Dư 16 ngàn tỷ, bao giờ lao động tự do được thụ hưởng?

Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động (BHTNLĐ) đang dư tới 16.000 tỷ đồng. Mỗi năm có tới 700 người tử vong do tai nạn lao động (TNLĐ), nhưng không phải ai cũng được hưởng chế độ vì người bị nạn thường là lao động tự do.

Nghịch lý

Ông Trường, xã Nga Hoàng (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) là lao động làm nghề xây dựng tự do trong một lần rơi giàn giáo, không may bị ngã và phải chịu thương tật suốt đời ở chân. “Khi nằm viện, có nhận được hỗ trợ thuốc men từ chủ nhà, nhưng sau đó thì thôi. Nếu biết có BHTNLĐ để tham gia, gia đình sẽ đỡ khổ”, ông Trường nói. Hiện, không phải chỉ ông Trường mà đa số lao động tự do đều ít biết đến loại hình BHTNLĐ. Thậm chí, với lao động khu vực chính thức, khi bị TNLĐ cũng khó được hưởng chế độ do các ông chủ thường giấu nhẹm tai nạn. 

Dư 16 ngàn tỷ, bao giờ lao động tự do được thụ hưởng? - 1

Lao động tự do hiện đang rất khó tiếp cận với BHTNLĐ trong khi quỹ dư tới 16.000 tỷ đồng. Ảnh: Bảo Anh

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện cả nước có tới 60% lao động không chính thức, không hợp đồng lao động. Số lao động tham gia đóng BHTNLĐ còn thấp. Trong khi đó, theo thống kê, đa số lao động đang làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra TNLĐ cao. Theo một chuyên gia lao động (xin giấu tên), hiện mỗi năm có tới 700 người tử vong vì TNLĐ, trong khi đó Quỹ BHTNLĐ dư tới 16.000 tỷ đồng là một nghịch lý. “Để tránh tình trạng quỹ phình to trong khi người lao động (NLĐ) bị hạn chế tham gia; nhất thiết phải nghiên cứu chính sách để NLĐ tự do được tham gia BHTNLĐ”, vị này nói.

Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (thuộc BHXH Việt Nam) cho biết, hiện có tới 11 triệu NLĐ tham gia BHTNLĐ. Quỹ này Chính phủ giao cho BHXH Việt Nam quản lý. Theo ông Được, với khu vực lao động chính thức, đã có chủ sử dụng đóng. Khó nhất hiện nay là đối với khu vực lao động tự do, chưa xác định được chủ để đóng tiền bảo hiểm cho họ. “Người ta đang xây dựng dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động. Được biết, vấn đề làm thế nào để NLĐ tự do được tham gia BHTNLĐ đã được đặt ra. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là phải chỉ ra ai đóng và mức đóng-hưởng thê nào”, ông Được nói.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận, Quỹ BHTNLĐ chưa bao quát hết được số lượng NLĐ bị tai nạn. Có nhiều lý do, nhưng căn bản nhất là khi xảy ra tai nạn, các chủ sử dụng lao động thường không báo với cơ quan chức năng, dẫn tới NLĐ bị thiệt thòi. Hiện, đã có 2 phương án chi được đưa ra: Cho người bị TNLĐ và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc phòng ngừa tai nạn. Tuy nhiên, phương án cuối cùng thế nào phải do Quốc hội quyết. 

Bao giờ quan tâm lao động tự do?

Trước thực tế có quá nhiều NLĐ không được hưởng chính sách từ Quỹ BHTNLĐ, Ban soạn thảo Luật An toàn vệ sinh lao động đã đề xuất nên cho NLĐ tự do tham gia BHTNLĐ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền “mở rộng đối tượng ra là tốt, nhưng không quá kỳ vọng trong thời gian đầu sẽ thu hút được nhiều người tham gia vì đây là quy định mới”. Theo Bộ trưởng Chuyền, từ trước đến nay, chưa quy định bắt buộc tham gia BHTNLĐ, mà chỉ quy định những người có quan hệ lao động (khoảng 34% lao động) phải tham gia, do đó lượng NLĐ tham gia BHTNLĐ còn hạn chế. 

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, lao động tự do là đối tượng khó khăn, cần tính toán để có sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Nhà nước hỗ trợ rồi, họ có tham gia bảo hiểm, khi xảy ra tai nạn mới được thụ hưởng chính sách. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nói: Tinh thần của Hiến pháp là NLĐ phải được làm việc trong môi trường an toàn. Do đó, cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ, làm tốt công tác tuyên truyền để tất cả những NLĐ đang làm việc không có quan hệ lao động được tham gia Quỹ BHTNLĐ.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, khi Luật An toàn vệ sinh lao động được ban hành sẽ giống như Quỹ BHYT, NLĐ đóng 1% sẽ được nhà nước hỗ trợ một khoản để có Quỹ BHTNLĐ tự nguyện. Lúc đó, mức chi thế nào trong quỹ này cũng sẽ được tính toán. Tuy nhiên, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động nên Quốc hội sẽ thảo luận, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ chuẩn bị phương án và hướng triển khai theo phương án được Quốc hội thông qua. 

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, mức chi BHTNLĐ nhiều năm qua vẫn thấp và chưa phù hợp; tới đây cần thiết phải thay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Cầm (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN