Gần 1.000 dự án BĐS ở thành phố lớn bị 'treo giò'
Mới đây, sở Xây dựng TP.HCM vừa thông báo một con số khiến nhiều chủ đầu tư bất động sản (BĐS) đang trong thời kỳ "đóng băng" phải "sốt xình xịch", hoang mang, lo lắng.
Theo đó, gần 1.000 dự án tại thành phố này đã bị chính quyền địa phương "treo giò". Tính đến thời điểm hiện tại, số dự án BĐS của TP.HCM đã bị dừng lên đến 50%. Mặc dù ở Hà Nội chưa có thống kê cụ thể, tuy nhiên nhiều chuyên gia khẳng định, con số này chắc chắn sẽ khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.
Gần 1.000 dự án bị "buộc chân"
Sở Xây dựng TP.HCM vừa cho biết, trong 9 tháng đầu năm có thêm 373 dự án BĐS ngừng triển khai, nâng tổng số dự án ngừng triển khai tăng hơn gấp đôi so với năm 2012. Như vậy, đến nay số dự án ngừng triển khai là 689 dự án, chiếm khoảng 50% số dự án bất động sản trên địa bàn thành phố (1.386 dự án). Bên cạnh đó, thành phố cần kiên quyết ngừng các dự án nhà ở chưa giải phóng mặt bằng, sàng lọc, loại bỏ những doanh nghiệp không đủ điều kiện, năng lực kinh doanh. Hiện tại TP. Hà Nội vẫn chưa có con số cụ thể về các dự án sẽ bị "treo giò" thời gian qua.
Còn theo đề xuất mới đây nhất của Bộ Xây dựng lên Chính phủ, trong thời gian tới, một trong những tiêu chí quan trọng của việc tạm dừng dự án BĐS nên căn cứ vào tiến độ công trình. Chỉ các dự án giải phóng mặt bằng trên 70% đang thi công xây dựng dở dang mới được rơi vào top các dự án an toàn, được triển khai tiếp. Các dự án giải phóng mặt bằng đạt trên 30% nhưng dưới 70% vẫn thuộc diện rủi ro, vì muốn triển khai tiếp hay tạm dừng sẽ còn phụ thuộc vào địa phương quyết định. Đối với các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc giải phóng mặt bằng dở dang dưới 30% diện tích buộc phải tạm dừng.
Tiêu chí tạm dừng dự án này được Bộ Xây dựng đưa ra nhằm giảm nguồn cung nhà ở thương mại. Nó đặc biệt hữu hiệu với thị trường BĐS Hà Nội vốn được nhận định là nếu triển khai tiếp sẽ dư thừa nguồn cung đủ để phục vụ đến năm 2050. Ngay sau khi có quyết định "trảm" gần 1.000 dự án ở TP.HCM cộng với đề xuất của bộ Xây dựng, nhiều chuyên gia và các chủ đầu tư dự án đều lên tiếng tỏ rõ sự không đồng thuận.
Dự án bị dừng chưa phải là con số thực
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trường Tiến, phó chủ tịch hiệp hội Nhà thầu Xây dựng đánh giá: "Tôi nghĩ con số gần 700 dự án bị ngừng tại TP.HCM chưa phải là con số thực. Trên thực tế, các dự án không có điều kiện tiếp tục triển khai sẽ còn lớn hơn. Cho đến giờ phút này, ngoài dự án của các tổ chức tài chính, những người đầu tư thật hay các tổ chức nước ngoài, tôi thấy có rất ít dự án có thể phát triển được. Nếu dự án "dính" vào nguồn vốn vay của ngân hàng, vốn huy động của các nguồn khác nhau trong nước thì chắc chắn đều bị dừng lại. Họ không có tiền nên không giải ngân, mà không giải ngân được thì cũng không làm được gì".
Đánh giá về đề xuất dừng dự án nếu không đảm bảo tỷ lệ về giải phóng mặt bằng mới đây của Bộ Xây dựng, ông Tiến cho rằng, điều kiện tiên quyết của một dự án là phải giải phóng xong mặt bằng và hầu hết các chủ đầu tư đều gặp khó khăn từ khâu này. Trong thời kỳ BĐS gặp khó khăn như hiện nay, vấn đề đó lại càng trở nên nổi cộm. Các đơn vị thi công chỉ thi công khi chủ đầu tư giao mặt bằng cho họ. Còn về phí bộ Xây dựng, họ đưa ra "lệnh" dừng các dự án nếu không giải phóng mặt bằng là có quyền của họ. Cho nên, "lệnh" của Bộ Xây dựng cũng không sai.
Vấn đề nằm ở chỗ, chủ đầu tư hiện giờ không có tiền lại vướng phải một số thủ tục khác nữa nên không giải phóng được mặt bằng và không tiến hành thi công được. Ai cũng có lý của mình cả nhưng cái lý nằm ở chỗ là giờ chúng ta đang không có tiền. Đại bộ phận các nhà thầu bây giờ đều "đói" và ở trong tình trạng bị "suy dinh dưỡng" hết rồi.
Hiện nay, vẫn có không ít dự án có triển vọng, đánh đúng vào tâm lý của người dân song vẫn không thể hợp tác cùng ngân hàng và không có vốn. Trước thực trạng trên, ông Tiến đã đưa ra lý giải về thái độ e dè của các ngân hàng: Hiện nay, ngân hàng bị thất thoát quá nhiều. Tài sản bị "đọng" trong BĐS trong ngân hàng cỡ khoảng 300.000 tỷ thì không có lý nào họ lại đi hỗ trợ cho những người đang sở hữu khối nợ đọng này. Hay nói cách khác họ cũng mất niềm tin với BĐS rồi và rơi vào thế bí. Chính phủ vừa rồi đổ thêm 30.000 tỷ cứu bất động sản nhưng cũng khó lắm vì nó quá nhỏ nhoi. BĐS như bệnh nhân bây giờ phải mổ rồi mà chỉ có tiền để uống thuốc kháng sinh cầm cự thôi thì làm sao có thể cứu được.
Việt Nam đang "bội thực" dự án manh mún
Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc gần 1.000 dự án ở TP.HCM bị dừng chứng tỏ hiện nay các dự án của nhà đầu tư Việt Nam quá manh mún, quy mô nhỏ lẻ. Nguyên nhân của thực trạng này là do họ kinh doanh đầu tư theo phong trào, không điều tra thị trường. Bên cạnh đó, cũng cần phải nhấn mạnh, các cơ quan chức năng thể hiện cái nhìn chưa được sâu xa. "Tôi nghĩ rằng, trong lúc BĐS khó khăn cũng là khoảng thời gian mà các nhà làm chính sách đánh giá lại thị trường xem đã làm được gì và thiếu sót ở đâu, rồi từ đó rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, dường như họ không làm được điều này", ông Liêm khẳng định.
Theo nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, đối với những dự án nằm ngoài quy hoạch mà quá nhỏ lẻ thì chính quyền địa phương, bộ Xây dựng cũng nên dẹp đi. Tuy nhiên, những dự án trong quy hoạch nếu nhà đầu tư chứng minh khi hoàn thiện sẽ bán được thì ngân hàng nên cho vay để tiếp tục phát triển. Việc tạm dừng, thu hồi dự án cũng chỉ là một biện pháp tạm thời. Bởi vì, khi thu hồi, họ sẽ xử lý như thế nào. Chắc chắn không nhiều nhà đầu tư muốn mua lại để xây dựng trong cái thời buổi suy thoái kinh tế như hiện nay.
Trả lời PV về việc Bộ Xây dựng đề xuất lên Chính phủ dừng dự án giải phóng mặt bằng dưới 30% và với các dự án giải phóng mặt bằng dưới 70% giao cho chính quyền địa phương quyết định có tiếp tục được xây dựng nữa hay không, ông Phạm Sỹ Liêm khẳng định: "Đây là đề xuất giải quyết sự việc theo kiểu hình thức, chưa sát với thực tế. Họ phải phân tích được, các dự án mà chủ đầu tư chưa giải phóng được nằm ở khu vực nào. Nhiều khi chậm giải phóng mặt bằng không phải do chủ đầu tư mà nguyên nhân từ luật, chính sách của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nhiều dự án đã giải phóng mặt bằng được hơn 70% nhưng nằm ở ngoại đô, việc giải phóng rất dễ dàng. Chính vì thế, chẳng thể căn cứ vào con số trên để đánh giá năng lực của chủ đầu tư và ra quyết định dừng dự án".
Về việc bị dừng dự án, ông Nguyễn Hồng Q. (một nhà thầu xây dựng tại huyện Mê Linh, (Hà Nội) bức xúc: "Mấy năm qua, bất động sản "chìm đáy". Việc chúng tôi có thể "sống sót" đến thời điểm này đã là sự cố gắng không ngừng nghỉ. Việc dừng dự án thời điểm này và đề xuất tiêu chí dừng của bộ Xây dựng chưa hợp lý và thiếu sự công bằng. Việc dừng dự án cũng đồng nghĩa với việc ép các chủ đầu tư vào con đường phá sản. Bởi khi đó, các khách hàng sẽ lũ lượt đến rút vốn. Doanh nghiệp đó sẽ "mang tiếng" và không có được sự tin tưởng tuyệt đối của các đối tác".