Giá vàng gắn với độc quyền

Khi chủ thể đã độc quyền trên thị trường thì sẽ luôn áp đặt giá độc quyền cao nhất có thể để thu siêu lợi nhuận, vì vậy hy vọng rút ngắn giá vàng trong nước bằng với giá thế giới còn khá xa vời.

Để loại bỏ vàng và đô la như những phương tiện thanh toán trong nền kinh tế nước ta, điều quan trọng nhất là ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tức giảm lạm phát. Năm 1993, khi nhà nước hợp pháp hóa quyền sở hữu vàng của người dân, đã không có cơn sốt vàng và đô la nào vì lúc đó lạm phát thấp, kinh tế tăng trưởng cao, đời sống người dân liên tục được cải thiện, không có nhu cầu phải tích trữ vàng và đô la. Vấn đề cốt lõi là niềm tin của người dân chứ không phải chủ yếu là các biện pháp hành chính, cấm đoán.

Tuyên bố một đằng, thực tế một nẻo

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những biện pháp mạnh tay nhằm hạn chế thị trường vàng miếng, hạn chế giao dịch, thanh toán, ký gửi vàng tại các ngân hàng (NH) thương mại và thâu tóm quyền quản lý, kiểm soát thị trường vàng về mình, như: Tuyên bố vàng SJC trở thành nhãn hiệu vàng miếng độc quyền do NHNN kiểm soát, các loại vàng miếng khác phải hoán chuyển sang vàng SJC, độc quyền nhập khẩu vàng, độc quyền cung ứng vàng ra thị trường. Khoảng 12.000 cửa hàng vàng hoạt động trong cả nước trước đây đã được đăng ký lại với điều kiện ngặt nghèo hơn, việc kinh doanh vàng miếng bị thắt chặt hơn, thực tế đã xóa sổ 5.500 cửa hàng vàng kinh doanh vàng miếng.

Giá vàng gắn với độc quyền - 1

Trữ lượng vàng ở Việt Nam, theo Hội đồng Vàng thế giới, là 45 tỉ USD. Ảnh: HỒNG THÚY - WGC

Từ ngày 1/3 đến nay, NHNN đã tổ chức hơn 40 phiên đấu thầu vàng miếng với mục đích “ổn định thị trường và đưa giá vàng trong nước ngang bằng với giá vàng thế giới”. Tổng cộng hơn 41,4 tấn vàng đã được tung ra nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 4,5 triệu đồng/lượng (ngày 12-7), trong khi trước đó mức chênh lệch có lúc đã lên đến gần 7 triệu đồng/lượng. Và NHNN lại tuyên bố khác với trước đây là chủ trương bình ổn thị trường vàng chứ không bình ổn giá vàng (?). Thật khó hiểu, kinh tế học vẫn chưa giải quyết được bằng cách nào bình ổn thị trường mà không bình ổn giá (!).

NHNN yêu cầu các NH thương mại tất toán dịch vụ nhận - gửi tiền tiết kiệm và cho vay bằng vàng với những dự báo lạc quan là sau ngày 30-6, giá vàng trong nước sẽ gần với giá thế giới, nhu cầu vàng trong nước sẽ giảm và thị trường sẽ ổn định hơn. Ngày 8-5, NHNN đã tuyên bố “việc độc quyền nhập khẩu vàng theo Nghị định 24/NĐ-CP đã góp phần ổn định tỉ giá, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cung cầu ngoại tệ và ổn định kinh tế vĩ mô”...

Thực tế sau ngày 30-6, diễn biến phức tạp hơn khẳng định nói trên. Dưới sức ép của thị trường, ngày 28-6, NHNN đã phải điều chỉnh tỉ giá lên 1% sau thời gian dài neo tỉ giá để giữ ổn định. Tỉ giá sau đó tiếp tục tăng, trên thị trường tự do có lúc đã lên đến 21.900 đồng/USD; tại các NH lại xuất hiện hiện tượng 2 tỉ giá, yêu cầu trả phí khi muốn mua lượng ngoại tệ lớn... Cầu về vàng không có dấu hiệu suy giảm, NHNN tiếp tục tung ra đến 42.000 lượng vàng trong 1 phiên đấu thầu, chỉ có phiên ngày 12-7 còn dư 1.300 lượng trong số 26.000 lượng được đưa ra đấu.

Khác với tuyên bố của NHNN là “đã chấm dứt hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng khi có biến động tỉ giá”, cuối tháng 6 đầu tháng 7, khi tỉ giá biến động và giá vàng cũng nhảy múa từng giờ thì lại xuất hiện hàng dài người chịu nắng nóng 400C ở Hà Nội chen chúc nhau mua vàng trên phố Trần Nhân Tông!

Như vậy, giữa chênh lệch giá vàng, nhu cầu ngoại tệ và tỉ giá trên thị trường có mối quan hệ với nhau.

Nhiều câu hỏi lớn không lời đáp

Báo chí đưa tin NHNN đã lãi 5.000 tỉ đồng nhờ độc quyền nhập khẩu vàng giá thấp trên thị trường thế giới và bán cao tại các phiên đấu thầu trong nước, trong khi NHNN tuyên bố toàn bộ số lãi đó là thuộc về người dân và sẽ nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy vậy, cho đến nay, chưa thấy Kho bạc Nhà nước cho biết thông tin bao nhiêu tiền của khoản lợi nhuận này đã được giao cho ngân sách. Ngoài ra, thông tin về lượng ngoại tệ được sử dụng để nhập vàng và số vàng được NHNN đã nhập không được công bố. Trước đây, hải quan còn công bố thông tin về số lượng vàng được nhập qua đường chính thức, còn nay thì không tìm được thông tin này nữa.

Nhiều câu hỏi được đặt ra: Thị trường vàng nào đang được hình thành và vận hành ở nước ta? NHNN đưa ra các chính sách quản lý vàng, ngoại tệ, độc quyền nhập khẩu vàng, độc quyền nhãn hiệu vàng miếng SJC, độc quyền đưa vàng ra đấu thầu, độc quyền đưa ra giá thầu vàng, thông tin không được công khai, minh bạch thì thị trường này là loại thị trường nào vậy? Liệu bên độc quyền nhập vàng và bán vàng có dễ dàng giảm chênh lệch giá giữa giá trong nước và giá thế giới, “hy sinh” khoản lãi to lớn nhưng kiếm được rất nhẹ nhàng không? Chưa có chỉ dấu nào trên thực tế chứng minh điều này và điều này cũng trái với lý thuyết kinh tế về hành vi của người độc quyền trên thị trường. Độc quyền sẽ luôn áp đặt giá độc quyền cao nhất có thể để thu siêu lợi nhuận, đó là nhận thức từ sách giáo khoa và không sai đối với các hành vi độc quyền ở nước ta. Hy vọng rút ngắn giá trong nước bằng với giá thế giới xem ra còn xa vời.

Việc nhập một khối lượng lớn vàng, sử dụng một lượng lớn ngoại tệ và chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cao như vậy có dẫn đến nhập lậu vàng và làm tăng nhu cầu ngoại tệ trên thị trường tự do không? Có ý kiến cho rằng đã độc quyền vàng SJC rồi thì không ai dám buôn lậu nữa, nói thế có căn cứ thực tế không, trong khi vàng nhập lậu hoàn toàn có thể chế biến thành vàng trang sức để sinh lời...

Cách quản lý hiện nay chưa ổn

Thông tin từ Hội đồng Vàng thế giới cho thấy lượng vàng nhập về Việt Nam trong những năm qua rất lớn, năm 2011 là 87,8 tấn; năm 2012 là 75,2 tấn và năm 2013 được dự báo sẽ nhập 73 tấn. Tại sao Hội đồng Vàng thế giới có thể công bố những số liệu như vậy trong khi số vàng đã được nhập lại không còn được cơ quan hải quan công bố nữa?

Chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có tác động gì đến tỉ giá? Việc giải thích biến động tỉ giá vừa qua là “chỉ có yếu tố tâm lý” có thuyết phục không? Thực tế cho thấy có nhiều sức ép lên tỉ giá: Nhà đầu tư ngoại cần ngoại tệ để thoái vốn, NH thương mại thừa tiền Việt muốn chuyển sang đô la và chuyện nhập lậu vàng có thể tạo áp lực lên tỉ giá chứ!

Hiệp hội Vàng Việt Nam đã mở hội thảo và kiến nghị tổ chức sàn vàng có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, cho phép người dân gửi vàng vật chất để nhận chứng chỉ vàng và dùng số vàng này để đầu tư như một số nước khác trên thế giới.

Xem ra việc tập trung quyền lực độc quyền hoạch định chính sách, độc quyền nhập khẩu, độc quyền ra giá đấu thầu, duy trì chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, thu lợi nhuận lớn từ chênh lệch giá... có những mặt thuận lợi nhất định cho NHNN nhưng diễn biến thị trường gần đây vẫn bật lên nhiều vấn đề làm người dân rất băn khoăn và mong có giải pháp hợp lý hơn trên thực tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TS LÊ ĐĂNG DOANH (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN