Màu sắc của tăng trưởng kinh tế

Muốn biết sáng/tối và trạng thái của tăng trưởng, phải thông qua việc so sánh: So với thời kỳ trước, so với mục tiêu đề ra, so với các nước. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2012 đạt 5,25%, rơi xuống “đáy” tính từ năm 2000; chỉ cao hơn mức “đáy” 4,77% của năm 1999.

Mãi đến năm 2013 tăng trưởng kinh tế mới có dấu hiệu cao lên qua các quý, tính chung cả năm tăng 5,42%, tuy chưa đạt kế hoạch (5,5%), nhưng đã cao hơn tốc độ tăng của năm trước và coi như vẫn đạt được mục tiêu tổng quát (tăng trưởng cao hơn). Đây là dấu hiệu của trạng thái tăng trưởng: Tăng trưởng kinh tế đã “thoát đáy, vượt dốc đi lên”. Với tăng trưởng kinh tế như trên, với tốc độ tăng dân số tiếp tục giữ được ở mức thấp (1,05%), với tỷ giá VND/USD cơ bản ổn định, nên GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế bình quân năm 2013 đạt đỉnh cao mới (1.899 USD, cao hơn đỉnh cũ 1.749 USD đạt được vào năm 2012).

Cùng với mảng sáng về tăng trưởng kinh tế, lạm phát năm 2013 đã được kiềm chế. CPI năm 2013 đã thấp hơn năm trước và thấp nhất trong 10 năm qua, là năm đầu tiên không lặp lại chu kỳ “2 năm tăng cao, 1 năm tăng thấp” đã diễn ra trong 9 năm trước đây. Theo đó, mục tiêu kép (lạm phát thấp hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn) của năm 2013 đã được thực hiện. Tỷ giá ổn định trong thời gian tương đối dài. Giá vàng năm trước tăng thấp, năm nay giảm sâu và thập kỷ vàng tăng phi mã (đến mức “vàng bỏ ống cũng có lãi”) đã kết thúc. “Các nơi trú ẩn của dòng vốn” diễn biến như vậy đã góp phần kiềm chế lạm phát, giảm bớt tình trạng đô la hoá, vàng hoá nền kinh tế.

Màu sắc của tăng trưởng kinh tế - 1

Xuất khẩu tăng cao chủ yếu do khu vực FDI đạt quy mô và tốc độ tăng cao.

Xuất khẩu đạt được nhiều sự vượt trội. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất từ trước tới nay. Bình quân đầu người vượt kỷ lục cũ. Xuất khẩu/GDP đạt kỷ lục mới. Tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP. Đã có 22 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, trong đó lần đầu tiên có 1 mặt hàng vượt qua mốc 21,5 tỷ USD (điện thoại).

Đã có 23 tỉnh/thành phố đạt trên 1 tỷ USD, trong đó lần đầu tiên có 1 tỉnh đạt trên 26 tỷ USD (Bắc Ninh) và 1 thành phố đạt trên 29,5 tỷ USD (TP.HCM). Sự vượt trội của xuất khẩu, cùng với lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn (FDI, ODA, kiều hối, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam) và tâm lý găm giữ USD, vàng giảm, nên cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thặng dư, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng và đã vượt 12 tuần nhập khẩu - ranh giới an toàn tài chính và tính thanh khoản của quốc gia.

Đan xen với màu sáng, nền kinh tế vẫn còn những mảng tối và tăng trưởng kinh tế vẫn chưa thật sự thoát khỏi trì trệ, chưa có xung lực mới để bứt phá.

Ngay trong các mảng sáng ở trên cũng còn đan xen các điểm tối. Tăng trưởng kinh tế cao lên, nhưng chủ yếu do tăng trưởng của nhóm ngành dịch vụ, còn nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản và nhóm ngành công nghiệp-xây dựng vẫn tăng thấp hơn năm trước. Số doanh nghiệp thành lập mới gia tăng và số đã quay trở lại hoạt động đạt khá, nhưng số giải thể và tạm ngừng hoạt động vẫn còn cao hơn 3 năm trước. Ba điểm nghẽn (nợ xấu, tồn kho, tiêu thụ) tuy có “vơi” đi ít nhiều, nhưng vẫn còn cản trở lớn đối với tăng trưởng kinh tế.

Lạm phát thấp hơn, xuất siêu năm thứ hai liên tiếp, ngoài những yếu tố tích cực tác động, còn có yếu tố không tích cực là do tổng cầu bị suy giảm. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP năm 2013 ở mức thấp nhất so với hàng chục năm trước; tốc độ tăng bán lẻ trong nước sau khi loại trừ yếu tố tăng giá vẫn còn thấp, tăng trưởng dư nợ tín dụng thấp trong 3 năm liền (bình quân chỉ bằng 1/3 thời kỳ 2006-2010). Đặc biệt, bên cạnh tâm lý “thắt lưng buộc bụng”, “tích cốc phòng cơ” đã xuất hiện, tâm lý “co cụm, thủ thế” trong không ít ngân hàng thương mại và doanh nghiệp.

Đan xen với màu sáng, nền kinh tế vẫn còn những mảng tối và tăng trưởng kinh tế vẫn chưa thật sự thoát khỏi trì trệ, chưa có xung lực mới để bứt phá.

Xuất khẩu tăng cao chủ yếu do khu vực FDI đạt quy mô và tốc độ tăng cao. Xuất siêu chủ yếu do xuất siêu lớn ở khu vực FDI, với các thị trường Hoa Kỳ, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Anh, Hongkong, Campuchia, Hà Lan, Australia, Đức, Nhật Bản, Tây Ban Nha. Nhưng nhập siêu lớn ở khu vực kinh tế trong nước và với các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan...

Cân đối ngân sách năm nay gặp khó khăn lớn nhất trong hàng chục năm qua khi tỷ lệ so với dự toán và tốc độ so với năm trước của chi ngân sách cao hơn của thu ngân sách, làm cho bội chi ngân sách/GDP tăng, phải phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Ngọc Lâm (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN