Ngân hàng đua nhau "trảm tướng"

Chưa bao giờ nhân sự cấp cao ngành ngân hàng lại biến động mạnh như mùa ĐHCĐ năm nay bởi làn sóng sáp nhập, thâu tóm đang diễn ra khá sôi động.

Mùa ĐHCĐ ngành ngân hàng năm nay đang diễn ra khá sôi động, với nhiều điểm nóng như hợp nhất, sáp nhập, thâu tóm, lợi nhuận… và cả sự biến động mạnh về nhân sự cấp cao ở nhiều ngân hàng.

Sau các thương vụ mua bán, hợp nhất, sáp nhập trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng Việt Nam diễn ra từ năm 2011 đến nay, nhân sự cấp cao của nhiều nhà băng bắt đầu thay đổi. Đặc biệt là ở những ngân hàng bắt đầu đổi chủ trong năm 2012 này.

Ngày 26/4, ĐHCĐ thường niên năm 2012 của TienPhong Bank đã thông qua các phương án hoạt động trong năm 2012. HĐQT Ngân hàng đã nhất trí 100% bầu ông Đỗ Minh Phú làm Chủ tịch HĐQT. Ông Phú hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI (cổ đông chiến lược TienPhong Bank), với tỷ lệ sở hữu vốn đến 20%. Ông Đỗ Anh Tú, Tổng giám đốc Diana, em trai ông Phú cũng được bầu làm ủy viên HĐQT TienPhong Bank. TienPhong Bank cũng vừa bổ nhiệm thêm một phó tổng giám đốc người Nhật Bản là Megumu Motohisha, tham gia hỗ trợ việc tái cấu trúc, phụ trách phát triển ngân hàng điện tử và tài chính vi mô, lĩnh vực kinh doanh mới của TienPhong Bank.

TienPhong Bank đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 4.500 - 4.800 tỷ đồng ngay trong năm 2012 và trong đại hội năm nay, cổ đông Ngân hàng đã biểu quyết thông qua chiến lược tái cơ cấu toàn bộ hoạt động của Ngân hàng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú.

Tại ĐHCĐ Southern Bank diễn ra trong ngày 24/4 vừa qua, ông Trầm Bê đã xin từ nhiệm chức vụ Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng. Nhưng thay vào đó là ông Trầm Trọng Ngân, con trai ông Trầm Bê đã chính thức tham gia HĐQT của ngân hàng này. Việc lui về sân sau, chỉ tham gia Hội đồng sáng lập Southern Bank, còn được ông Bê lý giải là để chuẩn bị nhận công tác ở nơi khác.

Ngân hàng đua nhau "trảm tướng" - 1

Theo thông tin đáng tin cậy, sau ĐHCĐ, OCB sẽ có sự thay đổi của vị trí Tổng giám đốc

Mới đây, Sacombank bổ nhiệm ông Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Southern Bank) vào vị trí Phó tổng giám đốc Sacombank. Đồng thời, Sacombank gửi thông báo xin ý kiến cổ đông về việc bầu bổ sung thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2011-2015. Theo công văn gửi cổ đông, với lý do riêng, sau ĐHCĐ năm 2012 diễn ra vào ngày 26/5 tới, sẽ có một số thành viên HĐQT Sacombank đương nhiệm xin từ nhiệm nên số thành viên HĐQT còn lại không đảm bảo đủ số lượng theo quy định. Vì thế, Sacombank xin ý kiến cổ đông bầu bổ sung thêm 8 thành viên HĐQT và 1 thành viên BKS nhiệm kỳ 2011 - 2015. Nếu được thông qua, HĐQT Sacombank sau khi bầu bổ sung bao gồm tối đa 10 thành viên và BKS là 4 thành viên.

Trước đó, tại ĐHCĐ của DongA Bank, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm đã trúng cử vị trí thành viên HĐQT độc lập DongA Bank. Phó chủ tịch HĐQT DongA Bank, bà Vũ Thị Vang cho biết, căn cứ theo Nghị định 59 của Chính phủ, HĐQT phải có tối thiểu 3 thành viên và không quá 11 thành viên, trong đó có tối thiểu 2 thành viên độc lập. Tuy nhiên, trước khi ĐHCĐ diễn ra vào ngày 30/3, HĐQT DongA Bank chỉ có một thành viên hội đồng quản trị độc lập, khuyết 1 thành viên. Do đó, Hội đồng quản trị đã giới thiệu ông Kiêm tham gia ứng cử.

Không chỉ với những nhà băng đã thông qua ĐHCĐ về biến động nhân sự cấp cao trong năm nay, mà ngay với những ngân hàng chưa tiến hành đại hội cũng đang lên kế hoạch để giới thiệu nhân sự mới với các cổ đông.

Chẳng hạn với OCB, theo một nguồn tin đáng tin cậy, sau kỳ ĐHCĐ được tổ chức vào ngày 12/5 tới, sẽ có sự thay đổi của vị trí tổng giám đốc. Theo đó, ông Nguyễn Đình Tùng sẽ chính thức trở thành CEO của OCB, thay ông Trịnh Văn Tuấn hiện nay. Ông Tùng từng giữ chức Phó tổng giám đốc VIB, Phó tổng giám đốc Maritime Bank, đồng thời là Phó chủ tịch HĐQT của MeKong Bank.

Có thể nói, chưa bao giờ nhân sự cấp cao ngành ngân hàng lại biến động mạnh như mùa ĐHCĐ năm nay bởi làn sóng hợp nhất, sáp nhập, thâu tóm đang diễn ra khá sôi động. Nổi cộm nhất là vụ Eximbank đại diện cho nhóm cổ đông lớn thâu tóm Sacombank; SHB mua lại toàn bộ của Habubank; 3 ngân hàng SCB, TinNghiaBank, Ficombank đã tiến hành hợp nhất… Thị trường hứa hẹn sẽ còn nhiều thương vụ M&A khác trong lĩnh vực tài chính sẽ diễn ra ở tương lai gần vì đây được xem là quy luật phát triển tất yếu. Các ngân hàng HDBank, OCB, DongA Bank đang chủ động tìm kiếm đối tác phù hợp để hợp tác, hợp nhất phát triển.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Vinh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN