Bán rong bất động sản
Thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục trầm lắng, lượng hàng tồn kho tăng cao, các chủ đầu tư, nhà đầu tư BĐS lại tiếp tung đủ các “chiêu” để lôi kéo khách hàng, nhưng thực tế không mấy khả quan.
Hết "lên voi"...
Nếu như khi thị trường sôi động, các chủ đầu tư, nhà đầu tư tiếp thị sang trọng trên các phương tiện truyền thông như báo chí truyền hình, tổ chức các sự kiện bán hàng..., thì giờ đây nhiều Cty BĐS đã tự in băng rôn treo trên các tuyến đường phố, cho nhân viên đến các ngã tư, siêu thị, thậm chí đến từng nhà dân để phát tờ rơi giới thiệu về dự án. Người đi đường có thể thấy một số tuyến đường tại Đà Nẵng những mẩu quảng cáo bán đất nền được treo trên cây, góc đường, vỉa hè tại các ngã tư hoặc dán đầy trên tường, cột điện với nhiều nội dung hấp dẫn như: “Cơ hội an cư - đầu tư BĐS sản chỉ 145 triệu đồng/lô, mua sớm để có vị trí đẹp”; “Căn hộ trung tâm giá 1,2 tỷ đồng, hỗ trợ vay vốn - thuê lại 18 triệu đồng/tháng”; “Nhanh tay sở hữu ngay khu đô thị đẹp nhất Đà Nẵng”... BĐS cả trăm, cả tỷ đồng nhưng hiện nay được rao bán khắp “đầu đường cuối chợ” và hiệu quả chưa biết thế nào, nhưng cách quảng cáo này đã ảnh hưởng không nhỏ tới mỹ quan đô thị.
Bán rong BĐS nay không còn là chuyện lạ, thị trường trầm lắng, nguồn cung tăng, DN và nhà đầu tư buộc phải tìm mọi cách để tiếp thị và bán sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, BĐS còn được rao bán bằng các tin nhắn vào điện thoại cá nhân. Hiện nay một số thuê bao điện thoại luôn nhận được tin nhắn từ các chủ đầu tư hoặc “cò” đất với đủ các chiêu thức dụ khách và khuyến mại hấp dẫn “như cơ hội trúng thưởng lớn”, “giảm giá khi đặt cọc mua nhà”, cơ hội cuối cùng sở hữu đất nền với giá chỉ từ 150 triệu đồng cho khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc”... Tuy nhiên, điều đáng nói là phần lớn những lời quảng cáo “có cánh” này đều không có thực, mà vấn đề là nó chỉ được tung ra để thu hút khách hàng quan tâm đến DA.
Ngoài ra, một số Cty BĐS thuê mặt bằng quán cà-phê, hay mặt bằng siêu thị vào các ngày cuối tuần để giới thiệu và chào bán sản phẩm DA như tại cà-phê Memory, Siêu thị BigC...
Ggiờ vẫn chưa thấy "đáy"!
Nhìn nhận tương lai của BĐS, ông Võ Minh - Giám đốc NHNN TP Đà Nẵng cho rằng, chính chủ đầu tư, nhà đầu tư BĐS đã tự tay trói họ khi một thời gian đẩy giá lên quá cao so với khả năng chi trả của người có nhu cầu thực. Hiện giá BĐS Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung đã giảm đến 30-40%, tương đương cả triệu đồng/m2, nhưng vẫn còn cao so với giá trị thực cũng như nhu cầu của khách hàng. Cũng theo ông Minh, sự suy giảm của thị trường BĐS là do ảnh hưởng suy giảm chung của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các NHTM chạy đua cấp tín dụng ra thị trường BĐS quá dễ dãi, tràn lan trong một thời gian dài nên các chủ đầu tư dễ dàng vay được lượng tiền lớn để triển khai DA mà không tính đến nhu cầu thực tế của thị trường. Từ đó, thị trường bão hòa, tới một giai đoạn nào đó các chủ đầu tư sẽ mất khả năng trả nợ. Hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng, tỷ lệ nợ xấu chiếm 4,53% tương đương 2.197 tỷ đồng chủ yếu là nợ xấu trong lĩnh vực cho vay BĐS. Dưới sức ép của các khoản nợ NH, nhiều chủ đầu tư, nhà đầu tư BĐS đang như ngồi trên lửa khi các khoản vay đã đến hạn, bị NH đốc thúc, xiết nợ nên chủ đầu tư, nhà đầu tư BĐS tính chuyện tiếp tục công khai giảm giá BĐS vừa để kích cầu vừa để có tiền trả nợ. Cụ thể, giá đất nền DA ở những KĐT mới vùng ven Đà Nẵng như Nam Cẩm Lệ, Golden Hills, Làng ĐH Đà Nẵng... đang có xu hướng giảm giá tiếp. Theo nhận định giới kinh doanh BĐS Đà Nẵng thì xu hướng giảm giá từ nay đến năm 2013 là vẫn tiếp diễn và thị trường ở trong giai đoạn thanh khoản thấp. Nhiều nhà đầu tư, người dân có nhu cầu vẫn đang “nhòm ngó” thị trường rất sát sao để có thể bắt đáy.
Lãnh đạo một DN BĐS tại Đà Nẵng cho hay, cứ một ngày trôi qua, DA của ông bị mất số tiền tương đương 1 lô đất để trả lãi. Như vậy, chỉ cần 1 năm, lợi nhuận của DA đã bị ăn mòn hết nên buộc phải giảm giá để bán thu hồi vốn. Ông cũng nhận định thêm, thời gian tới, sẽ có thêm hàng loạt DN BĐS khác phải tiếp tục giảm giá nhằm kiềm chế khối “bom” tồn kho đang muốn phát nổ...