 2013 với mức thâm hụt dự kiến là 162 ngàn tỷ đồng.

Để bù đắp bội chi Việt Nam buộc phải vay trong nước và vay nước ngoài. Do số nợ vay được sử dụng vào những mục đích không sinh lợi nên toàn bộ số chi trả nợ gốc phải trông vào phát hành nợ mới, đặc biệt là vay trong nước và ngân sách nhà nước Việt Nam đang đứng trước “vòng xoáy” nợ nần với qui mô nợ Chính phủ ngày càng lớn.

Dự toán năm 2013 cũng cho rằng “vẫn phải thực hiện biện pháp phát hành để đảo nợ và giãn trả các khoản vay từ các quỹ tài chính Nhà nước”.

Tóm lại, đặc điểm nổi bật của chính sách tài khoá năm 2013 là khó khăn trong thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước do tác động của kinh tế trì trệ.

Đến lượt mình, thu ngân sách nhà nước khó khăn có thể làm gia tăng qui mô thâm hụt ngân sách nhà nước, tăng nợ công, tạo nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời hạn chế khả năng tăng chi ngân sách nhà nước để kích thích kinh tế, tăng đầu tư công và xử lý nợ xấu cũng như miễn giảm thuế để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Chính sách quản lý giá và phí tác động tới lạm phát những không hỗ trợ nhiều cho tăng thu ngân sách nhà nước do sức tiêu thụ bị hạn chế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TS. VŨ ĐÌNH ÁNH (VnEconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN