Cầu giảm mạnh, vàng đã hết hấp dẫn?
Lực hấp dẫn của vàng đối với người dân giảm mạnh, thể hiện qua lực cầu vàng yếu ớt và động thái tạm dừng đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước. Cầu không còn, liệu các phiên đấu thầu vàng có nên tiếp tục duy trì?
Nên bỏ đấu thầu vàng
Ghi nhận thị trường vàng từ phiên đầu tuần, ngày 10/3 tới nay, giá vàng trong nước luôn trong trạng thái giằng co và tăng chậm hơn so với giá tăng thế giới. Trong lúc giá vàng thế giới tăng mạnh do ảnh hưởng từ tình hình chính trị bất ổn tại Ukraine thì giá trong nước lại “đủng đỉnh”, tăng chậm hơn so với giá quốc tế.
Diễn biến đi ngược xu thế lặp lại với phiên giao dịch vàng ngày 14/3, trong khi giá thế giới tăng, biểu đồ giá vàng trong nước lại giảm nhẹ, chênh lệch giá giữa hai thị trường giảm thấp nhất trong vòng 36 tháng qua.
Chốt phiên giao dịch ngày 14/3, trung bình giá vàng SJC giảm tổng cộng 150.000 đồng/lượng so với phiên trước, đứng ở mức 36,22 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra ở 36,27 triệu đồng/lượng.
Nhu cầu vàng miếng giảm, Ngân hàng Nhà nước nên mở quota cho DN nhập vàng chế tác nữ trang?
Lý giải nguyên nhân sự “lạc nhịp” về giá vàng nội – ngoại thời điểm này, lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng cho rằng, nhu cầu vàng đang thực sự giảm nhiệt khá mạnh so với trước đây, cầu vàng trong dân đang rất yếu. Hiện tượng người dân ùn ùn đem vàng đi bán trong các phiên giao dịch vàng gần đây cho thấy, vàng dù được mệnh danh là nơi trú ẩn an toàn nhưng sức hấp dẫn đã giảm đi nhiều.
Bình luận về động thái thị trường vàng gần đây, chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu khi trao đổi với Infonet nhìn nhận: “Thực sự Ngân hàng nhà nước đã cầm trịch và kìm được cương thị trường vàng thời gian qua”.
Ông phân tích, sau những cơn “sốt nóng”, thị trường vàng rơi vào trạng thái “sốt lạnh” như vừa qua chứng tỏ chính sách “quản” thị trường này của Ngân hàng Nhà nước đã “ngấm”. Khi thị trường cân bằng trạng thái cung – cầu, thậm chí là bão hòa thì về dài hạn Ngân hàng Nhà nước sẽ không dùng mãi một giải pháp là đấu thấu vàng miếng như trước đây. Điều này thể hiện rõ nhất qua động thái của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường này từ đầu năm tới nay.
Sau khi tung gần 80 tấn vàng qua 74 phiên đấu thầu liên tiếp trong năm 2013, từ đầu năm 2014 tới giữa tháng 3/2014, vẫn chưa có một phiên đấu thầu vàng miếng nào được cơ quan này tổ chức. Mặc cho giá vàng trong nước lên xuống do phụ thuộc vào giá vàng thế giới, nhưng khi nhu cầu không còn thì việc dừng cung vàng qua kênh đấu thầu là đương nhiên.
Theo lãnh đạo một công ty kinh doanh vàng lớn tại Hà Nội, sở dĩ Ngân hàng Nhà nước tạm dừng đấu thầu vàng miếng là vì “cầu quá yếu, nhu cầu của người dân với vàng gần như không có”.
“Giá vàng chênh lệch giữa trong nước và thế giới đã được thu hẹp đáng kể, có thời điểm chỉ còn 1,3 triệu đồng, nếu trừ đi các chi phí thì rõ ràng nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì đấu thầu vàng miếng là không khả thi. Cộng thêm, những phiên đấu thầu vừa qua đối tượng mua chủ yếu là các ngân hàng đang cần nguồn vàng để tất toán trạng thái huy động của mình trước đó, còn DN kinh doanh vàng không dám “om” nhiều vàng vì sợ lỗ… Khi ngân hàng tất toán xong rồi, nhu cầu vàng từ dân không nhiều thì việc tạm dừng là tất yếu”- ông nói.
Thậm chí, nếu thị trường tiếp tục “lặng sóng” Ngân hàng Nhà nước chỉ nên coi đấu thầu vàng là phương án dự phòng, thậm chí có thể tính tới khả năng ngừng hẳn đấu thầu vàng.
“Tổ chức đấu thầu vàng rất tốn kém. Nếu tổ chức nữa, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiếp tục nhập vàng về, một lượng ngoại tệ không nhỏ sẽ “ra đi”. Cái chính là nhu cầu trong nước quá yếu ớt” – vị Giám đốc bình luận.
Cấp quota cho DN nhập khẩu vàng
Thị trường bình lặng và gần như đã không còn “sóng dữ”, theo các chuyên gia, đây là thời điểm thích hợp để Ngân hàng Nhà nước tính toán và đưa ra những bước đi tiếp theo cho thị trường vàng.
Bước đi tiếp theo, được TS. Nguyễn Trí Hiếu đề cập, là cấp lại quota cho DN nhập khẩu vàng, và kế tiếp là thành lập sàn giao dịch vàng.
“Chênh lệch giá vàng từ đầu năm 2014 tới nay đã giảm đáng kể, từ thời điểm “đỉnh” lên tới 7 triệu đồng/lượng, thì nay đã rút về chỉ còn gần 2 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm rút về còn 1,3 triệu đồng/lượng. Đây là tín hiệu mừng, và cũng là thời cơ để Ngân hàng Nhà nước tính tới chuyện cấp lại quota cho các doanh nghiệp đủ điều kiện”- TS. Hiếu nói.
Theo ông, việc cấp lại quota nhập khẩu vàng cho một số DN lớn đủ điều kiện là giải pháp để Ngân hàng Nhà nước chuyển giao vai trò nhà cung cấp vàng sang “tay” các DN. “Số DN được cấp quota sẽ nhập khẩu, mua vàng nước ngoài và cung cấp cho thị trường, họ sẽ dần thay thế vai trò cung ứng vàng trong nước của Ngân hàng Nhà nước”- ông Hiếu nêu quan điểm.
Về khả năng cấp lại quota nhập khẩu vàng cho DN, chia sẻ với Infonet, ông Lưu Quang Điền – Nguyên Phó Tổng giám đốc, Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Hà Nội nhận định, việc cấp lại quota nhập khẩu vàng trước sau gì Ngân hàng Nhà nước cũng tính tới. Nhưng, theo ông không nên “mở toang” cánh cửa cấp quota nhập khẩu vàng, mà chỉ nên cấp quota nhập khẩu vàng để sản xuất nữ trang, còn vàng miếng vẫn phải nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
“Ngân hàng Nhà nước nên mở lại việc cấp quota nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang, bởi nhu cầu vàng dành cho sản xuất trang sức là có thực, khối lượng cầu cũng không quá lớn, chỉ chiếm 10-12% tổng nhu cầu vàng”. Điều kiện bắt buộc để DN được cấp phép, là DN nữ trang phải có giấy tờ đầy đủ về việc mua vàng để sản xuất nữ trang, nhằm tránh trường hợp DN vay tiền mua vàng miếng phục vụ kinh doanh, vốn không được khuyến khích.
Thực tế, kiến nghị xin mở quota nhập khẩu nguyên liệu vàng sản xuất nữ trang đã được các DN gửi lên Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm 2013, nhưng tới nay vẫn chưa nhận được sự “gật đầu” từ phía cơ quan quản lý. Sự cân nhắc và thận trọng của nhà điều hành là điều dễ hiểu, bởi thời gian đó thị trường vàng chứa đựng nhiều bất ổn và Ngân hàng Nhà nước còn đang tập trung “dẹp loạn”. Ở thời điểm này, một lần nữa việc cấp quota cho DN nhập khẩu vàng một lần nữa lại được “khơi” lên.