Giá thuê nhà ở Hà Nội sẽ tăng rất cao

Với quy định tăng thời gian tạm trú lên 1 đến 2 năm trong Dự thảo Luật Cư trú, đại biểu Quốc hội cho biết dư luận đang dự báo nhà thuê ở Hà Nội sẽ "đắt như tôm tươi"...

"Siết" là để có điều kiện phục vụ dân

Chiều 24/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Cư trú. Phần lớn các đại biểu đồng tình với quan điểm siết nhập cư vào các thành phố lớn, Đại biểu Đinh Xuân Thảo, đoàn Hà Nội nhận xét, so với Dự thảo cũ, Dự thảo lần này đã có nhiều nội dung sửa đổi và đã tốt hơn. Nói về việc dư luận có ý kiến cho rằng ban hành luật này trái với quyền con người quy định trong dự thảo Hiến pháp, nhưng ông Thảo cũng phân tích, mọi vấn đề phải xuất phát vào tình hình thực tiễn.

“Rõ ràng các thành phố lớn đang có mật độ dân số quá đông nên luật phải có quy địnhsiết lại. Chính vì thế khi thông qua Luật Thủ đô mới đưa ra tiêu chí siết nhập cư ở Hà Nội. Lần này Luật cư trú đi theo hướng này là hợp lý” – đại biểu đoàn Hà Nội nói và cho biết thêm, dư luận cho rằng nhà thuê ở Hà Nội sẽ “đắt như tôm tươi” vì ở 2 - 3 năm mới được thường trú.

Ngược lại, nhận xét về việc tăng thời gian tạm trú lên, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) lại cho rằng, việc quy định thời hạn đăng ký tạm trú là không cần thiết, gây nhiều tốn kém về chi phí và rườm rà về thủ tục. Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị cần giữ nguyên như hiện hành, không nên quy định thời hạn. Tuy nhiên ông cũng đề nghị quản lý bằng cách trong thời hạn 1 hoặc 2 năm phải báo cáo với công an và chính quyền địa phương về tạm trú để đảm bảo an ninh trật tự.

Trong khi đó, đồng tình rằng để giải quyết áp lực về mật độ dân số thì đưa vào Dự thảo một số hành vi cấm là phù hợp, nhưng đại biểu Đỗ Kim Tuyến (đoàn Hà Nội) nhận định việc thực hiện những quy định nêu ra trong Dự thảo là rất khó, cần có văn bản hướng dẫn.

“Việc đưa ra các quy định để được nhập hộ khẩu là hợp lý, nhất là hợp với Hà Nội. Ta không gây khó khăn cho dân mà để có những điều kiện tốt nhất phục vụ dân. Tuy nhiên, về quy định diện tích nhà có xác nhận của chính quyền địa phương, liệu cấp xã có quản lý được không? Nếu không theo dõi cẩn thận sẽ là quá sức với cấp phường, xã” – đại biểu Tuyến cảnh báo.

Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh tán thành cần sửa đổi Luật Cư trú nhằm hạn chế tình trạng quá tải ở các đô thị lớn. Không những thế, đại biểu Khánh còn phân tích thêm: “Luật mới đưa ra những hành vi của công dân cần cấm nhưng cần có cả hành vi của những người có thẩm quyền cho đăng ký vi phạm pháp luật. “Những người làm công tác này đã cho đăng ký vào mà không biết diện tích có đủ hay không, chỉ làm cho xong chuyện thì sẽ gây bức xúc” – đại biểu Trần Thị Ngọc Khánh nhấn mạnh.

Cho rằng để chính quyền địa phương theo dõi việc này cũng là quá tải, đại biểu Khánh đề nghị Bộ Xây dựng nên có quy định luôn về diện tích tối thiểu mà không cần để HĐND quy định.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu ra một vấn đề khá mới, đó là cần làm rõ hiện trạng người dân ở địa phương khác mua bán nhà ở các thành phố lớn. “Làm rõ vấn đề này mới có thể đánh giá đúng tác động và tính hợp lý của chính sách” đại biểu Thúy nói và nhấn mạnh thêm rằng, bản chất của việc đăng ký là cho người sinh sống thường xuyên, ổn định nên cần làm rõ các trường hợp không sinh sống tại các địa chỉ đăng ký, giả tạo hành vi để đăng ký thường trú.

Cần phát triển đồng đều ở các địa phương

Cũng tán thành sự cần thiết sửa đổi các quy định để siết nhập cư vào thành phố trực thuộc Trung ương, tuy nhiên đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) e ngại tính khả thi về điều kiện từ 1 năm lên 2 năm mới được đăng ký thường trú.

“Hà Nội, Thành phố Hồ Chí minh vẫn ồ ạt người dân di cư vào dù có nhiều điều kiện thắt chặt về hộ khẩu. Hà Nội cao gấp 7,96 lần mật độ chung cả nước, thành phố Hồ Chí Minh gấp 13,6 lần nên tăng điều kiện từ 1 năm lên 2 năm mới được đăng ký cũng góp phần giảm. Nhưng cần nghiên cứu tìm giải pháp tổng thể về KTXH, tạo điều kiện cho sự phát triển đồng đều ở các địa phương khắc phục tình trạng tập trung đông dân cư ở các Thành phố lớn” – đại biểu thành phố Đà Nẵng đề xuất.

Cùng quan điểm với đại biểu thành phố Đà Nẵng, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhận xét, Luật phải có hiệu lực tầm quốc gia nhưng trên thực tế, Luật Cư trú đang chủ yếu là để hạn chế nhập cư vào 5 thành phố lớn.

Đại biểu Hải Phòng phân tích rằng, Hiến pháp 1992, Điều 68 quy định quyền tự do đi lại và cư trú của công dân nhưng quy định này của Luật lại mang tính hạn chế nên cần nghiên cứu.

“Qua 5 năm thực hiện Luật Cư trú đã có bất cập, nếu sửa phải làm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân và tăng hiệu quả quản lý nhà nước, còn hiện mới làm được mặt Quản lý nhà nước” – ông Vinh nhận xét và lật lại vấn đề: “Việc cư trú của công dân ở các thành phố lớn chủ yếu là “kiếm sống” rồi mới đến cư trú. Đây là vấn đề. Tại sao việc phải đưa các cơ sở giáo dục, sản xuất ra ngoại thành, rồi quy định không được xây dựng nhà cao tầng nhưng đến giờ vẫn còn? Biện pháp tối ưu là phải tạo điều kiện phát triển ở các địa phương khác để người dân không cần phải di cư” – đại biểu Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuệ Khanh (VnMedia)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN