'Không nên mua tranh vàng với dân'

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng dự trữ vàng, tham gia thị trường với tư cách là người mua bán cuối cùng, kiến tạo thị trường vàng là cần thiết.

Song, trong bối cảnh chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới còn cao, nguồn cung khan hiếm, thì NHNN không nên tranh mua với người dân để tăng dự trữ ngoại hối bằng vàng.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về hiệu quả thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ – CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng, nhất là việc thiết lập lại mạng lưới mua bán vàng miếng và việc NHNN sắp tham gia mua bán trên thị trường vàng?

Điểm thành công rõ nét nhất của mạng lưới mua bán vàng mới là chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đã giảm khá mạnh, từ gần 5 triệu đồng/lượng xuống còn 3 triệu đồng/lượng. Các cơn sốt giá, tình trạng khan vàng không còn xảy ra. Việc mua bán vàng diễn ra tại các tổ chức có uy tín, chuyên nghiệp, minh bạch, an toàn hơn, quyền lợi của người dân cũng được đảm bảo tốt hơn.

Tuy nhiên, cần tránh những ngộ nhận trong quản lý vàng miếng, đặc biệt là tránh việc thực hiện chống vàng hóa lại gây ra tình trạng tiền tệ hóa vàng. Nói cách khác, mục tiêu của quản lý thị trường vàng là chống vàng hóa, nhưng nếu quản lý thị trường vàng theo kiểu độc quyền, áp đặt như hiện nay, thì gây sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong và ngoài nước, giữa vàng thương hiệu quốc gia với các thương hiệu vàng cùng hàm lượng khác. Điều này cũng sẽ nảy sinh tình trạng lợi ích nhóm. Câu hỏi đặt ra là, với chênh lệch giá vàng lớn như hiện nay, ai được lợi?

Để tránh những ngộ nhận như trên, theo ông, cần có những điều chỉnh gì trong chính sách quản lý vàng?

Theo tôi, thứ nhất, không nên độc quyền vàng. Mua vàng thương hiệu gì là lựa chọn của người dân. Cơ quan chủ quản phải quản lý chất lượng, không thể chấp nhận thương hiệu này, mà phủ nhận các thương hiệu khác. Nếu cần một thương hiệu vàng của quốc gia, thì nên chọn một thương hiệu riêng, có đóng dấu của NHNN, chứ không nên ưu ái để một doanh nghiệp thành đại diện quốc gia.

Hai là, để giá vàng trong nước và thế giới liên thông, cần lập sàn vàng quốc gia. Sàn vàng này phải do Nhà nước quản lý, niêm yết mã vàng như niêm yết mã chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đều có thể tham gia. Như vậy, sẽ chấm dứt sự chênh lệch giá vàng, đồng thời cũng chấm dứt tình trạng buôn lậu, mà Nhà nước lại thu được thuế.

Ba là, phải tìm cách huy động vàng trong dân đưa vào nền kinh tế. Việc huy động vàng cũng nhằm tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối, giúp NHNN có nguồn lực để chủ động và sẵn sàng điều tiết thị trường khi xảy ra những cơn sốt vàng như thời gian qua. Tuy nhiên, muốn huy động vàng, phải đảm bảo không có rào cản cho việc chuyển đổi giữa chứng chỉ vàng lấy vàng miếng và ngược lại. Nếu đánh thuế để hạn chế người dân giữ vàng, thì có thể lại là phản tác dụng, bởi lẽ tích trữ vàng là nhu cầu của người dân bao đời nay. Theo tôi, để huy động vàng trong dân, cần tính toán hợp lý đảm bảo lãi suất có lợi cho người gửi vàng. Về lâu dài, chứng chỉ vàng có thể được chứng khoán hóa, được phép giao dịch trên thị trường mở và thị trường thứ cấp.

Bốn là, trong từng thời điểm, NHNN trực tiếp nhập vàng để bình ổn giá, đáp ứng các yêu cầu sử dụng và sau khi đã kiểm soát được các yếu tố nhạy cảm về ngoại hối, thì nên cho phép kinh doanh vàng tài khoản, thay cho thị trường vàng vật chất…

NHNN sắp sửa tham gia mua bán trên thị trường vàng. Có thông tin cho rằng, cơ quan này sẽ thành lập Quỹ Dự trữ vàng và tăng dự trữ ngoại hối bằng vàng để dễ bề can thiệp thị trường vàng. Theo ông, liệu cách làm này có hiệu quả?

Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, NHNN không phải là người trực tiếp mua bán vàng trên thị trường để tạo lợi nhuận, mà chỉ tham gia mua bán, kiến tạo, điều tiết thị trường.

Theo tôi, việc NHNN mua vàng để tăng dự trữ quốc gia phải thận trọng, nếu mua thì nên mua từ nước ngoài, thay vì mua vét ở thị trường trong nước. Không nên biến Nhà nước thành người tranh mua với dân trên thị trường trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung, chênh lệch giá trong nước và quốc tế lớn. Điều này có thể gây ra áp lực lớn về cầu, khiến thị trường bất ổn, làm người dân thiệt thòi. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Mạnh (Báo Đầu tư)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN