Con đường thành công của Kazuo Hirai, sếp Nhật lập dị của Sony

Nét độc đáo trong phong cách lãnh đạo của Kazuo Hirai đã vực dậy doanh thu của tập đoàn Sony nói chung và bộ phận kinh doanh TV, laptop và máy tính bàn nói riêng.

Khi nghĩ đến CEO của các tập đoàn lớn, người ta thường hình dung đến một người đàn ông với gương mặt cương nghị, phong thái đĩnh đạc trong bộ vest chỉn chu. Thế nhưng, CEO kiêm chủ tịch Sony, ông Kazuo Hirai lại có phong cách khác hẳn, với quần jeans và giày thể thao năng động.

Con đường thành công của Kazuo Hirai, sếp Nhật lập dị của Sony - 1

Kazuo Hirai, CEO thương hiệu Sony

Tiếp xúc với Kazuo Hirai lần đầu, nhiều người sẽ ấn tượng bởi vóc dáng cao ráo, thư sinh, gương mặt điển trai và nụ cười thân thiện. Ông hiếm khi lớn tiếng với nhân viên, luôn bình tĩnh giải quyết vấn đề. Chính vì luôn thân thiện, yêu đời nên ít ai biết tuổi thơ của ông vô cùng vất vả và thiệt thòi.

Thời trung học cơ sở, bố của Kazuo Hirai, khi đó là một chuyên viên ngân hàng, nhận việc tại New York. Cả gia đình sống trong một khu trung cư và ông được gửi đi học ở trường công.

Những ngày đầu nơi đất khách, không hiểu tiếng Anh, lại phải làm quen với một nền văn hóa mới, Hirai gần như bị cô lập, cô đơn đến tuyệt vọng. Trong người ông luôn giữ ba mảnh bìa nhỏ, được viết bằng tiếng Anh và tiếng Nhật với nội dung ‘Tôi bị ốm’, ‘Tôi muốn đi vệ sinh’ và ‘Hãy gọi cho bố mẹ tôi ngay lập tức’.

Qua thời gian, Hirai cũng dần hòa nhập được với các bạn. Ông rất thân thiết với những đứa trẻ cùng tuổi, sống trong khu chung cư. Mẹ của Hirai cũng nỗ lực tỏ ra thân thiện với các bạn của cậu. Bà mời bạn của con đến nhà chơi, ăn mỳ ramen của Nhật, khuyến khích con tham gia lễ Tạ ơn và Halloween với các bạn. Từ đây, cuộc sống của ông trở nên vui vẻ hơn.

Nhưng chưa đầy 2 năm sau, bố mẹ Hirai lại chuyển về Nhật Bản, khiến ông tiếp tục gặp khó khăn trong việc hòa nhập. Thời điểm đó, các cô bé, cậu bé Nhật Bản cảm thấy lạ lẫm với hình ảnh một học sinh Nhật cao lớn, trắng trẻo, và đã bị Mỹ hóa với giọng tiếng Anh cực chuẩn. Việc học sinh Nhật trở về từ nước ngoài cũng không phổ biến, nên những người như Hirai bị gọi là ‘người Nhật kỳ lạ’. Ông lại phải cố gắng thích nghi với các bạn tại chính quốc gia của mình.

Trải qua tuổi thơ tại hai quốc gia với nền văn hóa, giáo dục hoàn toàn khác biệt nên Hirai có lối sống vô cùng độc đáo. Khi trưởng thành, ông từ chối đến Mỹ du học mà quyết định theo học trường Thiên chúa giáo (ICU) ở Tokyo.

Cuộc sống sinh viên của Hirai vô cùng có ý nghĩa. Ông kiếm được rất nhiều tiền thông qua các công việc làm thêm như phiên dịch, dạy tiếng Anh…Hirai lái xe ô tô thể thao Mazda RX-7 đi học, chơi nhạc với Jon Kabira, người sau này trở nên nổi danh trên sóng truyền hình Nhật Bản.

Sau khi tốt nghiệp từ trường ICU, Hirai làm việc cho CBS/Sony Records ở Tokyo. Tiếp đó, ông chuyển đến công ty Sony Computer Entertaiment và chính thức trở thành CEO của tập đoàn này từ năm 2012.

Con đường thành công của Kazuo Hirai, sếp Nhật lập dị của Sony - 2

Kazuo Hirai gây ấn tượng với phong cách lãnh đạo độc đáo

Trước đây, Sony chỉ tuyển dụng các nhân viên thuần Nhật. Thế nhưng, trước áp lực phải vươn ra toàn cầu ngày một lớn, Hirai đã có cơ hội đảm nhận chức vụ cao hơn trong bộ máy vận hành của tổ chức. Cộng hưởng với năng lực và sự quyết tâm sẵn có, ông không mất quá nhiều thời gian để trở thành CEO của hãng.

Dù nhiều ‘người Nhật kỳ lạ’ từng được giữ những chức vụ quan trọng tại công ty nước ngoài nhưng Hirai là trường hợp đầu tiên trở thành CEO của một công ty mà trước đó vốn chỉ có văn hóa thuần Nhật.

Cách lãnh đạo của Hirai cũng rất khác, bởi ông không bị ràng buộc bởi các nguyên tắc làm việc truyền thống. Ông không ngừng khuyến khích nhân viên đưa ra các ý tưởng mới. Từ đó, triển khai các chiến dịch vực dậy được doanh số của bộ phận kinh doanh TV, laptop và máy tính bàn.

Tuy mới 56 tuổi nhưng ông đã lập kế hoạch về hưu. Ông cho biết, khi không còn vướng bận với công việc tại Sony, sẽ tham gia các chương trình có quy mô toàn cầu như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) để cải thiện vị thế của nước Nhật trên trường quốc tế, không muốn chỉ tập trung vào các vấn đề nội địa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Lê (Theo Asia.Nikkei) ([Tên nguồn])
Doanh nhân và 1001 cách làm giàu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN