Lãi suất giảm, bất động sản vẫn tê liệt
Ngân hàng hạ lãi suất, thị trường bất động sản vẫn tê liệt, các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý ngao ngán bởi mất niềm tin không còn.
Sau một thời gian dài “nhẩy múa” ở mức cao, cuối cùng lãi suất huy động cũng bắt đầu giảm nhiệt về mức 7-8% và lãi suất cho vay phổ biến ở mức 12-13%. Theo quy luật của những năm trước, khi lãi suất giảm ở mức thấp, người dân sẽ lựa chọn việc sẽ không gửi tiền tiết kiệm mà chuyển hướng đầu tư sang các kênh khác như vàng, chứng khoán, bất động sản....trong đó, bất động sản luôn là lựa chọn số 1 vì độ an toàn cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, thị trường dường như miễn nhiễm với bất cứ mọi thông tin tốt.
Theo phản ánh của nhiều văn phòng nhà đất, mặc dù lãi suất giảm nhưng bất động sản không lên được tý nào, giao dịch mua bán tại các khu đô thị lớn gần như tê liệt hoàn toàn. Theo khảo sát của PV, thị trường bất động sản hiện vẫn khá trầm lắng, giao dịch ít và chủ yếu tập trung ở phân khúc các căn hộ chung cư có diện tích nhỏ với tầm tiền khoảng trên dưới 1 tỷ đồng hoặc phân khúc đất nền thuộc các dự án đã hoàn thành xây dựng xong phần thô.
Đơn cử, các căn hộ diện tích nhỏ thuộc các tổ hợp chung cư quanh khu Hà Đông có giao dịch tốt. Trong đó, các căn hộ diện tích nhỏ 50-60m2 tại chung cư Văn Khê, giá bán giao động 22-24 triệu đồng/m2, căn hộ diện tích trên 100m2 giá bán 18-20 triệu đồng/m2, chung cư CT8A khu đô thị Đại Thanh giá bán 14 triệu đồng/m2...
Về các dự án đất nền, mặt bằng chung trên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài khoảng 52-55 triệu đồng/m2. Như, dự án Văn Khê giá bán khoảng 55-58 triệu đồng/m2, dự án An Hưng liền kề giao dịch mức 45-50 triệu đồng/m2, biệt thự khoảng 40 triệu đồng/m2, dự án Văn Phú giá bán 45-48 triệu đồng/m2...
Đại diện một số văn phòng môi giới bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội cho biết, lãi suất mặc dù đã giảm xuống nhiều cũng không tác động đến người dân vì niềm tin không còn. Vay tiền để đầu tư lúc này là rất mảo hiểm bởi trên thực tế lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức cao, nếu cộng thêm các khoản chi phí ngoài, mức lãi suất 14-15%/năm. Hơn nữa, các ngân hàng thương mại vẫn đang thả nổi lãi suất trong các hợp đồng tín dụng vì họ chỉ chốt mức lãi suất cho vay trong thời hạn 3-6 tháng.
Trong khi đó, các nhà đầu tư phần lớn đã trải qua đợt thua lỗ nặng nề do giá bất động sản giảm quá mạnh, nhiều người không kịp rút đang mắc cạn và ôm nợ ngân hàng với mức lãi vay khá cao. Lượng người đầu tư bất động sản mất đi đáng kể, kinh doanh nhiều lĩnh vực thua lỗ thất bát, kinh tế khó khăn, giá chưa biết khi nào lên. Nhiều người chột dạ chỉ biết bảo toàn.
Các nhà đầu tư cho rằng đi vay lúc này để đầu tư là không hiệu quả cho nên dù lãi suất ngân hàng đã giảm mạnh họ vẫn khoanh tay đứng ngoài thị trường.
Chị Phạm Nguyệt Nga – giám đốc văn phòng nhà đất Phát Lộc (Lê Văn Lương, Hà Đông) cho biết, động thái hạ lãi suất chỉ tác động đến những người đang có tiền gửi tiết kiệm để chờ mua nhà. Còn nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn tỏ ra rất thận trọng bởi mức lãi suất cho vay vẫn còn quá cao. Hơn nữa, thủ tục xin vay vốn khá ngặt nghèo khiến người mua khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.
“Trong vài tuần qua, văn phòng Phát Lộc cũng giao dịch thành công một số căn hộ chung cư đã đi vào sử dụng có giá trị tầm 1,8-2 tỷ đồng/căn. Đối với phân khúc đất nền dự án, lượng người hỏi thông tin để nghe ngóng thì rất nhiều nhưng giao dịch thành công rất ít ” chị Nga cho biết.
Anh Nguyễn Văn Đức – nhà đầu tư cho rằng, hiện nay đã có rất nhiều dự án bất động sản ký kết các gói tín dụng với các ngân hàng thương mại với lãi suất vay ưu đãi mức dưới 10%/năm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Bởi lẽ, thời hạn ngân hàng hỗ trợ cho khách hàng vay đa phần chỉ trong vòng 6 tháng đầu tiên. Như vậy, những tháng tiếp nếu có biến động về lãi suất thì chắc chắn các ngân hàng sẽ tiếp tục phải điều chỉnh. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều biến động thì chẳng ai có thể đảm bảo được lãi suất sẽ không bị thay đổi. Đây chính là rủi ro cho khách hàng vay.
Ngoài ra, ông Đức cho rằng, suốt 2 năm qua, thị trường nhà đất rơi vào tình trạng đóng băng và mặt bằng giá đã giảm tới 40%. Đây là 1 cú sốc rất nặng đối với thị trường, vì vậy tâm lý chung nhà đầu tư rất dè dặt và thận trọng hơn rất nhiều. Lúc này, chỉ những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, không phụ thuộc vốn vay ngân hàng thì khi lãi suất giảm, người ta sẽ tìm dự án để mua vào. Nhà đầu tư chuyên nghiệp họ chỉ vào thị trường khi các tín hiệu phục hồi thị trường là rõ nét. Còn trong bối cảnh này, chẳng có ai dám vay tiền ngân hàng để đầu tư bất động sản cả” ông Đức nhấn mạnh.
Đại diện công ty TNHH CBRE Việt Nam cho rằng, tín hiệu giảm lãi suất hiện nay chỉ có tác động phục hồi tâm lý người mua nhà nhưng chỉ thích hợp đối với những người mua ở thực, còn nhà đầu tư, đầu cơ không nên nhập cuộc. Bởi, vấn đề ở đây là mặc dù giảm lãi suất nhưng trên thực tế lãi suất cho vay vẫn còn cao. Nhiều người vẫn đang kỳ vọng vao việc ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống để chủ đầu tư được vay nguồn vốn với lãi suất thấp hơn, nhà đầu tư cũng có thể vay được vốn với lãi suất thấp hơn...