Năm 2014, lãi suất cho vay vẫn sẽ ở mức cao
“Tình hình kinh doanh năm 2014 sẽ rất khó dự đoán. Tuy nhiên, sẽ không có một cú hích nào xoay chuyển tình hình khi nợ xấu ngân hàng chưa giảm, thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước chưa xử lý được”.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Fulbright tại hội thảo “Chiến lược kinh doanh nào cho năm 2014”, do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, tổ chức ngày 6-12.
Theo đề án tái cơ cấu, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn tại 376 doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng vấn đề nằm ở chỗ Chính phủ có chấp nhận bán tài sản của các doanh nghiệp nhà nước một cách mạnh mẽ hay không. Vì nếu SCIC thoái vốn tại 376 doanh nghiệp thì Nhà nước mới có thêm kinh phí. “Khi có tiền thì số tiền này sẽ trả lại cho hệ thống ngân hàng để cho vay mới lại. Như vậy sẽ cải thiện đáng kể cho môi trường kinh doanh của Việt Nam” - ông Thành nói.
Cũng trong hội thảo, vấn đề được nhiều doanh nghiệp đặt ra là việc tiếp cận nguồn vốn trong tương lai có dễ dàng hơn không, khi vấn đề xử lý nợ xấu mới đang chỉ là bước đầu. Ông Thành nhấn mạnh năm 2014 lãi suất cho vay có thể đi 8%-15%/năm, tùy từng khách hàng nhưng bình quân khoảng 12%-13%/năm. Nguyên nhân của sự chênh lệch này là ở chỗ nợ xấu được bán cho Công ty Mua bán nợ (VAMC) nhưng thực chất là VAMC giữ hộ nợ xấu của ngân hàng trong năm năm. Và ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu này.
“Như vậy có nghĩa là ngân hàng phải dùng lợi nhuận tương lai cho nợ xấu quá khứ. Chính vì thế sẽ đẩy chi phí giá vốn của ngân hàng lên cao, điều này trực tiếp đẩy lãi suất cho vay cao tới 12%-13%/năm” - ông Thành nói.
Mặc dù vậy ông Lê Thẩm Dương, chuyên gia tài chính, cho rằng môi trường kinh tế vĩ mô năm 2014 cũng sẽ ổn định hơn các năm trước khi vấn đề vàng, tỉ giá, lãi suất không còn “nhảy múa”. Ngân hàng Nhà nước cũng đã kiểm soát được lạm phát, kiều hối năm 2013 ước đạt mức 11 tỉ USD, lãi suất đã giảm ổn định đây là điều đáng mừng.