Không tăng tín dụng bằng mọi giá

Tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng chưa thoát khỏi tình trạng âm, song không vì thế mà các nhà băng đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá.

Mặt bằng lãi suất cho vay đã được thiết lập ở mức mới, thấp hơn nhiều so với hai quý trước. Hiện không ít ngân hàng còn giảm lãi suất cho vay về dưới trần huy động 9%/năm. Đơn cử, lãi suất cho vay cá nhân của HDBank hiện còn 8,6%/năm.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng tính đến hết quý III/2012 vẫn chưa thoát khỏi tình trạng âm. Còn theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết ngày 20/9, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành mới đạt 2,35%.

Để kích cầu tín dụng trong những tháng cuối năm, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay, với nhiều ưu đãi, nhưng trên cơ sở kiểm soát chặt chất lượng tín dụng.

Tại Eximbank, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm âm 2,3%, song theo một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này, không phải vì thế, mà Eximbank mạnh tay chi vốn ồ ạt cho doanh nghiệp.

Còn tại Sacombank, mức lãi suất cho vay thấp nhất hiện được ngân hàng này áp dụng là 11 - 12%/năm. Theo ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, dư địa tín dụng của ngân hàng này còn nhiều, nhưng không vì thế mà đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá. “Hiện Sacombank chỉ giải ngân cho những DN có tài sản đảm bảo”, ông Khang nói.

Tương tự, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, DongA Bank không chạy đua theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, mà tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng.

So với trước kia, các ngân hàng thương mại hiện đã rộng cửa cho vay, dành nhiều vốn cho cả lĩnh vực nhạy cảm là bất động sản. Tuy nhiên, với hoạt động tín dụng, kiểm soát rủi ro luôn là vấn đề được các ngân hàng đặt lên hàng đầu. Bên cạnh chất lượng tín dụng, các nhà băng cũng lo đảm bảo thanh khoản, bởi cuối năm, cạnh tranh huy động vốn thường gay gắt hơn.

Theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, kế hoạch tăng dư nợ tín dụng cả năm 2012 ở mức 8 - 10% như NHNN đã tuyên bố trước đây là khó có thể đạt được. Nợ xấu vẫn là vấn đề nan giải nhất trong kinh tế vĩ mô hiện nay, nên khả năng hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp rất hạn chế.

“Vấn đề quan trọng lúc này là làm thế nào để tái lập niềm tin của thị trường. Tôi đồng ý với NHNN rằng, lãi suất đã và đang từng bước được cắt giảm, nhưng vấn đề cần quan tâm hơn là, nền kinh tế có hấp thụ được vốn hay không. Nợ xấu đang trở thành cục máu đông cản trở dòng chảy tín dụng và tiền đưa ra khó có thể thu hồi, do khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu dần khi hàng tồn kho tăng”, ông Lịch nói.

Theo nhận định của các ngân hàng, hạ lãi suất sẽ tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng lãi suất không phải là yếu tố then chốt để giúp doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh hiện nay, bởi hàng tồn kho của doanh nghiệp quá lớn.

Nếu trong những tháng cuối năm, tín dụng tăng trưởng tốt, đạt mục tiêu dự kiến, thì đó sẽ là tín hiệu cho thấy sự phục hồi của các doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh. Nhưng theo ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc HDBank, trước mắt, doanh nghiệp phải nâng cao kỹ năng quản trị, tính toán lại phương án sản xuất - kinh doanh sao cho hiệu quả, để có thể tiếp cận nguồn vốn đang ngày càng hấp dẫn từ ngân hàng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Vinh (Báo Đầu tư)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN