Dự án EUROLAND: Chủ đầu tư hành hạ khách hàng

Tráo vật liệu của khách hàng mua nhà liền kề bị phản đối, thu tiền chêch lệch tỷ giá trái pháp luật bị kiện… chưa hết, TSQ Việt Nam tiếp tục hành hạ khách hàng đang tự hoàn thiện nội thất căn hộ do công ty này bán.

Bắt sửa nhà nhưng không cấp nước

Hàng trăm khách hàng đang tự hoàn thiện căn hộ EUROLAND mua của Công ty TSQ Việt Nam đã, đang và chắc sẽ còn tiếp tục mệt mỏi bởi cách ứng xử của công ty này trong việc tự hoàn thiện nội thất căn hộ của mình.

Anh Minh Khang, chủ một căn hộ ở Toà nhà T1, than thở: “Đã dính vào TSQ này tiến cũng chết mà lùi cũng không sống nổi. Họ là những Việt kiều về đầu tư trong nước nhưng lại đi hành chính khách hàng của mình là những người dân trong nước”.

Theo anh Khang, đã mua căn hộ của TSQ nếu không tự hoàn thiện thì sẽ bị chủ đầu tư TSQ hoàn thiện và áp đặt giá hoặc TSQ đem căn hộ của người mua cho thuê thu tiền hoàn phí mà TSQ bỏ ra hoàn thiện còn nếu khách hàng tự hoàn thiện cũng khốn khổ đến mức… hết hơi.

Theo phản ánh của các khách hàng, mỗi toà nhà của TSQ Việt Nam có trên 300 căn hộ, phần lớn số căn hộ này đang được hoàn thiện nhưng công ty này chỉ bố trí hai thang máy hoạt động bao gồm cả việc vận chuyển vật liệu, thợ thi công và chủ nhà…

Thế nên tình trạng chen chúc, xô đẩy, lời qua tiếng lại, cãi vã… để được đi thang máy không giờ nào không diễn ra. Chưa kể, những thang máy này cũng thường xuyên bị hỏng. Những lúc như thế, tất cả chỉ còn cách leo thang bộ.

Dự án EUROLAND: Chủ đầu tư hành hạ khách hàng - 1

Không chỉ đưa ra hợp đồng, quy định và cam kết đầy bất lợi để dồn ép khách hàng, mà TSQ Việt Nam còn dựa vào đó để nghĩ ra đủ cách làm khó, moi thêm tiền của khách mua nhà.

Anh Phạm Mạnh, vừa là chủ một căn hộ ở toà nhà T, tự giám sát hoàn thiện căn hộ của mình, cho hay: “Căn hộ của tôi ở tầng 24, mỗi lần leo bộ từ tầng 1 lên tầng 24 là đã hết hơi, cả ngày chẳng làm nổi việc gì”.

Nếu chỉ phải leo thang bộ mà các việc khác trôi chảy thì cũng là diễm phúc cho chủ các căn hộ EUROLAND của TSQ Việt Nam. Người mua ở đây còn nhiều nỗi khổ khác không thể kế hết.

Sau khi hoàn tất các thủ tục anh được TQS Việt Nam cấp giấy phép cho hoàn thiện. Việc đầu tiên, anh Mạnh làm là lo thuê chuyển đầy đủ vật liệu, thuê thợ… Khi mọi thứ đã sẵn sàng anh xin TSQ Việt Nam cấp nước. Đơn xin cấp nước của anh Mạnh được duyệt vào ngày 23.7.2012. Đúng ngày này, anh gọi điện cho nhân viên cấp nước của TSQ, và được trả lời là đồng ý. Nhưng chờ đến 3 ngày sau, nước vẫn chưa được cấp, thợ đã tập kết không có việc làm đành rút hết.

Quá sốt ruột, anh gọi xuống cho sàn giao dịch TSQ Việt Nam, nhân viên sàn trả lời: “cái ông anh gọi xin cấp nước là người có thẩm quyền cao nhất về nước rồi”. Cực chẳng đã, anh phải gọi lại cho nhân viên phụ trách nước của TSQ kia thì được trả lời; ‘Anh đã gọi điện cho tôi xin nước bao giờ đâu”. Anh Mạnh đành phải nói: “Chẳng lẽ tôi phải ra bưu điện xin danh sách các cuộc gọi đi để chứng minh là chiều ngày 23.7 tôi đã gọi cho anh để xin cấp nước”. Anh nhân viên này cũng chẳng vừa, đốp lại luôn khách hàng của mình. “Mời anh cứ ra bưu điện mà xin”.

Trước thực tế này, anh Mạnh chỉ còn biết than thở: “Thật không thể tưởng tượng nổi”.

Tiến không nổi, lùi không xong với TSQ Việt Nam, anh Phạm Mạnh buộc phải yêu cầu lập biên bản tình trạng không được cấp nước, nên phải dừng công tác thi công thì TSQ trả lời rằng “cứ làm đơn gửi rồi sẽ giải quyết”.

Sau khi làm đơn và nộp xong, anh Phạm Mạnh nhận được cuộc điện thoại của đại diện TSQ Việt Nam nói rằng “chúng tôi sẽ cấp nước ngay cho anh, còn việc đúng sai thế nào sẽ giải quyết sau”. Nói thế nhưng anh Mạnh chờ mãi vẫn chưa thấy nước về. Cả sáng ngày 27.7, anh nhiều lần gọi điện cho người có trách nhiệm của TSQ thì được trả lời “nếu anh còn gọi nhiều thế này chúng tôi sẽ không nghe điện thoại của anh nữa”.

Chưa có nước, anh Phạm Mạnh đành thêm một lần xuống sàn TSQ, và hỏi ai là người có trách nhiệm cao nhất ở đây để giải quyết khúc mắc. Anh được nhân viên sàn này nói vào gặp bà Đỗ Anh Quế, Phó giám đốc sàn giao dịch bất động sản TSQ Việt Nam.

Bà Quế phân trần: “Các anh phải thông cảm, chúng tôi phải phục vụ một lúc trên 600 khách hàng”. Thế nhưng, bà Quế lại quên rằng, khi bán căn hộ, thu tiền của 600 khách hàng thì TSQ không hề kêu ca một lời nào, anh Phạm Mạnh bức xúc.

Thu tiền không có trong hợp đồng

Trong khi việc thu tiền chêch lệch tỷ giá của khách hàng do tình giá căn hộ bằng đô la Mỹ bị khách hàng kiện thì TSQ Việt Nam lại tiếp tục đơn phương thu tiền ngoài hợp đồng đối với khách hàng của mình.

Theo phản ánh của các khách hàng, TSQ Việt Nam ký hợp đồng bán căn hộ thô để khách tự hoàn thiện, sau khi khách hàng tự hoàn thiện xong, TSQ mới tiến hành ban giao căn hộ. Trong hợp đồng mua bán, TSQ Việt Nam không có một từ nào về việc khách hàng phải trả phí hoàn thiện căn hộ mà mình đã mua thế nhưng TSQ Việt Nam đơn phương ép khách hàng phải nộp khoản phí này với mức 75.000 đồng mỗi mét vuông.

Chị Minh Trang, chủ một căn hộ nói: “Ban đầu chúng tôi tưởng TSQ Việt Nam thu phí này là tính vào tiền điện, tiền nước thi công nhưng hoá ra tiền điện vẫn phải nộp theo giá 2.500 đồng/số và giá nước là 13.000 đồng/khối”.

Như vậy, khách hàng của TSQ Việt Nam thực hiện đúng hợp đồng mua bán với TSQ Việt Nam tự nhiên phải bỏ ra trên dưới chục triệu đồng tuỳ theo diện tích. Tính ra, chỉ riêng khoản này, TSQ bỏ túi ít nhất trên 7 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Sáng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN