Ế sàn: DN đồng loạt hủy niêm yết

Không còn háo hứng với kế hoạch lên sàn để hút vốn, phát hành cổ phiếu huy động vốn… nhiều doanh nghiệp (DN) đang dền dứ, từ bỏ kế hoạch đã ngốn không ít tiền của, chấp nhận bị hủy niêm yết khi mà cổ phiếu chưa giao dịch được ngày nào.

Hủy từ khi chưa lên sàn

Ngay đầu tháng 10, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo hủy niêm yết cổ phiếu VTE của Công ty Viễn thông Điện tử Vinacap do DN này không hoàn tất thủ tục niêm yết trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày được chấp thuận niêm yết.

Cụ thể, gần 13,5 triệu cổ phiếu VTE bị hủy niêm yết từ ngày 4/10. Điều này có nghĩa cổ phiếu của DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các loại dây điện tử và dây cáp này đã chưa kịp có 1 ngày nào giao dịch trên sàn chứng khoán tập trung đã bị hủy niêm yết.

Không chỉ VTE, trước đó khoảng hơn 1 tháng, HNX cũng đã buộc phải hủy niêm yết cổ phiếu MED của CTCP Dược Trung ương Mediplantex dù chưa thực hiện phiên giao dịch nào tại HNX.

Lý do cũng không có gì khác là Mediplantex đã không hoàn tất thủ tục niêm yết trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày được chấp thuận niêm yết. Hơn 5 triệu cổ phiếu MED, tương đương hơn 50 tỷ đồng đã bị hủy niêm yết từ ngày 07/08/2012 cho dù ban đầu đã có dự kiến lên sàn vào ngày 22/6 với giá tham chiếu 15,500 đồng/cp. HĐQT đã họp và nhất trí xin hoãn giao dịch phiên đầu tiên để chờ thời điểm thích hợp và thuận lợi nhất.

Ế sàn: DN đồng loạt hủy niêm yết - 1

Như vậy, với quyết định của HNX, ý định “bàn tiếp” việc niêm yết cổ phiếu có lẽ sẽ tạm thời chấm dứt đối với MED.

Trước đó, tại ĐHCĐ của Ngân hàng Quốc tế (VIB) sáng 20/4, lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết, ngân hàng chưa có kế hoạch lên sàn cho dù đã từng nộp hồ sơ xin niêm yết trên HNX

Hàng loạt các ngân hàng rậm rịch lên kế hoạch niêm yết trong các năm TTCK sôi động trước đây như Nam Á, Đại Á, Đông Á… nay cũng đang thờ ơ với kế hoạch này. Cộng thêm với các quy định chặt hơn trong Thông tư 26, nhiều khả năng các tổ chức tín dụng này còn lâu nữa mới lên sàn.

Giải thích lý do xin hoãn giao dịch phiên đầu tiên, MED cho biết, HĐQT của công ty đã họp và nhất trí xin hoãn để chờ thời điểm thích hợp và thuận lợi nhất do TTCK giảm sút và có xu hướng thiếu tích cực. Ngoài ra, MED muốn tập trung ổn định công tác điều hành, khắc phục những khó khăn và hoạt động sản xuất kinh doanh.

VTE, trong khi đó, không đưa ra lý do mà chỉ âm thầm không hoàn tất thủ tục niêm yết đúng như quy định và chấp nhận bị hủy niêm yết.

Các ngân hàng có ý định lên sàn cũng “ngậm tăm” khi được hỏi về kế hoạch lên sàn rầm rộ 1 thời, hoặc nhiều lắm thì cũng chỉ giải thích chưa tiếp tục kế hoạch do thị trường đang ảm đạm, cổ phiếu nói chung đang rớt giá, niêm yết giờ là không thuận lợi, và lên sàn thời điểm này cũng khó huy động vốn…

Mất khả năng huy động vốn: CK hết vui

Hiện tượng các DN hủy niêm yết tự nguyện và giờ đây là từ bỏ kế hoạch lên sàn dường như đã trở thành làn sóng. Nó khiến nhiều chuyên gia đặt ra vấn đề tính hấp dẫn của TTCK liệu đang suy giảm nghiêm trọng?

Nhắc đến hiện tượng này, đa số các nhà đầu tư cho rằng, các doanh nghiệp không hào hứng niêm yết cổ phiếu vì rõ ràng họ không còn thấy được những lợi ích to lớn của việc niêm yết cổ phiếu giống như trước đây.

Còn nhớ, trong những năm TTCK sôi động, rất nhiều doanh nghiệp có quy mô khá nhỏ nhưng nhờ chính sách phát triển hàng hóa cho TTCK trong giai đoạn đầu, đã lên sàn thành công. Thời kỳ TTCK phát triển bùng nổ 2006-2010 đã giúp không ít công ty phát hành cổ phiếu lên thêm 1-2 thậm chí 4-5 lần so với trước khi lên sàn, để mở rộng quy mô. Nhiều doanh nghiệp thậm chí chỉ hơn 1 trung tâm tin học ngoại ngữ chút nhưng lên sàn cũng khá rùm beng… và có giá tới “vài chấm”.

Việc “in giấy” quá dễ và giá cổ phiếu dễ dàng tăng vài lần, thậm chí vài chục lần đã khiến các doanh nghiệp xếp hàng chồng hồ sơ trên UBCK để chờ tới ngày được mang cổ phiếu tới công chúng, mang sự minh bạch tới cho cổ đông… Không ít trong số đó, sau này được thị trường định giá là cổ phiếu lởm, với mức giá chưa bằng 1 mớ rau, cốc trà đá cho dù thể xác thì rất to, tới vài trăm cho tới cả nghìn tỷ đồng về mặt tài sản.

Tâm lý chán lên sàn xuất hiện trên TTCK bắt đầu khoảng từ 2 năm gần đây khi mà giao dịch chung rơi vào tình trạng ảm đạm, giá cổ phiếu xuống dốc thảm hại. Việc khó khăn huy động vốn trên sàn trong giai đoạn kinh tế khó khăn có thể là nguyên nhân ảnh hưởng tới mong muốn lên sàn của các doanh nghiệp.

Số lượng các doanh nghiệp niêm yết mới trên cả 2 sàn trong năm 2011 đã giảm hơn 70% so với năm trước đó xuống chỉ còn vài chục trường hợp. Trong năm 2012, từ tháng 1 cho tới giờ, số lượng niêm yết mới đếm trên đầu ngón tay mỗi sàn, trong khi hủy niêm yết lên tới gần 20 trường hợp.

Chất lượng nguồn hàng mới thấp, nguồn hàng cũ cũng kém và “tai” trên thị trường nhiều hơn “tiếng”… đã khiến cho 1 số doanh nghiệp tốt thực sự còn quan ngại khi lên sàn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có tư tưởng chộp giật lại không muốn (và có thể không đủ điều kiện) lên vì không có cửa kiếm tiền nhanh.

TTCK là 1 kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế. Nó vẫn là 1 trung tâm quy tụ các doanh nghiệp hàng đầu, tập trung những người giàu nhất của mỗi nước. Song, điều cần thiết là phải phát triển thành công giai đoạn 2, giai đoạn nâng cao chất lượng hàng hóa trên các sàn chứng khoán, sau giai đoạn phát triển theo chiều rộng những năm vừa qua.

TTCK không nhất thiết phải đón tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp làm ăn tốt. Điều quan trọng trước hết là các doanh nghiệp trên sàn phải là những điểm sáng về sản xuất kinh doanh, về minh bạch, về quy mô… Các doanh nghiệp lên sàn nên là những đơn vị có ý thức cao về khâu công bố thông tin tới cổ đông. Có lẽ, đa số các ông chủ đều hiểu rằng, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán là 1 cơ hội quảng bá thương hiệu khá tốt tới không chỉ cổ đông trong mà còn cả ngoài nước. Cơ hội tìm kiếm vốn, tìm kiếm đối tác chiến lược chắc chắn dễ hơn nhiều so với im hơi lặng tiếng trên thị trường tự do. Việc huy động vốn khó khăn bây giờ nhưng sẽ dễ dàng trong tương lai khi mà kinh tế phục hồi.

Với các doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc những doanh nghiệp mà nhóm cổ đông lớn có ý đồ thâu tóm, thì việc rời sàn không có gì đáng nói. Nhưng đối với các doanh nghiệp làm ăn tốt rời sàn thì chính các đơn vị đó là người chịu nhiều thiệt thòi nhất, ít nhất là về uy tín và thương hiệu.

Việc từ bỏ lên sàn ở thời điểm hiện tại đối với các doanh nghiệp có lẽ “chẳng có vấn đề gì” nhưng thực tế sự trở lại sau này sẽ khó khăn hơn nhiều. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mạnh Hà (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN