Lấn sân nông nghiệp, vì sao bầu Hiển không nuôi trồng như các đại gia khác?
Những thương vụ lấn sân nông nghiệp cho thấy có vẻ như bầu Hiển muốn tập trung vào lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, hoặc các giá trị khác chứ không theo đuổi đầu tư nông nghiệp theo hướng nuôi trồng, phát triển nông nghiệp sạch như một số đại gia khác.
Cách đây ít hôm Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực Miền Nam - Công ty TNHH MTV (Vinafood II) đã thực hiện thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với số lượng gần 115 triệu cổ phần Vinafood II, tương đương 22,97% vốn điều lệ.
Với giá đấu khởi điểm là 10.100 đồng/cổ phần, toàn bộ số cổ phần được đem ra đấu giá đã được 40 nhà đầu tư mua lại với mức giá bình quân 10.101 đồng/cổ phần. Tổng giá trị thu về cho nhà nước tại phiên đấu giá này đạt gần 1.160 tỷ đồng.
Vinafood II sẽ có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, sau khi đấu giá công khai 22,97% vốn, cổ đông Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ chi phối 51% vốn điều lệ. Tổng công ty dự định bán 25% vốn cho nhà đầu tư chiến lược, số còn lại sẽ bán cho người lao động và công đoàn.
Được biết, Tập đoàn T&T của doanh nhân Đỗ Quang Hiển là doanh nghiệp duy nhất quan tâm đến việc trở thành cổ đông chiến lược của Vinafood II. Hiện T&T đã nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược.
Theo quy định, mức giá bán cho nhà đầu tư chiến lược không thấp hơn giá chào bán công khai. Như vậy, ước tính T&T phải chi hơn 1.260 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược của Vinafood II.
Ông Đỗ Quang Hiển ("bầu" Hiển), Chủ tịch Tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB.
Vinafood II được biết đến là doanh nghiệp có vị thế lớn trong lĩnh vực kinh doanh, xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm chế biến, nông sản với hệ thống phân phối bao phủ khắp các tỉnh khu vực phía Nam.
Thành công trong lĩnh vực ngân hàng (SHB), chứng khoán (SHS), và bất động sản (T&T), một loạt động thái trong thời gian gần đây cho thấy vị doanh nhân này đang có chiến lược lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình như việc T&T trở thành cổ đông chiến lược của một số doanh nghiệp lớn như: Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexco), Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội)…
Tuy nhiên, những thương vụ trên cho thấy có vẻ như “bầu” Hiển muốn tập trung vào lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, chứ không đầu tư vào theo hướng nuôi trồng như một số đại gia đã "lấn sân" nông nghiệp.
Cụ thể, Vigecam là doanh nghiệp cung cấp sản phẩm phân nén với thương hiệu Con Lười và xuất khẩu chè. Vegetexco có trụ sở tại khu đất 164 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, hiện chịu sự chi phối lớn từ các cổ đông là thành viên trong “hệ sinh thái” của “bầu” Hiển bao gồm: CTCP Tập đoàn T&T (chiếm 35% cổ phần Vegetexco); Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (15%); CTCP Xuất Nhập Khẩu Thủ công Mỹ Nghệ (10%).
Trong khi đó, tại Tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexco), lĩnh vực kinh doanh chính là xuất khẩu nông sản như hạt điều, rau quả các loại và cung cấp hạt giống rau quả cho thị trường trong nước. Để thâu tóm Vegetexco, 2 công ty do bầu Hiển làm chủ tịch là T&T Group và Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) đã trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 50%. Một công ty ít nhiều liên quan đến BSH là Art Export cũng mua 10% cổ phần. Để mua được số cổ phần nói trên, 3 công ty của ông Đỗ Quang Hiển đã bỏ ra khoảng 430 tỷ đồng.
Nhiều người tin rằng bầu Hiển thâu tóm Vegetexco không hẳn vì muốn kinh doanh sản phẩm nông sản. Trước thời điểm đó, khoản tiền thuê đất của Vegetexco tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Phường Bình Hưng Hòa B, Quận Tân Bình, Tp.HCM có diện tích 11 nghìn m2, thời hạn thuê đến năm 2053 đã trả tiền thuê 1 lần.
Theo phương án sử dụng đất, Vegetexco tiếp tục quản lý và sử dụng các địa điểm đất theo hình thức thuê đất, trả tiền hàng năm đối với 9 mảnh đất thuộc 4 tỉnh thành trên cả nước. Ngoài mảnh đất 11.000 m2 tại Tp.HCM vẫn được tính thuộc sở hữu Nhà nước, còn lại tổng diện tích 9 mảnh đất lên tới 160.000 m2.
Còn tại Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội), một doanh nghiệp gốc nhà nước và từng được xem là đơn vị hàng đầu của ngành ngoại thương. Công ty có trụ sở tại 41 Ngô Quyền (Hà Nội) và hiện hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, đầu tư bất động sản. Được biết, Unimex Hà Nội quản lý và sử dụng 15 khu đất tại các tỉnh thành lớn trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và An Giang với tổng diện tích lên tới 63.472 m2 dùng làm văn phòng và cho thuê văn phòng, xưởng sản xuất và chế biến, kho bãi, cửa hàng giới thiệu sản phẩm và kinh doanh đầu tư bất động sản.
Theo thông tin công bố khi cổ phần hóa, Unimex có vốn điều lệ công ty 200 tỷ đồng, T&T Group của bầu Hiển là cổ đông chiến lược với tỷ lệ sở hữu lên đến 50%. Nhà nước giữ lại 20% vốn, bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên 2%, còn lại gần 28% vốn - tương ứng 5,59 triệu cổ phiếu được bán đấu giá.