Dân Lào hưởng lợi từ dự án của bầu Đức

Đó là khẳng định của ông Phonsamay Vienglavanh - Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Thanh tra Nhà nước tỉnh Attapeu, CHDCND Lào khi trả lời phóng viên báo Tiền Phong hôm 14/6, tại Attapeu trước những cáo buộc của tổ chức phi Chính phủ Global Witness rằng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chiếm đất, phá rừng đẩy người dân trong vùng dự án tại Lào đến bần cùng hóa.

Phóng viên báo Tiền Phong đã đến tỉnh Attapeu (Lào), nơi Tập đoàn HAGL được giao 30.000 ha đất triển khai dự án trồng cao su để tìm hiểu xung quanh vấn đề này.

Đúng luật pháp, được Chính phủ Lào chấp nhận

“Trước nhất, chúng tôi đề cao quyết tâm đầu tư của HAGL cũng như các nhà đầu tư Việt Nam tại tỉnh Attapeu”- ông Phonsamay mở đầu câu chuyện, đồng thời cho biết Chính phủ Lào cũng như chính quyền tỉnh Attapeu có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài và đã chấp thuận các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Attapeu ở nhiều lĩnh vực như cầu đường, thủy điện, khai thác khoáng sản, trồng cao su và cọ dầu, mía đường…

Theo ông Phonsamay, Tập đoàn HAGL là nhà đầu tư lớn nhất tại Attapeu cho đến thời điểm này. Từ năm 2005, Tập đoàn đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Nam Lào và chính thức đầu tư vào tỉnh Attapeu kể từ năm 2007 với việc phát triển các loại cây công nghiệp như cao su, dầu cọ, trồng mía và xây dựng nhà máy chế biến đường. Đến thời điểm này, Tập đoàn HAGL là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam đầu tư vào tỉnh Attapeu với tổng giá trị gần 160 triệu USD.

Ông Phonsamay cũng cho biết, Tập đoàn HAGL được Chính phủ Lào giao 30.000 ha đất trồng nguyên liệu, thuộc địa bàn 4 huyện của tỉnh Attapeu. Hiện tại diện tích đã triển khai được 22.907 ha, trong đó 14.900 ha trồng cao su, 2000 ha trồng cọ dầu và 6000 ha trồng mía cùng các công trình như nhà máy chế biến mủ cao su, nhà máy mía đường.

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về quan điểm của chính quyền tỉnh Attapeu trước những cáo buộc của Global Witness đối với Tập đoàn HAGL, ông Phonsamay Vienglavanh nói: “Chúng tôi khẳng định: Tất cả việc đầu tư của HAGL đều đúng theo quy định pháp luật của Nhà nước Lào và đã được Chính phủ Lào chấp thuận. Diện tích 30.000 ha mà Chính phủ Lào giao cho Tập đoàn HAGL khai hoang đã được khảo sát kỹ lưỡng, đây là rừng nghèo, cây còn lại chủ yếu là cây tạp, không nhiều giá trị kinh tế. Những hình ảnh mà Global Witness đưa ra để làm bằng chứng cáo buộc được chụp từ vệ tinh, không có độ chính xác về chất lượng rừng. Còn những người dân được Global Witness dẫn lời trong cáo buộc, có thể là những người chưa thỏa mãn với đền bù của HAGL nên nói không đúng sự thật…

Ông Phonsamay cho biết thêm, 30.000 ha giao cho Tập đoàn HAGL, trước đây được quy hoạch là rừng sản xuất. Theo quy định của Chính phủ Lào, với loại rừng này có thể khai thác gỗ và trồng bổ sung hằng năm để khôi phục, không được chuyển mục đích sử dụng... Tuy nhiên, thực tế hơn 20 năm trước, các công ty được giao chỉ khai thác gỗ mà không trồng bổ sung. Bên cạnh đó, người dân cũng vào rừng chặt gỗ, chiếm đất làm rẫy. Trải qua một thời gian dài, đến thời điểm Tập đoàn HAGL được giao 30.000 ha diện tích rừng này không còn nguyên trạng mà chỉ còn là rừng nghèo, không thể khôi phục.

Người dân vùng dự án hưởng lợi

Ngoài những dự án trồng nguyên liệu kể trên, Tập đoàn HAGL cũng đang triển khai xây dựng tại tỉnh Attapeu nhiều dự án khác như nhà máy nhiệt điện 30 MW, sân bay Attapeu, bệnh viện 200 giường, trường học, nhiều km đường và cầu, dự án xây nhà ở cho công nhân…. Không chỉ đời sống kinh tế được nâng lên, người dân vùng dự án của HAGL tại Attapeu được hưởng lợi từ những đóng góp của Tập đoàn trong vấn đề an sinh xã hội.

Dân Lào hưởng lợi từ dự án của bầu Đức - 1
Nhiều người dân Lào làm công nhân cho HAGL với mức thu nhập cao. Họ đang chăm sóc, bón phân cho vườn cao su. Ảnh: Đại Dương.

Ông Seng Ka Lăng - Phó trưởng bản Hạt Xanh, huyện Xay Set Tha (tỉnh Attapeu) cho biết cả bản có 300 hộ gia đình với 1.553 nhân khẩu. Trước đây người dân đều sống bằng làm vườn và rẫy, mỗi năm một vụ, nên giỏi lắm chỉ đủ ăn. Cuộc sống chủ yếu là tự cung tự cấp nên rất nhiều khó khăn. Từ khi Tập đoàn HAGL đến đầu tư, cuộc sống của người dân đổi mới hẳn.

Ông Seng Ka Lăng cũng cho biết, gần một nửa hộ dân trong bản tham gia làm công nhân cho HAGL và về sinh sống trong làng tái định cư do HAGL xây dựng. “Những hộ dân làm cho HAGL có nhà ở, việc làm và thu nhập ổn định. Ngoài ra còn có rất nhiều thứ mà ngày xưa họ không có như xe máy, tivi, tủ lạnh, quạt điện…Trong khi những người sống tại chỗ như trước đây, cuộc sống hiện vẫn chưa có nhiều thay đổi”- Seng Ka Lăng nói.

Dân Lào hưởng lợi từ dự án của bầu Đức - 2
Ông Ko Kẹo (trái) và ông Thoi Kẹo, những người dân khu tái định cư trong dự án HAGL, thuộc bản Hạt Xanh, huyện Xay Set Tha (tỉnh Attapeu) đang giới thiệu chứng nhận học nghề và công cụ hành nghề công nhân cao su với PV báo Tiền Phong và đoàn công tác. Ảnh: Đại Dương.

Ông Ko Kẹo, một cư dân của làng tái định cư (thuộc bản Hạt Xanh) và là công nhân của HAGL từ ba năm nay giãi bày: “Làm công nhân cho HAGL có nhiều cái tốt, gia đình tôi và bà con được đưa đi đào tạo nghề và có thể sống tốt với nghề. Thu nhập của gia đình tôi được 6 nghìn Kíp/tháng, và cộng thêm các khoản thưởng, mỗi năm thu nhập không dưới 80 nghìn kíp, với gia đình 4 người, mức thu nhập đó là rất tốt và đặc biệt là ổn định”.

Trong khi đó, ông Ko Kẹo so sánh, trước khi có HAGL, thu nhập từ làm ruộng rẫy, cả gia đình không quá 2.000 Kíp/tháng. “Từ khi vào làm cho HAGL đến nay, gia đình tôi mua sắm được tất cả những thứ mà trước đó không có, từ xe máy, tivi, tủ lạnh đến nồi cơm điện…” - ông Ko Kẹo chia sẻ.

Ông Thoi Kẹo (60 tuổi), một người dân khác trong làng tái định cư, đồng thời là tổ trưởng sản xuất cho biết thu nhập của ông ngày càng tăng lên so với ngày mới vào làm cho HAGL. Hiện thu nhập bình quân ở mức 65.000 Kíp, tăng đáng kể so với năm ngoái. Theo ông Thoi Kẹo, chính vì thu nhập cao, đời sống ổn định nên rất nhiều người dân địa phương, kể cả ở địa phương khác cũng muốn vào làm cho HAGL.

Theo người dân nơi đây, cái khó khăn nhất hiện nay là thiếu nước sinh hoạt. Và đây là tình hình chung của cả vùng này chứ không riêng trong vùng dự án. Cho nên, theo Phó trưởng bản Hạt Xanh Seng Ka Lăng: “Nếu HAGL hỗ trợ, cung cấp nước sạch cho người dân nữa thì không có gì phải bàn thêm nữa”.

Trong thư mời (số 52/CV-AVIL) gửi PV báo Tiền Phong, Hiệp hội các Nhà Đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) nhận định rằng, những cáo buộc của tổ chức phi Chính phủ Global Witness đối với Tập đoàn HAGL và Tập đoàn Cao su Việt Nam có nhiều khả năng có mục đích chính nhằm vào những DN Việt Nam và trước nhất là hai DN hàng đầu kể trên có nhiều hoạt động đầu tư tại Lào và Campuchia.

Những cáo buộc vô căn cứ của Global Witness không loại trừ khả năng nhằm hạ uy tín, hình ảnh DN Việt Nam, gây thiệt hại về kinh tế, gây sức ép với nước sở tại, thiết lập những rào cản Việt Nam trong hoạt động hợp tác kinh tế thương mại với Lào và Campuchia.

Ông Phonsamay Vienglavanh cho biết: Trong quá trình khai hoang, nhà thầu (đối tác của HAGL) không có sự phối hợp tốt với chính quyền địa phương nên ít nhiều gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, từ đó phát sinh những tâm tư trong một bộ phận nhân dân.

Hiện còn khoảng 30 ha đất của người dân trong vùng dự án của HAGL chưa thống nhất được giá đền bù, nên gây dư luận không tốt trong một bộ phận nhân dân. Giá đền bù cho người dân trong vùng dự án là 5 triệu Kíp/ha, một số hộ dân cho rằng mức giá này thấp hơn so với thực tế nên không chấp nhận.

Bên cạnh đó, theo ông Phonsamay Vienglavanh, một số hộ dân khi thấy Tập đoàn HAGL triển khai dự án cũng đã tự ý xây dựng nhà, phát nương làm rẫy để đòi hưởng chính sách đền bù, dù các hộ dân này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất. Một số hộ dân đã phát nương làm rẫy và bỏ hoang từ nhiều năm trước, nay quay lại đòi đền bù khiến tình hình trở nên phức tạp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đại Dương (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN