Con số nợ xấu bất động sản
Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết nợ xấu bất động sản vào cuối năm 2012 lên đến 33-35% tổng dư nợ bất động sản. Còn Bộ Xây dựng thì dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước, số này (vào 31.12.2012) chỉ là 5,39%. Biết tin vào con số nào?
Do tỷ lệ nợ xấu bằng tổng nợ xấu chia cho tổng dư nợ, cho nên nếu bất cứ con số nào trong 2 con số ấy không chính xác thì kết quả sẽ đáng ngờ.
Hãy cứ coi tổng dư nợ bất động sản là 230 nghìn tỷ, và nợ xấu 5,39%, thì nợ xấu bất động sản chỉ cỡ 12,4 nghìn tỷ đồng (bằng khoảng 1/3 của gói 30 nghìn tỷ cho vay mua nhà ở giá rẻ). Còn nếu tính theo tỷ lệ 33% của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thì nợ xấu lên đến khoảng 76 nghìn tỷ đồng (khoảng hơn gấp đôi gói 30 nghìn tỷ đó). Có lẽ con số của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sát thực tế hơn.
Đáng nói ở đây là trong gói hỗ trợ, nhiều người gọi là “cứu trợ”, 30 nghìn tỷ trên, thì 30%, tức là 9 nghìn tỷ, dành cho các doanh nghiệp bất động sản. Đến nay theo Bộ Xây dựng mới có 30 dự án được đề xuất để vay từ gói này.
Nếu đúng là nợ xấu bất động sản chỉ khoảng 12 nghìn tỷ, thì vấn đề quá dễ để giải quyết. Và với sự hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp cỡ 9 nghìn tỷ cho phát triển nhà ở xã hội và nhà giá rẻ, thì rất có thể được các doanh nghiệp bất động sản “biến báo” để làm sạch chuyện nợ xấu trong vài tháng trời. Liệu đây có phải là một động lực ở đằng sau chính sách gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ hay không? Liệu có chuyện các nhóm lợi ích có vai trò trong chính sách gói hỗ trợ này? Thanh tra Nhà nước chắc cũng khó trả lời các câu hỏi đó. Tuy nhiên, lần qua dữ liệu, tìm hiểu các mối quan hệ thì việc trả lời cũng chẳng đến nỗi khó. Vấn đề là có muốn làm không mà thôi. Nhưng có thể khẳng định gói cứu trợ 30 nghìn tỷ không cứu được thị trường bất động sản. Thị trường này đã quá méo mó bởi hoạt động đầu cơ và chỉ có thể trở lại bình thường nếu giá nhà đất trở về đúng giá trị kinh tế của nó và nhiều đại gia bất động sản phải rút lui khỏi thị trường.
Số liệu về nợ xấu bất động sản chỉ là một ví dụ. Không có số liệu chính xác hoàn toàn. Không có dữ liệu hoàn toàn nhất quán giữa các tổ chức khác nhau. Tuy nhiên, vênh giữa 33-35% và 4-5% thì không thể chấp nhận được. Khuyến khích các tổ chức độc lập đưa ra (thậm chí kinh doanh) các số liệu, những ước lượng sẽ giúp chúng ta minh bạch hơn về dữ liệu và góp phần phát triển đất nước. Dựa trên số liệu sai khó có thể có chính sách đúng để giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội.