Bầu Đức đối mặt tổ chức “khủng” thế nào?

Global Witness, tổ chức được tài trợ chính bởi tỷ phú George Soros, đã làm mất lòng không ít chính phủ các nước phát triển trong 20 năm hoạt động.

Hồi đầu tháng, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trở thành đối tượng chính trong một báo cáo của tổ chức Global Witness (Nhân chứng toàn cầu). Theo báo cáo, tập đoàn đa ngành với hàng vạn hecta cao su ở Lào và Campuchia này bị cáo buộc đưa hối lộ, lợi dụng quan chức tham nhũng để chiếm đoạt đất của dân và khai thác gỗ bất hợp pháp.

Trước những thông tin về HAGL do Global Witness đưa ra, Bầu Đức khẳng định tất cả đều bịa đặt và sẵn sàng cung cấp bằng chứng cụ thể. Trong phản ứng mới nhất từ phía HAGL, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cáo buộc Global Witness “tìm cơ hội quảng bá tên tuổi” và “xin tài trợ”.

HAGL đang phải đối mặt với một tổ chức có tầm vóc không hề nhỏ do tỷ phú George Soros đứng sau hậu thuẫn.

Bầu Đức đối mặt tổ chức “khủng” thế nào? - 1

Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - ông Đoàn Nguyên Đức (Ảnh: TTO).

Thông qua quỹ Open Society Foundations, năm 2012, tỷ phú George Soros đóng góp 40% ngân sách cho Global Witness. Nhiều cơ quan của chính phủ các nước Anh, Thụy Điển, Nauy, Hà Lan và Ailen góp 38% nữa và các nhà tài trợ khác góp 22% còn lại. Alexander Soros, con trai thứ tư của George Soros, hiện là thành viên hội đồng quản trị của Global Witness. 80% ngân sách hoạt động của Global Witness do George Soros cùng chính phủ các nước Anh, Thụy Điển, Hà Lan, Nauy và Ailen đóng góp.

Global Witness thành lập năm 1993 tại Washington. Đây là tổ chức phi chính phủ chuyên điều tra và ngăn chặn xung đột liên quan tới vấn đề tài nguyên thiên nhiên, tham nhũng và nhân quyền.

Từ những cuộc điều tra bí mật của mình, tổ chức này đã tố cáo và đối đầu với nhiều quốc gia về những vấn đề vi phạm.Giai đoạn 1998-2003, Global Witness tiến hành cuộc điều tra nhắm tới cuộc chiến giành quyền kiểm soát ngành khai thác kim cương ở Angola, Sierra Leone và Liberia (còn gọi là “kim cương máu”), góp phần khiến Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết cấm vận kim cương Liberia.

Năm 2009, điều tra viên cao cấp Anthea Lawson của Global Witness đã ra điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Hoa Kỳ về vai trò của hệ thống ngân hàng đối với tệ tham nhũng.

Hồi đầu tháng 4 vừa qua, tổ chức Global Witness cũng yêu cầu Nhóm các nước phát triển G8 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Canada và Nga) G8 minh bạch hơn về vấn đề quyền sở hữu công ty.

Global Witness đã kêu gọi G8 công khai các hồ sơ thuế ở nước ngoài và tên của các chủ sở hữu công ty, để giúp giảm bớt tham nhũng.

Phát ngôn viên của tổ chức Global Witness là Stuart McWilliam cho hay: "Quyền sở hữu của công ty ẩn danh (công ty ma) cho phép họ tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước và có những giao dịch không minh bạch. Điều này có thể trực tiếp làm cạn kiệt ngân sách nhà nước và làm cho các quốc gia ngày càng nghèo hơn. Từ đó, những kẻ buôn vũ khí, ma túy, và các chính trị gia tham nhũng sử dụng tất cả “công ty ma” này làm vỏ bọc để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp của họ”.

"Bằng cách công khai tên tuổi các chủ sở hữu của tất cả các công ty, các nhà lãnh đạo G8 đã góp phần thúc đẩy rất lớn trong cuộc chiến giảm bớt tham nhũng và tội phạm tài chính toàn cầu. Đồng thời, việc này cũng giúp phát triển nền kinh tế toàn thế giới. Không có lý do gì để họ không hành động", McWilliam khẳng định. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Thảo (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN