Đưa tiền ảo vào khuôn khổ

Theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, những đồng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo đến năm 2019 sẽ có khung pháp lý thay vì hoạt động “ngoài vòng pháp luật” như hiện nay.

Nhiều rủi ro vì hoạt động “ngoài vòng pháp luật”

Sau một thời gian im ắng, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam lại trở nên sôi động, đặc biệt sau khi đồng Bitcoin liên tục tăng giá “chóng mặt” thời gian qua, hiện đã vượt mốc 4.000 USD và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hàng loạt các đồng tiền ảo khác cũng “ăn” theo như: Ripple, Ethereum…

Trong khi đó, kinh doanh tiền ảo đang được xem là hoạt động “ngoài vòng pháp luật” tại Việt Nam vì chưa có khuôn khổ pháp lý. Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Đáng chú ý, tại Việt Nam, các đồng tiền ảo (như Bitcoin, Onecoin, Octa…) được dùng để đầu tư và mua đi bán lại theo mô hình đa cấp biến tướng (Báo Giao thông đã có hàng loạt bài phản ánh). Bản thân người chơi cũng thừa nhận kiếm được tiền từ việc bán lại cho chính người chơi mới, phát triển người chơi mới nhờ bán lại tài khoản…

Đưa tiền ảo vào khuôn khổ - 1

Giao dịch tiền ảo tại Việt Nam lại sôi động sau khi đồng Bitcoin vừa qua tăng giá chóng mặt, kéo theo nhiều tiền ảo khác tăng giá

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, ở Việt Nam, nhiều người bị đầu độc, bị lũng đoạn qua hình thức đa cấp biến tướng nói trên vì thiếu thông tin, kiến thức. Vì thế, ông Hiếu cho rằng, việc đưa các đồng tiền ảo, tiền điện tử vào quản lý là hết sức cần thiết.

2019 có quá trễ?

Theo Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng luật (các luật) sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

Ủng hộ chủ trương này, song ông Hiếu cho rằng: “Tôi không gọi nó là tiền ảo, vì nó có giá trị thực bởi một số tiệm cà phê ở Singapore nhận trả bằng Bitcoin hay một vài điểm giao dịch ngân hàng bên Mỹ đã nhả tiền Bitcoin cho khách hàng. Do đó, đây gọi đúng nghĩa là tiền kỹ thuật số thì chính xác hơn”. Chính vì thế, theo chuyên gia này, lâu nay Việt Nam không công nhận nhưng cũng không cấm đoán giao dịch thì tới nay phải quyết định là có công nhận hay không để quản lý.

Theo Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam; Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; Ngân hàng Nhà nước trong tháng 8/2018 hoàn thành rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ; Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 6/2019; Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo… vào tháng 9/2019.

Ông Hiếu phân tích, việc cấm đoán có thể khiến đồng tiền này đi vào “thế giới ngầm” và Chính phủ không thể nào kiểm soát được, trừ khi đóng hết được tất cả website mà người chơi dùng để giao dịch. Do đó, chấp nhận các đồng tiền này ở mức nào để kiểm soát. “Có thể chúng ta không chấp nhập thanh toán ở tầm Quốc gia hay thừa nhận trên thị trường thế giới nhưng có thể coi nó như sản phẩm trừu tượng như trường hợp những con chip tại casino”, ông Hiếu nói.

Đặt câu hỏi, nếu Việt Nam công nhận tiền ảo, liệu có kích thích người chơi và ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ quốc gia? Theo ông Hiếu, điều này cũng nên lường tới, bởi trong tình huống người dân giảm lòng tin vào tiền Đồng thì vốn sẽ chảy mạnh sang các kênh như vàng, USD hay thậm chí là những đồng tiền điện tử này. Điều này sẽ ảnh hưởng tới lưu lượng tiền và chính sách tiền tệ quốc gia. Càng nhiều người chơi thì mức độ ảnh hưởng càng lớn. Về hiện tượng có người mua Bitcoin chuyển ra nước ngoài để chuyển thành tiền gửi vào ngân hàng hay mua bất động sản, ông Hiếu cho rằng chính vì thế Việt Nam cần tìm biện pháp trung hòa để có thể kiểm soát.

Vậy quản lý như thế nào? Ông Nguyễn Trí Hiếu đề xuất: “Trước hết, những công ty kinh doanh các đồng tiền như Bitcoin phải được đăng ký dưới quy định chặt chẽ của pháp luật về vốn, tư cách pháp lý, nhân lực, ban quản lý. Đồng tiền như Bitcoin nếu được coi là hàng hóa thì phải được giao dịch thông qua trung tâm giao dịch và được đăng ký. Còn tất cả hoạt động ngoài sàn đó, ngoài lãnh thổ thì đều là bất hợp pháp. Như thế chúng ta mới có thể kiểm soát được hoạt động của người chơi”.

TS. Bùi Quang Tín, trường ĐH Ngân hàng TP HCM kiến nghị, với tình hình thị trường coin đang ở thế “lộng hành”, thời hạn hoàn thành đề án mà Chính phủ giao cho các bộ, ngành đưa ra đến năm 2019 là quá lâu. Do đó, ông Tín kiến nghị rút ngắn thời gian ban hành khung pháp lý, vì nếu không mỗi cơ quan, ban, ngành sẽ có cách hiểu và xử lý khác nhau càng tạo ra kẽ hở cho nhiều cá nhân lợi dụng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn (Báo Giao thông)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN