“BĐS chết lâm sàng thì làm sao cứu nổi”
“Bệnh của thị trường bất động sản hiện nay nặng lắm rồi, nếu để nó chết lâm sàng thì làm sao mà cứu nổi”. Quan điểm trên được Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Trần Bắc Hà đưa ra tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng cuối tuần qua.
“Không nên quản lý tín dụng bất động sản nữa”
Theo ông Hà, trong mấy năm qua, bất động sản luôn được coi là “tội đồ”, tác nhân gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Đi tới đâu cũng thấy dư luận, xã hội lên án tình trạng khó khăn hiện nay là do bong bóng bất động sản gây nên. Vì vậy, để hạn chế sự phát triển của thị trường này, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái “siết room tín dụng” cho bất động sản ở mức 16%. Tất cả các dự án bất động sản đều bị thanh tra, kiểm soát rất chặt chẽ.
Sau khi bị siết tín dụng, gần 2 năm nay, thị trường bất động sản đã đóng băng cục bộ và được ví là “cục máu đông” gây tắc nghẽn sự tăng trưởng, phát triển cả nền kinh tế, nợ xấu trong lĩnh vực này hiện ở mức cao.
Nếu như trước đây xem bất động sản như là ‘tội đồ’ thì giờ cần xem như các đối tượng chính sách. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV |
Theo Chủ tịch BIDV, nợ xấu đang là vấn đề nghiêm trọng, khoảng 12 tỷ USD, xấp xỉ 10% GDP của cả nước. Thế nhưng, khi bị Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng, thị trường bất động sản gần như tê liệt.
“Chính phủ, các bộ ngành cần phải có giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Nếu như trước đây xem bất động sản như là ‘tội đồ’ thì giờ cần xem như các đối tượng chính sách”, ông Hà ví von.
Cũng theo ông Hà, “bệnh của thị trường bất động sản hiện nay nặng lắm rồi, nếu để nó chết lâm sàng thì làm sao có thể cứu nổi”.
Trong mấy năm qua, bất động sản luôn được coi là “tội đồ”, tác nhân gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế.
Để giải quyết khó khăn cho thị trường, Chủ tịch BIDV cho rằng, cần phải tập trung vào phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội. Bởi lẽ, lâu nay nói nhiều về chính sách nhà ở nhưng lại chưa có cơ chế cụ thể.
Hơn nữa, lâu nay nói tới bất động sản dường như chỉ nói đến các khu đô thị lớn, các dự án lớn, còn người dân cần nhà vừa phải rất nhiều lại không được quan tâm đúng mức. Ông Hà cho rằng, chúng ta còn một bộ phận người nghèo rất lớn nên phải nghĩ đến họ. Đó cũng là một cách để giải cứu thị trường hiệu quả vào lúc này.
Còn đối với lĩnh vực ngân hàng, ông Hà cho biết, dư nợ toàn nền kinh tế hiện khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, mỗi tổ chức tín dụng chỉ cần bỏ ra 3% (gần 100 nghìn tỷ) thì sẽ có 5,6 triệu căn hộ cho người nghèo.
“Các ngân hàng hiện nay đều nói rằng, chính sách cho vay gần như nhau, vậy làm sao để khách hàng tiếp cận được? Vậy nên chỉ có cách giảm lãi suất. Nếu dưới 6% thì ai cũng chấp nhận được”, ông Hà nói.
Đối với giải pháp cụ thể, lãnh đạo BIDV đưa ra hai phương án: trình Quốc hội chấp nhận để khấu trừ vào thuế của doanh nghiệp khoảng 5%. Cùng với đó là do hiện nay các nhà thầu, doanh nghiệp đều vướng nợ xấu nên không thể cho vay mới được. Do đó, Chính phủ cần cho khoanh nợ xấu để cấp tín dụng mới.
Đặc biệt, theo ông Hà, Ngân hàng Nhà nước “không nên quản lý tín dụng bất động sản nữa, không nên giới hạn room đối với lĩnh vực này, thay vào đó là cho vay rộng rãi hơn đối với bất động sản”.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương phải dùng ngân sách để mua khoảng 30% quỹ nhà ở xã hội tại địa phương đó để cấp cho các đối tượng chính sách, khó khăn.
Ông Hà cũng cho biết, sắp tới BIDV sẽ trình Chính phủ đề án Công ty Cho vay nhà ở xã hội quốc gia do BIDV khởi xướng. Công ty này sẽ hoạt động theo phương thức không dùng ngân sách nhà nước mà do các ngân hàng thương mại cùng góp vốn.
Cần phải cơ cấu lại các dự án để “cứu”
Nói về tình hình thị trường bất động sản hiện nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thị trường đóng băng sau thời kỳ phát triển cao trào, chạy theo nhu cầu ảo. Một thời gian dài, cứ có đất là quy hoạch làm dự án nhà ở, đầu tư tự phát, làm theo phong trào…
Tháo “ngòi nổ” bất động sản hiện nay đang là vấn đề cấp bách và phải như “cứu hỏa”
Hiện nay dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến tín dụng, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy “tháo ngòi nổ” bất động sản hiện nay đang là vấn đề cấp bách và phải như “cứu hỏa”.
Theo Bộ trưởng Dũng, cần phải cơ cấu lại các dự án để “cứu”, nhưng làm theo cách nhân văn là làm nhà ở cho người nghèo mà doanh nghiệp vẫn có lãi. Làm nhà xã hội chính là một gói kích cầu đa mục đích mà cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước đều có lợi. Người dân thì có nhà, doanh nghiệp thì có việc làm, thu nhập, thị trường bất động sản phát triển sẽ làm cho nền kinh tế sôi động, kích thích tiêu dùng.
“Chưa bao giờ Quốc hội, Chính phủ lại quan tâm đến thị trường bất động sản như hiện nay. Không chỉ Bộ Xây dựng, mà cả Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đều đã vào cuộc rất tích cực, quyết liệt thực hiện hàng loạt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.
Được biết, vào giữa tuần tới, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có buổi làm việc trực tiếp với UBND thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn để bàn giải pháp, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay.