Huy động vốn quốc tế: “Đại gia” gặp khó
Sự đi xuống dai dẳng của TTCK khiến giai đoạn huy động vốn giá rẻ của các DN niêm yết đã trở thành dĩ vãng.
Vài năm gần đây, một số “đại gia” trong nước nhận ra điều này và hướng cái nhìn rộng hơn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không ít “giấc mơ ngoại” đã đổ bể.
Sau sự kiện CTCP Hoàng Anh Gia Lai tự nguyện xin hủy niêm yết trái phiếu tại Sở GDCK Singapore (SGX), tiếp tục xuất hiện một số tin tức không mấy lạc quan với thị trường vốn Việt Nam. Đầu tiên là kế hoạch niêm yết trên sàn ngoại của Tổng công ty Khí Việt Nam - PV Gas (GAS) lỗi hẹn trong năm 2012.
Một nguồn tin cho biết, đến cuối tháng 8, PV Gas chưa thực hiện các bước đi nào để xúc tiến kế hoạch niêm yết trên SGX. Tham vọng lên sàn SGX đã được lãnh đạo PV Gas đề cập trong ĐHCĐ diễn ra hồi đầu quý II năm nay. Mặc dù DN chưa tiết lộ công cụ huy động vốn quốc tế, nhưng thị trường nội địa khá kỳ vọng vào khả năng PV Gas sớm xuất ngoại. Một phần do PV Gas có nhu cầu đầu tư rất lớn trong những năm tới, mặt khác, Tổng công ty không chỉ là DN đầu ngành khí, mà còn là DN có vốn hóa thị trường đạt gần 4 tỷ USD - dẫn đầu khối DN niêm yết hiện nay.
Trước đây, cũng với tham vọng đem cổ phiếu tới sàn SGX, Vinamilk mất gần 3 năm hoàn thành các thủ tục để nhận được cái gật đầu về mặt nguyên tắc, nhưng sau đó lại từ bỏ kế hoạch này. Theo bước Vinamilk, các DN Việt Nam hiện nay không cần chừng ấy thời gian, nhưng với khung thời gian ít ỏi còn lại của năm 2012, PV Gas hầu như không thể xuất hiện tại sàn SGX cuối năm nay.
Niêm yết ở nước ngoài rất khó, nhưng chưa chắc mang lại hiệu quả như mong đợi của DN
Khác với PV Gas, Masan Group và đơn vị tư vấn đã lên kế hoạch phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR - Global Depositary Receipts) và có các bước chuẩn bị từ gần 2 năm trước. Thời gian lâu như vậy vì sự việc có lúc tưởng chừng bế tắc, giậm chân tại chỗ. Lý do là khung pháp lý trong nước chưa bao quát sản phẩm mới mẻ GDR. Nhưng trải qua nhiều khó khăn, nhiều lần xin ý kiến, cuối cùng Masan Group nhận được sự đồng ý từ cơ quan quản lý như trường hợp thí điểm chính thức được cấp phép đầu tiên.
Vào ĐHCĐ năm nay, Masan Group thông qua một kế hoạch khá tham vọng khi phát hành lượng GDR tối đa lên tới 1,5 tỷ USD và sau đó niêm yết tại sàn SGX. Tuy nhiên, trao đổi với PV mới đây, ông Preetinder S. Panjrath, Phó giám đốc điều hành Phát triển kinh doanh của Masan Group cho biết, kế hoạch khó có thể thực hiện trong năm 2012. Lý do là điều kiện thị trường quốc tế hiện nay không thuận lợi, mà Masan Group không muốn phát hành giá rẻ.
Đưa cổ phiếu Việt Nam xuất ngoại đã được nhiều DN niêm yết đánh tiếng. Gần 10 năm trước, CTCP Gemadept là công ty niêm yết đầu tiên tuyên bố dự định xuất hiện trên trên thị trường vốn quốc tế bằng cách niêm yết cổ phiếu tại TTCK Singapore hoặc Hồng Kông. Sau này, một loạt thương hiệu mạnh khác cũng tiếp tục nuôi giấc mơ “xuất khẩu” chứng khoán Việt như CTCK SSI, CTCP Kinh Đô, Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí… Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tính đến nay thương hiệu chứng khoán Việt Nam hiện diện trên các sàn quốc tế chỉ lác đác trên đầu ngón tay.
Về trái phiếu DN, ngoài trường hợp của HAG, mới chỉ có Vincom phát hành trái phiếu công ty thành công và niêm yết tại SGX. Về cổ phiếu, từng có trường hợp CTCP Đầu tư và Xây dựng Việt Nam - Cavico Corp đã sáp nhập với một công ty Mỹ để đạt tiêu chuẩn niêm yết tại sàn NASDAQ. Tuy nhiên, vào giữa năm ngoái, Cavico Corp đã buộc phải rời sàn NASDAQ vì lỗi công bố thông tin. Trước khi Masan Group được cơ quan quản lý đồng ý phát hành GDR, gói 60 triệu USD sản phẩm GDR của HAG cũng đã niêm yết trên TTCK London.
Phía đơn vị tư vấn tiết lộ, một trong các thách thức đối với đợt phát hành của Masan Group là thanh khoản của sản phẩm GDR nói riêng và TTCK quốc tế nói chung. Đây cũng là một trong các lý do HAG mới đây hủy niêm yết 90 triệu USD trái phiếu trên SGX. Trao đổi với ĐTCK, ông Võ Trường Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách vấn đề về tài chính của HAG cho biết, sản phẩm GDR của HAG niêm yết tại TTCK London cũng chỉ được giao dịch khá thưa thớt. “Tuy nhiên, HAG chưa xem xét đến việc hủy niêm yết như trái phiếu vì những người nắm giữ chưa đề xuất yêu cầu này”, ông Sơn nói.
Hành trình của DN Việt Nam lên sàn ngoại là khá gian nan, nhưng PV Gas và Masan Group vẫn là hai cái tên được gửi gắm nhiều kỳ vọng nhất trong giai đoạn vừa qua. Mặc dù vậy, khi năm 2012 sắp khép lại, việc “xuất ngoại” của cả hai vẫn mịt mù. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và diễn biến không thuận lợi của TTCK quốc tế khiến các công ty hàng đầu Việt Nam lỡ hẹn với các kế hoạch huy động vốn quốc tế. Tuy nhiên, hẳn cũng có những lý do từ nội tại khi kinh tế Việt Nam trong giai đoạn khó khăn.
“Những yếu tố cơ bản của kinh tế vĩ mô của Việt Nam nếu dần được cải thiện sẽ là điều kiện thuận lợi để các công ty nội niêm yết ở nước ngoài. Việc cổ phần hóa các DNNN lớn nên thực hiện sớm trở lại, giúp tạo nên các hàng hóa đủ tốt cho việc niêm yết nước ngoài”, ông Prasenjit Kumar Basu, Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của Tập đoàn Maybank Kim Eng nhận xét.