Điều gì xảy ra nếu Euro về ngang giá với USD?

Sự kiện: Tiền tệ

Một số lĩnh vực đã “ngấm đòn” khi đồng USD mạnh lên và rõ nhất là xuất nhập khẩu.

Hiện hầu hết các hợp đồng xuất nhập khẩu được thanh toán bằng đồng USD với nhiều quốc gia trên thế giới, nên việc đồng USD tăng giá đã tác động không nhỏ đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi đồng Euro về ngang giá với USD? Tác động đến kinh tế và doanh nghiệp (DN) Việt Nam ra sao? TS Bùi Quang Tín, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, đã trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh câu chuyện này.

Điều gì xảy ra nếu Euro về ngang giá với USD? - 1

Tiến sĩ Bùi Quang Tín

Phóng viên: Những ngày cuối năm 2016, tỉ giá EUR/USD thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Nhiều tổ chức tài chính quốc tê gần đây cho rằng sự trái chiều trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và châu Âu sẽ sớm đưa đồng USD ngang giá với đồng Euro, nhất là trong xu hướng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, ông đánh giá sao về nhận định này?

TS Bùi Quang Tín: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản thấp kỷ lục và chương trình nới lỏng định lượng (QE) trong chính sách tiền tệ sau cuộc họp diễn ra cuối tháng 10-2016. Theo đó, Hội đồng điều hành ECB đã nhất trí không thay đổi lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức âm 0,4%. Đồng thời, giữ nguyên chương trình nới lỏng định lượng, với việc sẽ tiếp tục bơm 80 tỉ EUR vào nền kinh tế mỗi tháng thông qua việc mua trái phiếu từ các ngân hàng và DN.

Đầu tháng 12-2016, ECB cũng đã quyết định vẫn áp dụng chương trình mua trái phiếu, dù có điều chỉnh tốc độ mua vào, song sẽ giảm mức mua trái phiếu từ 80 tỉ EUR/tháng hiện nay xuống còn 60 tỉ EUR bắt đầu từ tháng 4-2017. Trong xu hướng này, đồng Euro đã giảm mạnh và chỉ số đồng USD đã vọt lên mức cao nhất trong 14 năm qua. Từ đó, đồng Euro sẽ tiến về mức 1 EUR = 1 USD trong thời gian không xa, điều này đã từng xảy ra vào năm 2002.

Về nguyên tắc, nếu đồng USD mạnh lên Mỹ sẽ được lợi vì được nhiều tài sản của thế giới hơn nếu quy đổi nhưng cũng ảnh hưởng đến vấn đề xuất khẩu của Mỹ. Vì thế Mỹ phải đắn đo giữa lợi ích trước mắt của quốc gia là đẩy mạnh xuất khẩu, tăng trưởng sản xuất với lợi ích lâu dài là đồng USD vẫn phải là đồng tiền mạnh để thế giới coi đó là quy chuẩn, có uy tín đủ để dẫn dắt cộng đồng quốc tế trong vấn đề tài chính tiền tệ. Do đó, việc xuất khẩu của Mỹ trước mắt có thể bị thiệt hại do đồng USD tăng giá, tuy nhiên Mỹ sẽ phải cân đối để giữ gìn lợi ích lâu dài của quốc gia.

Theo tôi, kết hợp với sự khác biệt trong chính sách điều hành lãi suất (ECB vẫn giữ lãi suất ở mức thấp trong khi FED đang dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất và giảm cung tiền) sẽ khiến các tài sản bằng đồng USD có giá trị hơn và tỉ giá EUR/USD = 1 sẽ nhanh diễn ra.

Trong trường hợp đồng USD = EUR có ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam, đến hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam với Euro hoặc USD, vì phần lớn các DN xuất khẩu vẫn dùng USD trong thanh toán hàng xuất khẩu với các khu vực?

Trước hết, đồng USD trên thế giới đã lên giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ yếu. Hiện nay, hầu hết các hợp đồng xuất nhập khẩu được thanh toán bằng đồng USD với nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, việc lên giá của đồng USD đã tác động nhiều đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, đồng USD lên giá đã tác động đến một số ngành, lĩnh vực, một số đối tượng trên thị trường. Rõ nhất là đối với xuất, nhập khẩu. Người xuất khẩu sẽ có lợi do việc USD lên giá sẽ khuyến khích xuất khẩu, trong khi nhập khẩu sẽ bất lợi. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, do vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu nên cân đối lại sẽ không được lợi bao nhiêu. Đối với cả nước, theo số liệu vừa được công bố của Tổng cục Hải quan, năm 2016 Việt Nam xuất siêu gần 2,7 tỉ USD, nên việc tỉ giá USD/VNĐ tăng đã phần nào hỗ trợ cho việc xuất siêu của Việt Nam

Tuy nhiên, khi USD lên giá nợ ngoại tệ tính bằng VNĐ sẽ cao lên, số trả nợ sẽ cao. Những doanh nghiệp vay ngoại tệ chi phí vay vốn và trả lãi tính bằng tiền đồng cũng sẽ cao lên. Đối với quốc gia cũng vậy. Khi tỉ lệ nợ nước ngoài/GDP đã cao số trả nợ/tổng thu ngân sách cao. Người có ngoại tệ sẽ không bán ra, tình trạng găm giữ USD sẽ tăng lên, làm cho tình trạng đô la hóa có nguy cơ trở lại.

Gửi tiết kiệm vào ngân hàng tuy vẫn đạt thực dương, do CPI được kiểm soát tốt và tăng thấp hơn lãi suất tiết kiệm, nhưng sẽ không còn hấp dẫn như trước khi USD lên giá, do chênh với lãi suất gửi bằng USD cộng với tốc độ tăng giá USD bị giảm xuống.

Vậy với những người nắm giữ đồng Euro như một loại ngoại tệ mạnh, đồng Euro đã rơi một mạch từ mốc khoảng 30.000 đồng/Euro xuống mức hiện nay chỉ còn hơn 23.000 đồng/Euro, có nên tiếp tục nắm giữ đồng tiền này?

Trong năm 2008, 1 EUR đổi được 1,6 USD (là mức giá cao kỷ lục kể từ khi ra đời năm 1999), đổi được 1,39 USD vào thời điểm tháng 3-2014, nhưng đến nay đã giảm xuống gần ngang bằng với 1 USD.

Trong nước, một mặt VNĐ duy trì sự ổn định so với USD, mặt khác cùng phản ánh tốc độ mất giá của đồng EUR so với USD, tỉ giá EUR/VND cũng đang thể hiện đà lao dốc chóng mặt.

Trong các hoạt động thương mại, tài chính và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đồng USD vẫn là ngoại tệ được sử dụng chủ yếu và đồng EUR cũng ít được người dân và doanh nghiệp để dành nhằm cho mục tiêu tiết kiệm hay thanh toán. Theo đó, đà lao dốc kỷ lục của đồng EUR hiện nay không gây nhiều xáo trộn hay hiệu ứng trực tiếp trên thị trường, cũng như đối với kinh tế vĩ mô nói chung.

Và chắn chắn với những ai đang nắm giữ EUR thì họ sẽ bị lỗ nặng. Theo dự báo, đồng Euro sẽ tiếp tục mất giá và tỉ giá EUR/USD nhiều khả năng sẽ xuống dưới mức 1 trong thời gian tới. Từ đó, người đang giữ EUR sẽ càng bị thiệt hại và việc nắm giữ EUR là không nên tiếp tục. Người dân có thể chuyển qua VNĐ để gửi tiết kiệm tại ngân hàng với lãi suất cao hơn gửi tiền EUR rất nhiều hoặc dùng làm phương tiện trong thanh toán trong kinh doanh, sinh hoạt hay mục đích khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thái Phương (Người lao động)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN