Bất động sản: Nở rộ hình thức hàng đổi hàng
Thiếu vốn, nhiều dự án bất động sản không thể hoàn thiện, doanh nghiệp cung ứng vật liệu thì tồn kho ... Thực tế khó khăn này khiến một hình thức liên kết mới mở ra, là hai đơn vị đổi sản phẩm cho nhau.
Thị trường bất động sản trầm lắng cùng với xu hướng cắt giảm đầu tư công và những khó khăn của nền kinh tế đã đẩy khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản lên đến đỉnh điểm.
Thay vì ngồi chờ đợi các Bộ ban ngành có giải pháp hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp năng động đã liên kết theo hình thức hàng đổi hàng. Có nghĩa, doanh nghiệp bán vật tư, vật liệu xây dựng sẽ không nhận tiền mặt của các chủ đầu tư dự án mà thay vào đó nhận căn hộ. Đây là giải pháp tình thế hữu ích trong bối cảnh tài chính khó khăn, dòng tiền eo hẹp như hiện nay.
Tại Hà Nội, hiện đang có hàng chục dự án chung cư đang trong tình trạng đắp chiếu hoặc thi công cầm chừng do chủ đầu tư thiếu vốn.
Tại Hà Nội, hiện đang có hàng chục dự án chung cư đang trong tình trạng đắp chiếu hoặc thi công cầm chừng do chủ đầu tư thiếu vốn. Trong khi việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng là điều không tưởng nhiều chủ đầu tư đã xoay sở hình thức hàng đổi hàng.
Chủ đầu tư dự án chung cư trên đường Lê Văn Lương, Hà Đông cho biết, doanh nghiệp này vừa ký hợp đồng theo hình thức hàng đổi hàng. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất thép cam kết cung ứng thép cho công trình. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ nhận căn hộ tương ứng với giá trị số thép.
“Hình thức này lợi cho cả hai bên, chủ đầu tư có nguồn lực thi công, nhà cung cấp vật tư cũng tiêu thụ được sản phẩm. Trong lúc này, chúng ta không nên nói có lợi nhuận hay không mà việc cần làm là cùng nhau vượt cạn” vị này cho biết.
Ông Đào Tiến Dũng - Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư Hải Phát: Lúc này, việc vay vốn đối với doanh nghiệp rất khó nhưng vẫn phát triển được bằng hình thức hàng đổi hàng. Các nhà cung cấp vật tư, không có tiền nhưng có sản phẩm là gạch ngói, xi măng, sắt thép... Khi liên kết với nhau, doanh nghiệp bất động sản sẽ trả họ bằng sản phẩm m2 sàn nhà.
Tuy nhiên, không phải nhà cung cấp vật liệu xây dựng nào cũng dám tham gia cuộc chơi hàng đổi hàng bởi đây là cuộc chơi may rủi. Sản phẩm bất động sản đắt quá thì sẽ không có thanh khoản vì vậy không thể đàm phán với nhà thầu.
Câu chuyện vẫn là giải quyết hàng tồn kho, tồn kho gạch giờ đổi lại là tồn kho căn hộ. Gạch không bán cho công trình này thì bán cho công trình khác chứ căn hộ mà đắt quá thì lại không nhiều người mua.
Đứng ở góc độ các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần có dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, chi trả lương cho người lao động, chi trả tiền mua nguyên vật liệu từ nhà cung cấp. Vậy nếu doanh nghiệp bán vật liệu xây dựng xong nhận lại m2 sàn xây dựng thì sẽ ảnh hưởng tới dòng tiền mặt, ảnh hưởng dòng tài chính. Do đó, giải pháp này chỉ thực hiện được trong trường hợp doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng đang có lượng tiền mặt đủ lớn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng thực tế, phần lớn doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng lại đang gặp khó khăn về tài chính do lượng hàng tồn kho quá lớn.
Ông Đặng Việt Lê - Chủ tịch HĐQT Công ty CP gạch Khang Minh cho rằng, giải pháp này nếu có nó chỉ đem lại lợi ích cho chủ đầu tư bất động sản mà thôi chứ không đem lại lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Và nếu có thực hiện được thì cũng chỉ là nhất thời.
Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng cho rằng mỗi người một nghề. Với việc thiếu kinh nghiệm trong quản lý, kinh doanh bất động sản thì việc nhận m2 sàn nhà sẽ lại là một thách thức cho họ.