Loạn mẫu công bố thông tin sở hữu cổ đông lớn

Chất lượng báo cáo/công bố thông tin về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn trên TTCK hiện được hiển thị quá sơ sài.

Sáng 12/3/2013, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) công bố thông tin thay đổi sở hữu của cổ đông lớn tại CTCP Transimex Sài Gòn (TMS). Theo đó, Casco Investment Limited đã nâng tỷ lệ sở hữu từ 7,57% lên 24,9% tại TMS, ngày thay đổi sở hữu là 4/3/2013. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều yêu cầu công khai thông tin theo mẫu Báo cáo về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn (tại Thông tư 52/2012/TT-BTC) đã không hiển thị trên bản công bố thông tin của cổ đông lớn, mà không rõ lý do vì sao.

Theo Thông tư 52, có 12 đầu mục trong 1 văn bản mà cổ đông lớn phải báo cáo UBCK, Sở GDCK và DN phát hành khi có sự thay đổi về sở hữu. Thực tế, phần báo cáo của Casco Investment Limited được đăng trên website của HOSE chỉ có thông tin về tổ chức đầu tư (Casco Investment Limited) và quốc tịch (British Virgin Island), còn lại thông tin về địa chỉ, trụ sở chính; điện thoại không có; người có liên quan không có; số tài khoản giao dịch cổ phiếu cũng không có… Cũng ngày 12/3/2013, báo cáo về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn của tổ chức Deusche bank AG với cổ phiếu TTF được đăng trên HOSE có thông tin cũng rất “trống trải”.

Loạn mẫu công bố thông tin sở hữu cổ đông lớn - 1

Thông tin về sở hữu của cổ đông lớn tại DN là loại thông tin rất quan trọng với thị trường

Trong 12 đầu mục mà Thông tư 52 yêu cầu báo cáo, Deusche bank AG chỉ hiển thị 6 đầu mục, còn 6 đầu mục bỏ trống. Cùng là tổ chức này (Deusche bank AG), trong báo cáo về sở hữu của cổ đông lớn tại TTF trước đó 1 ngày (ngày 11/3/2013) đăng trên HOSE lại theo một mẫu hoàn toàn khác, với 15 đầu mục, nhưng đã bỏ trống những đầu mục quan trọng, như điện thoại liên hệ, địa chỉ, số hiệu tài khoản... Nhiều tổ chức lớn khác như VOF Investment Limited, Market Vectors ETF Trust… khi báo cáo về sở hữu cổ đông lớn đã thực hiện các mẫu khác nhau và để trống nhiều thông tin, như ngành nghề kinh doanh, trụ sở chính, số tài khoản giao dịch cổ phiếu… Ngoài nội dung quá sơ sài, các báo cáo của cổ đông lớn (ngoại) này đăng trên website của Sở đều không hiển thị phần chữ ký, con dấu theo như quy chuẩn báo cáo tại Thông tư 52.

Tại Sở GDCK Hà Nội (HNX), báo cáo về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn tại các DN niêm yết lại được thực hiện như một bản công bố thông tin từ chính Sở, theo một mẫu chung, khá ngắn gọn. Tại HNX, thỉnh thoảng cũng thấy một bản báo cáo về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn đầy đủ thông tin hơn, như báo cáo về tổ chức Asean Small Cap Fund sở hữu lớn tại CTCP Tập đoàn đầu tư Thăng Long với thông tin cụ thể về ngành nghề kinh doanh của cổ đông lớn, địa chỉ trụ sở chính, số đăng ký kinh doanh, người có liên quan, mối quan hệ của người này với tổ chức thực hiện giao dịch… Tuy nhiên, do tính chất DN niêm yết trên HNX phần lớn là có quy mô nhỏ, chưa thu hút nhiều sự quan tâm, đầu tư của các tổ chức đầu tư nước ngoài đến mức sở hữu lớn (sở hữu trên 5% vốn tại DN), nên thỉnh thoảng HNX mới có công bố thông tin về sở hữu cổ đông lớn (ngoại), trong khi tại HOSE, loại thông tin này được đăng tải thường xuyên.

Trả lời câu hỏi của ĐTCK về việc vì sao HOSE lại đăng loại thông tin về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn (bản scan) sơ sài như vậy, một lãnh đạo HOSE cho biết, HOSE không quản lý thông tin về nhà đầu tư, không quản lý hồ sơ gốc của các nhà đầu tư ngoại, nên HOSE đưa thông tin trung thành từ báo cáo của nhà đầu tư ra thị trường thông qua website của Sở. Cũng theo lãnh đạo HOSE, HOSE không có chế tài với cổ đông lớn trong trường hợp họ báo cáo sơ sài, vì HOSE không quản lý đến nhà đầu tư.

Tại sàn Hà Nội, tìm hiểu của ĐTCK được biết, khi nhận được loại báo cáo thay đổi sở hữu của cổ đông lớn, nếu báo cáo này quá sơ sài thì HNX thường yêu cầu đối tượng phải báo cáo lại, sau đó đăng thông tin trên website. Một số thông tin riêng tư về cổ đông lớn, như số tài khoản giao dịch thường được Sở cân nhắc, không đưa công khai ra công chúng.

Ai giám sát quy chuẩn báo cáo của cổ đông lớn?

Như trên đã phản ánh, theo Thông tư 52, khi có thay đổi về sở hữu, cổ đông lớn phải báo cáo 3 chủ thể gồm UBCK, Sở GDCK và DN phát hành. Trong 3 chủ thể này, theo quy định tại Điều 34, Thông tư 52/2012/TT-BTC thì chỉ có Sở GDCK có trách nhiệm công bố thông tin về giao dịch của cổ đông lớn. Ở đây, nội hàm của quy định công bố thông tin về giao dịch của cổ đông lớn có gồm trách nhiệm Sở phải công bố thông tin về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn (sau giao dịch) hay không, đã không được đề cập rõ ràng.

Trên thực tế, hàng ngày, trên 2 Sở GDCK, nhất là HOSE vẫn đăng thông tin về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn (ngoại) tại các DN niêm yết. Tuy nhiên, vì các thông tin này được đưa ra quá sơ sài, nên dư luận đặt ra 3 câu hỏi. Thứ nhất, thông tin về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn có phải là loại bắt buộc công bố ra công chúng hay không, hay chỉ phải báo cáo UBCK, Sở GDCK và DN phát hành? Thứ hai, trong trường hợp phải công bố ra công chúng thì chủ thể nào có nghĩa vụ công bố loại thông tin này (chính cổ đông lớn, Sở GDCK, UBCK hay DN phát hành?); Thứ ba, trường hợp thông tin công bố ra công chúng quá sơ sài, thì ai chịu trách nhiệm; cơ quan nào thực hiện giám sát chất lượng báo cáo, công bố thông tin của cổ đông lớn và chế tài với các báo cáo thiếu thông tin như thế nào?

Theo tìm hiểu của ĐTCK, UBCK đã không ít lần ban hành quyết định xử phạt cổ đông lớn khi họ thực hiện giao dịch nhưng không báo cáo theo quy định pháp luật. Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đã quy định rất cụ thể về các hình thức xử phạt lỗi này. Theo đó, khi các cổ đông lớn không công bố thông tin thì chế tài dành cho họ là các mức phạt (phạt tiền và hình phạt bổ sung). Nhưng khi các cổ đông lớn chỉ báo cáo một nửa đầu mục trong các quy chuẩn phải báo cáo, họ có phải chịu chế tài gì không?

Theo nhiều ý kiến, cùng với thông tin về giao dịch của cổ đông lớn, thông tin về sở hữu của cổ đông lớn tại DN là loại thông tin rất quan trọng với thị trường, nhất là trong bối cảnh DN sau niêm yết không còn trực tiếp quản lý hồ sơ cổ đông và xu hướng mua thâu tóm DN qua sàn ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, văn bản pháp lý cần quy định rõ trách nhiệm công bố thông tin về sở hữu của cổ đông lớn mỗi khi có sự thay đổi. Cùng với đó, UBCK, các Sở GDCK cần sớm thống nhất 1 quy chuẩn về mẫu công bố thông tin về sở hữu cổ đông lớn, với các đề mục phải được cổ đông lớn tuân thủ nghiêm túc, để khi công bố thông tin loại này không còn tình trạng “loạn mẫu” hoặc nửa vời như hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tường Vi (Đầu tư chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN