DN không vay tiền vì không muốn mắc nợ

Báo cáo đặc điểm môi trường kinh doanh Việt Nam vừa đưa thông tin: có tới 57% số DN không nộp hồ sơ xin vay vốn vì họ không có nhu cầu trong 2 năm (2009-2011).

Thông tin trên khiến nhiều người bất ngờ bởi trong khi nhiều DN than là không thể tiếp cận vốn thì có tới già nửa DN được điều tra trả lời là không cần tiền.

Khi được hỏi vì sao không cần vốn, những DN này cho biết họ không cần vay vì không muốn mắc nợ, số ít khác cho rằng lãi suất quá cao, thủ tục khó vay, thế chấp không hợp lý, nợ trước đó đã nhiều… Nhưng theo nhóm nghiên cứu, tỷ lệ nợ của DN nhỏ và vừa (SME) rất thấp là do hạn chế thanh khoản và hạn chế trong tiếp cận tài chính.

DN không vay tiền vì không muốn mắc nợ - 1

Nhiều DN không dám vay tiền vì sợ mắc nợ (Ảnh minh họa)

Trong số hơn 2.000 DN tham gia điều tra thì có gần 39% DN gặp khó khăn về tín dụng. Do đó, số lượng DN có các khoản vay phi chính thức (từ nguồn tiền người thân, tổ chức bên ngoài ngân hàng…) nhiều gấp đôi so với các khoản vay chính thức. Có gần 90% DN được hỏi đều cho biết họ tiếp cận các khoản vay phi chính thức là do không thể tiếp cận được nguồn vốn chính thức từ các tổ chức tín dụng.

Đối với vấn đề đầu tư, chỉ có 444 DN trong số gần 2.000 DN có đầu tư mới, hơn 40% DN có đầu tư mới trong cả 2 năm 2009-2011 và 42% là có đầu tư trong năm 2011. Như vậy, đa số các DN SME có thực hiện đầu tư trong thời gian qua nhưng chủ yếu đầu tư từ nguồn lợi nhuận giữ lại của mình.

Báo cáo năm nay cũng ghi nhận sự tăng lên của số lượng DN chính thức (DN có mã số DN, có giấy đăng ký kinh doanh và mã số thuế). Theo đó, so với năm 2009, có đến 70% số DN tham gia điều tra thuộc đối tượng DN chính thức, còn lại các DN không đăng ký là DN hộ gia đình.

Nhưng khi tính đến các khoản chi phí phi chính thức thì năm 2011 đã cao hơn so với năm 2009. Các DN cho biết, mục đích các khoản chi phí phi chính thức là để đối phó với thuế và các cơ quan thuế cũng như tiếp cận các dịch vụ công.

“Nhưng chính điều này đang khiến các DN bị đào thải khỏi thị trường ngày càng nhanh. Điều này hàm ý thông điệp mạnh mẽ: hối lộ không làm cho DN tồn tại trong dài hạn”, báo cáo nhấn mạnh.

Vì vậy, rất cần có chiến dịch thông tin về đặc tính tiêu cực nổi bật của việc hối lộ để giảm áp lực chi phí phi chính thức cho DN.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sơn Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN