Khi sàn chứng khoán TP.HCM tê liệt

Nếu tiếp tục xảy ra sự cố sẽ khó nhận được sự thông cảm từ nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ kiện tụng.

Ngày 23-1, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã phát đi thông báo chính thức về sự cố hệ thống trên sàn giao dịch này. Theo đó, vào phiên giao dịch lúc 14 giờ 31 phút ngày 22-1, trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC) đã xảy ra sự cố đối với hoạt động giao dịch tại HOSE khiến hệ thống không thể khớp lệnh. Sự cố trên sàn ảnh hưởng đến tất cả các mã trên sàn trong đợt khớp ATC này. Riêng các giao dịch thỏa thuận không bị ảnh hưởng.

Được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE đã tạm ngừng giao dịch từ đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa ngày 22-1 và ngừng giao dịch ngày 23-1. “Chúng tôi rất tiếc về sự cố này và mong nhận được sự hợp tác của các thành viên thị trường và công chúng đầu tư” - HOSE kêu gọi sự chia sẻ.

Nhiều “nhà” cùng lỗ

Khảo sát một số sàn giao dịch chứng khoán như Rồng Việt, Đông Á... vào ngày 23-1 nhận thấy rất ít nhà đầu tư đến sàn. Thay vì tập trung quan sát các chỉ số tăng giảm, một số nhà đầu tư có mặt tại sàn chủ yếu để nghe ngóng tình hình, chờ đợi và dự đoán thời điểm sàn HOSE hoạt động trở lại.

Nhà đầu tư chứng khoán Nguyễn Tuấn Hải cho biết thêm khi gần đến phiên khớp lệnh định kỳ cuối ngày 22-1 thì việc xử lý lệnh bắt đầu chậm. Thời điểm đó trên màn hình máy tính hiện lên dòng chữ “đang gửi”, trong khi bình thường thì phải hiện lên dòng chữ “đang chờ khớp”.

“Có thể do lúc đó số lệnh tập trung về HOSE quá nhiều, có thể lên đến triệu lệnh/giây gây quá tải dẫn đến sự cố. Đến 14 giờ 29 phút cùng ngày, có một số lệnh được khớp nhưng đến phiên giao dịch định kỳ chính thức, tức là sau 14 giờ 30 thì lệnh tê liệt hoàn toàn. Toàn bộ sàn giao dịch bỗng nhiên đóng băng” - anh Hải mô tả.

Khi sàn chứng khoán TP.HCM tê liệt - 1

Sự cố khiến HOSE phải tạm ngừng giao dịch, hy vọng sẽ sớm hoạt động trở lại. Ảnh: TL

Nói về thiệt hại của sự cố này, ông Dương Anh Vũ, chuyên gia chứng khoán, cho rằng với bình quân khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 10.000 tỉ mỗi phiên thì chỉ một phiên “bỗng dưng đóng cửa” như ngày 22-1 khiến các công ty chứng khoán bị thất thu khoảng 15 tỉ đồng từ việc thu phí giao dịch. Song song đó, các nhà đầu tư mất đi cơ hội mua vào với giá tốt, còn Nhà nước mất đi khoản thu ngân sách từ tiền thuế và các nhà môi giới cũng mất luôn cả phí môi giới được hưởng.

“Nhìn chung mức độ ảnh hưởng của toàn thị trường thì không quá lớn nhưng về mặt lợi ích của các nhà đầu tư muốn tham gia thị trường trong thời điểm xảy ra sự cố thì rất đáng kể. Bởi trong phiên giao dịch cuối cùng ngày 22-1 có rất nhiều cổ phiếu tăng nhanh, có rất nhiều nhà đầu tư không mua kịp hoặc quan sát đến phút cuối cùng mới đưa ra quyết định chốt hạ muốn mua nhưng khi đặt lệnh ATC thì không được. Đây là nhóm đối tượng chịu tác động nhiều nhất bởi sự cố lần này” - ông Vũ phân tích.

Anh Nhật Anh, một chuyên viên môi giới chứng khoán, nhìn nhận: Cũng may là sự cố xảy ra giữa lúc thị trường đang trong giai đoạn tăng điểm, nhà đầu tư đang hưng phấn, thiệt hại không quá lớn. Nếu nhà đầu tư đang quay cuồng bán tháo để giảm thiệt hại mà lại cộng thêm sự cố thì mức độ thiệt hại sẽ vô cùng nặng nề.

Thiếu sự chủ động

Để khắc phục sự cố trên, HOSE cho biết đang tích cực khắc phục để nối lại hoạt động giao dịch trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, cơ quan này chưa khẳng định ngày nào sẽ khắc phục xong, giao dịch trở lại mà chỉ thông báo sẽ cập nhật thông tin trong các thông báo sau.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Việt Nam Trần Văn Dũng cũng bày tỏ hy vọng thị trường giao dịch tại HOSE sẽ được hoạt động bình thường trở lại từ ngày 24-1. “Đây là sự cố kỹ thuật đáng tiếc nhưng cũng cần phải nhìn nhận những sự cố như thế này là rủi ro trong hoạt động mà bất cứ thị trường nào cũng có thể gặp phải. Trong quá khứ chúng ta cũng đã từng gặp sự cố kỹ thuật và phải dừng giao dịch liên tục ba ngày vào tháng 5-2008” - ông Dũng nói.

Ông Trần Văn Dũng cũng mong muốn nhà đầu tư bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan các tác động của sự cố kỹ thuật này đến thị trường và đến hoạt động đầu tư bình thường.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Khánh, một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhận xét sự cố này đã phản ánh tính chất bị động của HOSE. Bởi thị trường chứng khoán Việt đã phát triển được khoảng 20 năm qua nhưng khi xảy ra sự cố phải mời gọi chuyên gia Thái Lan sang giúp. Đây thực sự là điểm trừ cho HOSE. Điều đó cũng chứng tỏ trình độ quản lý, tầm nhìn của những người có trách nhiệm chưa thực sự được quan tâm đúng mực.

Tán đồng với quan điểm này, một chuyên gia chứng khoán đánh giá cho dù đây là sự cố bất khả kháng, song nó cũng để lại vết gợn trong lòng các nhà đầu tư. Sự cố này khiến nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt câu hỏi: Liệu trình độ kỹ thuật, cơ sở vật chất của Việt Nam có theo kịp với tốc độ phát triển của thị trường chứng khoán thế giới hay không?

Do vậy tình trạng “thắt cổ chai” lần này cần phải được giải quyết triệt để. Qua đó để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, nhà đầu tư được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và mang tính toàn cầu hóa hơn.

“Nếu tiếp tục xảy ra sự cố tương tự sẽ khó nhận được sự thông cảm từ nhà đầu tư nước ngoài theo kiểu trấn an bằng một vài lời nói kiểu “đáng tiếc” mà có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ kiện tụng. Bởi lẽ khi nhà đầu tư nước ngoài có quy mô lớn tham gia thị trường chứng khoán Việt mà cơ sở vật chất không thể đảm bảo cho đặt lệnh, thoát lệnh dẫn đến lỗ cả trục triệu USD thì ai chịu trách nhiệm?! Đây rõ ràng là vấn đề cần phải nhìn thấy để có sự thay đổi trong tư duy quản lý, tầm nhìn về cơ sở vật chất của HOSE” - vị chuyên gia trên phát biểu.

Hai phương án xử lý

Ông Lê Hải Trà, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Quản trị HOSE, giải thích vì lỗi từ máy chủ khớp lệnh của HOSE nên đợt chốt phiên giao dịch ngày 22-1 đã không thực hiện được. Hiện có hai giải pháp xử lý vấn đề này. Thứ nhất là tổ chức lại phiên khớp lệnh đóng cửa. Thứ hai là sử dụng giá giao dịch gần nhất để làm giá tham chiếu cho phiên kế tiếp.

“Giải pháp tổ chức lại phiên giao dịch đóng cửa là phức tạp và không khả thi. Do vậy, giải pháp thuận lợi hơn chính là sử dụng giá giao dịch gần nhất làm giá tham chiếu cho phiên kế tiếp theo quy chế đã có” - ông Trà đánh giá.

Đồng thời, ông Trà cho biết hiện báo lỗi từ hệ thống máy chủ khớp lệnh là “overflow” và HOSE đã liên hệ với các chuyên gia từ Thái Lan. Các chuyên gia đã kết nối vào hệ thống để xử lý và tìm lỗi nhưng chưa có kết luận cuối cùng.

Coi chừng thông tin giả mạo

HOSE vừa thông báo về việc xuất hiện thông tin giả mạo với nội dung sẽ điều chỉnh bù giờ và thời gian giao dịch trong ngày 24-1. Theo đó, sau sự cố trên, trên thị trường đã xuất hiện một văn bản giả mạo thông báo của HOSE với nội dung bù thêm giờ giao dịch cho ngày 24-1, phiên sáng bắt đầu từ 6 giờ 30 và phiên chiều đóng cửa lúc 16 giờ.

HOSE khẳng định thông tin đó không đúng sự thật và đã báo cáo cơ quan chức năng làm rõ nguồn gốc, mục đích mạo danh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Linh (Pháp luật TPHCM)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN