Lãi suất tối đa 20%, theo luật nào mới đúng?

Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20% trong "trường hợp luật khác có liên quan quy định khác".

Ngày 23/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo về một số quy định về lãi suất và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Bộ luật Dân sự 2015 đối với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh. Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các văn phòng luật sư, tổ chức thi hành án cùng khoảng 200 đại biểu từ các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề lãi suất, TS. Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20% trong "trường hợp luật khác có liên quan quy định khác". “Luật khác” ở đây được hiểu là pháp luật chuyên ngành. 

Lãi suất tối đa 20%, theo luật nào mới đúng? - 1

Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010, trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất. Chỉ trong điều kiện đặc biệt cần có sự can thiệp của Nhà nước, NHNN mới quy định cơ chế xác định lãi suất trong quan hệ giữa TCTD và khách hàng, cơ chế xác định lãi suất này có thể bao gồm trần lãi suất cho vay trong quan hệ cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng. Như vậy, Bộ luật Dân sự đã loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20%/năm đối với hoạt động cho vay của các TCTD, lúc đó pháp luật về tín dụng, ngân hàng sẽ cho phép các bên trong quan hệ tín dụng là TCTD và khách hàng được tự thoả thuận.

Mặc dù vậy, các đại biểu cũng chỉ ra một số điểm còn bất cập, vênh nhau giữa Bộ luật Dân sự với luật chuyên ngành. Cụ thể, đối với quy định về lãi suất, khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 mặc dù nêu rõ lãi suất trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD theo cơ chế thoả thuận nhưng “theo quy định của pháp luật”. Việc ghi thêm cụm từ này khiến các TCTD, khách hàng có quan hệ tín dụng với TCTD và các cơ quan chức năng thực thi pháp luật lúng túng là không biết theo pháp luật về tín dụng ngân hàng (không áp dụng trần lãi suất cho vay) hay theo pháp luật dân sự (áp dụng trần lãi suất cho vay).Đề xuất các giải pháp xử lý các vướng mắc trong quy định về lãi suất, đại biểu Bùi Quang Tín nêu ý kiến, pháp luật chuyên ngành cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn về việc áp dụng lãi suất này. Theo đó, cơ quan lập pháp nên bỏ đi cụm từ “theo quy định của pháp luật” tại khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 nhằm phù hợp hơn với các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm CLB Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng Luật các TCTD 2010 cần sửa đổi theo hướng không quy chiếu ngược trở lại với BLDS nhằm tránh xảy ra tình trạng lòng vòng, không rõ ràng trong các quy định của pháp luật. Bộ luật Dân sự 2015 mặc dù mới được Quốc hội thông qua và sắp sửa có hiệu lực nhưng trong tương lai vẫn cần tiếp tục sửa đổi nội dung liên quan vấn đề lãi suất trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận. Tuy nhiên, trước mắt các cơ quan chức năng như ủy ban Thường Vụ Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước... cần có các văn bản giải thích luật, cũng như ban hành các thông tư hướng dẫn để TCTD và doanh nghiệp có căn cứ thực hiện theo.

Về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ cho rằng, cần quy định cụ thể các quyền tài sản thông thường được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cũng như có hướng dẫn cụ thể về tài sản hình thành trong tương lai, bao gồm: tài sản chưa hình thành và tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch. Đồng thời hướng dẫn cho các cơ quan thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm, tổ chức công chứng theo hướng: khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành của khoản 2 Điều 294 Bộ luật dân sự năm 2015 thì các bên tham gia giao dịch không phải ký kết lại hợp đồng bảo đảm, công chứng, chứng thực hợp đồng bảo đảm hoặc đăng ký biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.V (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN