Giá USD có thể lên 23.200 đồng vào cuối năm nay?

Việc nắm giữ VNĐ gửi tiết kiệm vẫn có lợi hơn găm giữ USD khi chính sách tiền gửi với đồng USD tiếp tục ở mức thấp.

Ngân hàng HSBC Việt Nam dự báo giá USD có thể lên 23.300 đồng vào cuối năm nay khi tỉ giá USD/VNĐ chịu áp lực mất giá từ khoảng 2-3%.

Phóng viên đã trao đổi với ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng (NH) HSBC Việt Nam, xung quanh những động thái tăng lãi suất huy động và diễn biến tỉ giá USD/VNĐ sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2017.

Giá USD có thể lên 23.200 đồng vào cuối năm nay? - 1

Ông Phạm Hồng Hải

Rất khó để duy trì lãi vay thấp

Phóng viên: Theo ông vì sao một số NH thương mại tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài vừa qua, kể cả phát hành chứng chỉ tiền gửi 5-7 năm?

Ông Phạm Hồng Hải: Quan sát của tôi, tình hình năm nay rất khác so với mọi năm khi ngay từ đầu năm nay, rất nhiều doanh nghiệp đã hứng khởi chuẩn bị mở rộng nhà xưởng, đầu tư vào sản xuất. Và các NH cũng chuẩn bị sẵn nguồn lực để cho vay, bằng chứng là tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm đã nhanh hơn tốc độ tăng huy động vốn.

Trong khi đó, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhiều NH gần như đã chạm trần nên họ buộc phải huy động vốn dài hạn trên 12 tháng nhiều hơn, thậm chí huy động kỳ hạn 5-7 năm.

Có một thực tế, nhiều NH cũng đang có sự chuẩn bị khi tình hình chung về ngành NH sẽ không thể hoạt động theo kiểu như trước đây, nghĩa là mạnh yếu đều như nhau. Quan điểm của NH Nhà nước là giảm bớt số lượng NH, loại bớt NH yếu ra thị trường bằng nhiều cách, có thể sáp nhập hoặc mua lại, do đó nhiều NH đang nỗ lực chuẩn bị sức khỏe tài chính để tiếp trụ vững trên thị trường.

Với lãi suất thời điểm này, chúng ta cũng không nên nhìn dưới góc độ cứng nhắc, doanh nghiệp muốn vay lãi suất thấp nhưng nhìn vào xu hướng lãi suất chung trên thế giới, nhất là sau khi Fed tăng lãi suất và dự kiến sẽ có thêm 2 lần tăng trong năm nay, và cả năm 2018 thì điều này rất khó. Trong bối cảnh này, chúng ta cần chấp nhận chi phí vốn tăng lên chứ không nhất thiết ép lãi suất phải giảm.

Ngoài ra, bản thân NH khi huy động vốn với chi phí cao cũng tính tới bài toán sử dụng vốn hiệu quả, không thể cho vay cao hơn thị trường. Tình trạng các NH cạnh tranh khốc liệt để thu hút vốn như vài năm trước rất khó tái diễn nhưng lãi suất nên để thị trường tự quyết định nhất là khi thanh khoản của các NH thời điểm này khá ổn định.

Vậy lãi suất cho vay trung dài hạn cũng sẽ tăng theo áp lực khi lãi suất đầu vào nhích lên?

Tôi nghĩ lãi suất trung dài hạn tăng là khó tránh khỏi. Nếu nói về mong muốn thì cả Chính phủ và doanh nghiệp đều mong muốn giảm lãi suất nhưng với xu hướng của thế giới hiện nay thì rất khó. Do đó, trong nửa đầu năm có thể các NH sẽ duy trì mặt bằng lãi suất hiện nay nhưng nửa cuối năm sẽ khó giữ được và mức độ kỳ vọng của chúng tôi là tăng khoảng 0,5%-1%/năm. Tôi cho rằng mức tăng này các doanh nghiệp chấp nhận được, còn nếu lãi suất vay ngắn hạn đang từ 6%-8%/năm mà tăng vọt lên khoảng 12%/năm thì doanh nghiệp sẽ khó chịu đựng được.

Giá USD có thể lên 23.200 đồng vào cuối năm nay? - 2

Theo HSBC, giá USD có thể lên 23.200 đồng vào cuối năm nay

Chưa nên tăng lãi suất huy động USD

Còn áp lực tỉ giá USD/VNĐ trong năm nay, nhất là sau khi Fed tăng lãi suất lần thứ 2 trong vòng 3 tháng qua và sẽ có những lần tăng tiếp theo trong năm nay?

Đúng là có áp lực lên tỉ giá nhưng theo tôi mức giảm giá của VNĐ trong năm nay khoảng từ 2%-3% là chấp nhận được trong bối cảnh đồng USD trên thế giới đang mạnh lên và xu hướng Fed sẽ tiếp tục điều chỉnh thêm lãi suất trong thời gian tới. Dự báo của HSBC đến cuối năm nay, giá USD có thể lên mức 23.200 đồng thay vì mức dự báo 22.800 đồng mỗi USD trước đó.

Năm ngoái, tỉ giá USD/VNĐ giảm khoảng 1,2% trong bối cảnh nhiều đồng tiền khác trong khu vực mất giá khá mạnh là một thành công của NH Nhà nước. Trong trung hạn, VNĐ vẫn khá ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực, nên nếu không có những cú sốc bên ngoài như biến động quá mạnh của đồng nhân dân tệ… thì việc mất giá 2%-3% là chấp nhận được.

Trong khi lãi suất đồng USD đang tăng lên trên thế giới thì Việt Nam vẫn áp dụng chính sách huy động tiền gửi 0% liệu có khiến người dân không tiếp tục gửi tiền vào NH khi nhu cầu huy động ngoại tệ để cho vay vẫn rất lớn?

Mục tiêu ở đây không phải để người gửi tiền không được hưởng lợi mà NH Nhà nước muốn chuyển tất cả giao dịch qua đồng nội tệ, để chống đô la hóa. Nếu có ngoại tệ bán gửi VNĐ vẫn được lãi suất hấp dẫn hơn. Câu chuyện đưa lãi suất huy động USD lên trên 0% thời điểm này có vẻ chưa phù hợp, vì chúng ta sẽ trở lại bài toán chạy theo cuộc đua đô la hóa…

Việc lo ngại dòng ngoại tệ sẽ dịch chuyển ra khỏi NH là có nhưng thực tế gửi tiết kiệm bằng VNĐ với lãi suất 7%/năm, sau khi trừ 2% mất giá thì người gửi tiền vẫn có lợi. Do đó, câu chuyện nếu Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, mức chênh lệch lãi suất VNĐ và USD ở mức hợp lý thì nắm giữ tiền đồng vẫn có lợi hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN