Kiện giao nhà chậm: Hóa giải cách nào?
Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp và khách hàng phải ngồi lại để tìm ra tiếng nói chung trước khi kéo nhau ra tòa.
Là chủ đầu tư của khá nhiều dự án chung cư, trong đó có dự án bị trễ tiến độ, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Đất Lành - nhận xét: Không có người mua nhà nào muốn đi kiện chủ đầu tư, trừ khi dự án đó quá chậm tiến độ, nhất là dự án đã "đắp chiếu".
Khó thông cảm suông
Ông Nguyễn Văn Đực cho biết Công ty Đất Lành cũng từng có dự án bị trễ tiến độ 6-7 tháng do tình hình kinh tế khó khăn chung. Khi đó, doanh nghiệp (DN) đã giải thích và mong khách hàng thông cảm. Tuy nhiên, người mua nhà chỉ có thể thông cảm khi chủ đầu tư biết giữ chữ tín.
"Điều quan trọng là chủ đầu tư phải làm cho khách hàng thấy được nỗ lực của mình rằng dự án vẫn đang trong quá trình thi công và chuẩn bị hoàn thiện. Người mua nhà không bao giờ chấp nhận tình trạng chủ đầu tư không uy tín, liên tục thất hứa" - ông Đực cho biết.
Một chung cư trên đường Bãi Sậy, quận 6, TP HCM bị khách hàng khiếu nại vì chậm giao nhà. Ảnh: HỒNG THÚY
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư Công ty Savills Việt Nam, cho rằng điều quan trọng nhất là DN và khách hàng phải ngồi lại với nhau để tìm ra tiếng nói chung. Trên thực tế, nhiều trường hợp DN gặp khó khăn mà bản thân họ hoàn toàn không mong muốn. Tuy nhiên, DN không thể đổ thừa hoàn cảnh mà bỏ quên trách nhiệm của mình đối với khách hàng.
Để giải quyết khó khăn, theo ông Sử Ngọc Khương, trước mắt, DN phải hiểu mình khó ở đâu, nếu cảm thấy không thể tiếp tục thực hiện dự án thì tìm đối tác chuyển nhượng hoặc hợp tác cùng xây dựng hoàn thành để giao nhà cho khách hàng. Về phía khách hàng, họ đã bỏ ra một số tiền lớn để mong muốn được có nơi ở. Vì vậy, khi chủ đầu tư thất hứa, họ chán nản và kỳ vọng lấy lại số tiền đã bỏ ra. Trong khi đó, chủ đầu tư đã đưa tiền vào xây dựng rồi thì cũng khó.
Ông Khương cho rằng khách hàng cũng cần có sự thông cảm và nên ngồi lại với chủ đầu tư để tìm ra hướng giải quyết. Nếu làm căng quá thì thiệt hại thường vẫn thuộc về khách hàng. Tuy vậy, khi không tìm được tiếng nói chung, khách hàng phải tìm luật sư tư vấn để đòi quyền lợi.
Mạnh dạn kiện khi cần
Theo một số chuyên gia, chủ đầu tư là đơn vị soạn thảo hợp đồng, vì vậy người mua phải chú ý rõ các điều khoản về đền bù thiệt hại. Nếu thấy không phù hợp thì nên phản ứng sớm, đừng để chủ đầu tư luôn "nắm đằng cán" để rồi người mua chịu thiệt.
Trường hợp đã mua nhầm dự án có vấn đề thì khách hàng nên phối hợp cùng nhau khi khởi kiện. Điều đó giúp giảm chi phí thuê luật sư, đồng thời tạo áp lực trong trường hợp chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện dự án hoặc DN phá sản thì tài sản thế chấp tại ngân hàng sẽ được tòa lưu tâm cho khách hàng. Trong thực tế, khi ra tòa, ngân hàng thường được ưu tiên giải quyết nợ hơn các khách hàng cá nhân.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, khi nghĩa vụ dân sự chậm được thực hiện thì bên có quyền có thể gia hạn để bên có nghĩa vụ hoàn thành. Nếu quá thời hạn này mà nghĩa vụ vẫn chưa được hoàn thành thì theo yêu cầu của bên có quyền, bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện và bồi thường thiệt hại. Nếu việc thực hiện nghĩa vụ không còn cần thiết đối với bên có quyền, bên này có quyền từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Xem xét kỹ cam kết trong hợp đồng
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, cho rằng người mua nhà thời gian qua thường mua căn hộ chung cư khi chưa hình thành. Vì vậy, người mua nên xem xét kỹ nội dung cam kết trong hợp đồng khi ký với chủ đầu tư dự án. |