Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về 10 triệu tỉ đồng để tái cơ cấu kinh tế

Sự kiện: Thời sự

Trong phiên giải trình trước Quốc hội chiều 3.11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nguồn lực 10,5 triệu tỉ đồng là mục tiêu cần đạt được để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt từ 6,5%-7%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về 10 triệu tỉ đồng để tái cơ cấu kinh tế - 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

“Để đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 6,5%-7% với hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) dự kiến là 5-5,5 thì cần tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 32%-34% GDP, tương đương 9-10 triệu tỉ đồng. Như vậy, đặt mục tiêu phấn đấu 10,5 triệu tỉ đồng để quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ, quyết liệt hơn” – Bộ trưởng Dũng nói.

Ông cũng cho biết thêm kế hoạch tái cơ cấu kinh tế dự kiến cơ cấu lại tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn nhà nước, trong đó có ngân sách nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài Nhà nước, nhất là đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước.

Cụ thể, vốn nhà nước dự kiến sẽ giảm từ 39,1% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 31% - 34% trong giai đoạn 2016-2020. Còn vốn của khu vực tư nhân trong nước dự kiến sẽ tăng từ 38,3% đến 45%, 48% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Tuy nhiên, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nếu chỉ dựa vào số lượng nguồn lực là chưa đủ, điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả nguồn lực, trước hết là nguồn lực nhà nước. Theo đó, phải đẩy nhanh xử lý nợ xấu và áp dụng biện pháp kiên quyết đối với các ngân hàng thương mại yếu kém; cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp một cách thực chất; hoàn thiện thể chế đầu tư công; quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách nhà nước.

Quan trọng hơn là phải cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân và tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất, trong đó tập trung thị trường vốn, quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, những giải pháp quyết liệt để thực hiện tái cơ cấu kinh tế có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của một số bộ, ngành, địa phương.. Do đó, nguy cơ bị trì hoãn hoặc thực hiện không nhất quán, không quyết liệt, không thực chất là rất lớn. Điều này dẫn đến việc quá trình tái cơ cấu kinh tế bị chậm lại.

“Sự liên kết giữa các ngành, các địa phương cần phải hiệu quả hơn, tránh cát cứ, chia cắt. Lãnh đạo các ngành, cấp cần vượt qua chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, tận dụng cơ hội biến khó khăn thách thức thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn thì quá trình tái cơ cấu kinh tế mới có thể thành công", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng lưu ý, trong tái cơ cấu nền kinh tế cần tập trung vào các giải pháp tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là hiệu quả đầu tư, tạo niềm tin để khu vực tư nhân, khu vực FDI tự tham gia, mở rộng đầu tư, làm cho tổng vốn đầu tư tăng lên. 

Trước đó, trả lời báo chí, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, con số 10 triệu tỉ không phải là con số thể hiện nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế mà là con số thể hiện tổng đầu tư xã hội dự tính có thể huy động được trong giai đoạn 2016 – 2020. Còn tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng thì trọng tâm của nó không phải là huy động nguồn lực mà phân bổ lại nguồn lực để sử dụng hợp  lý hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

“Đặc biệt, cần chú trọng hiệu quả đầu tư, năng suất lao động và nâng cao hiệu quả đóng góp các nhân tố vào tăng trưởng GDP. Việc phân bố nguồn lực này cũng không phải theo cơ chế xin cho mà phân bổ bởi thị trường và theo cơ chế thị trường” – ông Cung nhấn mạnh.

Theo ông Cung, tái cơ cấu kinh tế nằm ở cải cách kinh tế và đặc biệt là cải cách thiết lập cơ chế kinh tế thị trường vận hành tốt hơn, đặc biệt là thị trường các nhân tố sản xuất như vốn, lao động, đất đai, khoa học công nghệ…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Long (Một thế giới)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN