Lãi suất phân hóa mạnh

Lãi suất cho vay giữa các ngân hàng đang cách biệt rất lớn, nhất là trên lĩnh vực bất động sản. Xuất hiện tình trạng lách trần lãi suất huy động.

Lãi suất đã giảm nhanh và sâu nhưng khách hàng vẫn không tiếp cận được vốn vay, trong khi nguồn vốn huy động, nợ xấu ngày càng tăng, buộc các ngân hàng (NH) phải nỗ lực tìm kiếm khách hàng tiềm năng khiến lãi suất cho vay phân hóa dữ dội.

Cạnh tranh khốc liệt

Tuần qua, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp (DN) thuộc đối tượng ưu tiên với lãi suất 10%-12%, còn các DN khác đang được BIDV rà soát để áp dụng lãi suất cho vay dưới 15%/năm. NH TMCP Quân đội (MB) thì cho vay vốn lưu động với lãi suất 12,5% - 13%/năm đối với DN thuộc nhóm ưu tiên. NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) vừa tung ra thị trường 2.000 tỉ đồng để cho DN vay ngắn hạn với lãi suất 13%/năm. NH Đại Dương (OceanBank) đang áp dụng mức lãi suất 12%/năm cho khoản vay bổ sung vốn lưu động với điều kiện bên vay phải chuyển doanh thu tối thiểu bằng số tiền vay qua tài khoản thanh toán tại OceanBank...

Việc cạnh tranh lãi suất không chỉ diễn ra giữa các NH mà còn ở các chi nhánh của cùng một NH. Một số DN tiết lộ vừa vay NH với lãi suất 17,8%/năm nhưng đến một chi nhánh khác cũng của NH này vay tiền thì lãi suất chỉ 15,8%/năm, do các chi nhánh của cùng một NH cạnh tranh nhau khi nhận thấy khách hàng có tiềm năng. Từ đó, thị trường có hiện tượng DN “chạy” từ nơi cho vay lãi suất cao đến địa chỉ có lãi suất thấp.

Trên lĩnh vực cho vay bất động sản, tình hình cạnh tranh cũng rất quyết liệt. NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa phối hợp với Indochina Land (chủ đầu tư dự án Indochina Plaza Hanoi) cho người vay tiền mua căn hộ của dự án này với lãi suất 0%. Còn người vay tiền mua nhà từ một đối tác của BIDV được BIDV cho vay trong 6 tháng đầu tiên với lãi suất 7%/năm. NH Quốc tế cũng cho vay mua nhà trên diện rộng, lãi suất 9,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên…

Lãnh đạo của một NH lớn ở TPHCM cho biết: Nợ khó đòi của các NH ngày càng gia tăng, trong đó không ít khoản tiền là vốn vay ngắn hạn (dưới 12 tháng). Do đó, hầu hết NH đều chọn lọc kỹ khách vay, áp dụng mức lãi suất linh hoạt, nhất là với các khách hàng “ruột” và khách hàng tiềm năng nhằm bảo đảm việc thu hồi nợ, hạn chế tối đa tình trạng nợ xấu.

Lãi suất phân hóa mạnh - 1

Lãi suất cho vay giữa các ngân hàng đang cách biệt rất lớn.

Khó tránh lãi suất méo mó

Theo các NH, do lãi suất huy động vốn kỳ hạn dưới 12 tháng được quy định không quá 9%/năm, còn kỳ hạn trên 12 tháng được thả nổi nên nhiều NH đang triển khai các chương trình tiền gửi ngắn hạn có khuyến mãi, tính ra lãi suất huy động vốn thực tế cao hơn quy định khoảng 0,1%.

Lãnh đạo của một NH ở TPHCM thừa nhận đang có hiện tượng một số NH tư vấn cho người gửi tiền kỳ hạn 13 tháng, lãi suất 12%/năm, rồi áp dụng phương thức lãnh lãi linh hoạt sao cho khi đối chiếu với các kỳ hạn dưới 12 tháng, người gửi vẫn được hưởng lãi suất trên 9%/năm.

Ngoài ra, một số NH còn tham mưu cho khách hàng rút tiền trước hạn bằng cách thế chấp sổ tiết kiệm để vay lại số tiền đã gửi. Sau đó, NH sẽ cấn trừ lãi suất cho vay với lãi suất tiền gửi để người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất cao hơn quy định...

Một chuyên gia tài chính hiện đang làm cố vấn cho một NH ở TPHCM nhận xét: Khi thị trường tiền tệ được điều tiết bằng mệnh lệnh hành chính xen lẫn yếu tố cung - cầu thì lãi suất bị méo mó là không tránh khỏi.

Giá vốn VNĐ chỉ 8,8%-12%/năm

Theo số liệu của NH Nhà nước (từ ngày 2 đến 6-7), lãi suất huy động vốn kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng (ngắn hạn) của các NH phổ biến ở mức 8,8%-9%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 10%-12%/năm. Lãi suất huy động vốn USD phổ biến 2%/năm đối với tiền gửi của dân cư và 0,5%-1%/năm đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN