Doanh nhân bàn mô hình “Gia đình quản”

“Ở Việt Nam gần như cần có ruột thịt trong công ty (Cty). Chứ góp vốn ở ngoài, dù lỗ hay lãi cũng gặp trục trặc. Chỉ tính khoảng 100 Cty gia đình lớn nhất Việt Nam, cũng đóng góp khoảng 1/4 GDP của cả nước”- ông Phạm Đình Đoàn, thành viên Hội đồng Doanh nhân gia đình Việt Nam cho biết.

Doanh nhân 100 tuổi

Hôm qua, sự xuất hiện của “lão doanh nhân” tròn 100 tuổi - cụ Hoàng Thị Minh Hồ, trong buổi tọa đàm về vai trò của gia đình doanh nhân Việt Nam trong phát triển kinh tế, khiến cả hội trường cảm kích. Cụ là doanh nhân, vợ của ông Trịnh Văn Bô, gia đình đóng góp 5.147 lượng vàng cho ngân khố quốc gia thời kỳ đầu Cách mạng.

Cụ Minh Hồ còn minh mẫn dặn dò: “Tôi là doanh nhân của đầu thế kỷ 20, đã dùng hết tài sức làm giàu cho gia đình, rồi giúp dân, giúp nước, giúp người nghèo đói. Bây giờ các bạn là doanh nhân thế kỷ 21, phải tiếp bước ông cha, đem tài năng, trí tuệ làm giàu cho gia đình, xây dựng đất nước”.

Doanh nhân bàn mô hình “Gia đình quản” - 1

Doanh nhân 100 tuổi Hoàng Thị Minh Hồ nói chuyện với các doanh nhân. Ảnh: Phạm Anh.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, qua các thời kỳ lịch sử, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Nhiều gia đình doanh nhân đã là cái nôi che chở cán bộ cách mạng, che chở cho Bác Hồ trong những ngày kháng chiến. Như gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ, còn đóng góp 90% tài sản cho cách mạng. “Cụ Minh Hồ năm nay đã 100 tuổi, chính là biểu tượng doanh nhân yêu nước”- ông Lộc nói.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, trong một thập kỷ đổi mới lại đây, đã xác lập một giá trị mới về vai trò của doanh nhân. Nhiều gia đình làm ăn lớn, đã biết đầu tư nguồn nhân lực sau này, cho con em mình đi học những nơi tốt nhất. “Mô hình Cty gia đình đang tồn tại ở Việt Nam và đây cũng là mô hình quan trọng trong giai đoạn hiện nay”.

Ông Quốc nói

Theo Chủ tịch VCCI, hiện cả nước có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp, và hàng triệu doanh nhân. Trong đó, có người từng trải qua chiến tranh như “Chúa đảo” Đào Hồng Tuyển; có người được đào tạo ở nước ngoài như ông Phạm Nhật Vượng, Trương Gia Bình... Hiện đang có lớp doanh nhân 8X, 9X, được đào tạo bài bản, tiếp bước cha mẹ họ trên thương trường. Việc quản lý, điều hành của 2, 3 thế hệ của một gia đình trong cùng một doanh nghiệp ngày càng nhiều. Lý do của cuộc tọa đàm này như ông Phạm Đình Đoàn nói: Phải hướng tới việc phát triển bền vững, tránh kinh doanh kiểu ăn xổi. Chính vì thế phải đào tạo đội ngũ kế cận, tiếp nối truyền thống gia đình.

Dạy bảo con cháu kinh doanh

“Cty gia đình” đang chiếm khoảng 70% số Cty trên thế giới. Top 500 thương hiệu thành công nhất trên thế giới có hơn 1/3 là Cty theo mô hình “gia đình trị”. Tuy nhiên, ở Việt Nam, để thành công hơn trong quá trình hội nhập, loại Cty trên cần phải thay đổi tư duy về quản trị, nhân lực.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, thành viên Hội đồng doanh nhân gia đình Việt Nam cho biết: Ở Việt Nam, tới 80% là Cty mang tính gia đình, và cũng khoảng 80% là thành công; còn 20% còn lại là dạng cổ phần, nhưng khả năng thành công chỉ ở mức 20% trong số đó. Cũng theo ông Đoàn, Cty gia đình còn “thống trị” trong khoảng 30-40 năm nữa. Do vậy, cần hỗ trợ của nhà nước, ngay như các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, Hyundai… đều có sự hậu thuẫn của chính phủ nước này.

Ở Tập đoàn Phú Thái, ông Đoàn có 3 người con, 10 người cháu, đều được ông định hướng cả chục năm trước để tiếp quản Cty. Ông Đoàn cho hay, hiện ông đang cho 5 đứa con, cháu đi du học nước ngoài. Thậm chí ông đích thân “lên lớp” để dạy cho các con cháu về kinh doanh, gia đình.

Ông Lawrence Chong, đồng sáng lập viên và CEO của Consulus cho biết, các doanh nghiệp khác nói về hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận, còn trong doanh nghiệp gia đình họ còn nói về tình yêu. Theo ông, vì sao các thương hiệu lớn của thế giới như Toyota, SamSung, Hyundai... lại là Cty gia đình. Bởi vì họ ngoài làm việc, tình yêu gia đình còn tạo ra sự tận tâm, để làm ra sản phẩm tốt hơn, vì sự phồn vinh của gia đình.

Tuy nhiên, theo ông Lawrence, vấn đề với loại Cty nói trên chính là sử dụng người ngoài gia đình. Có 70% doanh nghiệp gia đình ở châu Á, gặp vấn đề về tuyển nhân tài từ ngoài vào. “Một thực tế, ở các tập đoàn Việt Nam và châu Á, toàn gửi nhân viên đi ra nước ngoài đào tạo, nhưng không biết rằng, họ có thể tạo ngay trong tập đoàn mình một trường đào tạo tại chỗ, bằng kinh nghiệm, kiến thức của mình” ông Lawrence nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN