Bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng có nhiều thay đổi

Thị trường bắt đầu đón nhận thông tin về kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại trong năm 2018. Đây được xem là một chỉ dấu để phân định thứ hạng cao thấp giữa các nhà băng.

Theo ước tính Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2018 tăng khoảng 40% so với 2017. Trong khi một số ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu đạt được con số lợi nhuận vượt xa mọi kỳ vọng thì cũng có “ông lớn” rơi khỏi top đầu.

Vietcombank trở thành ngân hàng dẫn đầu toàn ngành về lợi nhuận trước thuế lên tới khoảng 18.300 tỷ đồng, ước tăng trưởng tới 62% so với năm 2017.

Lợi nhuận trước thuế của Techcombank được dự báo sẽ cán mốc 10.000 tỷ đồng và cũng là ngân hàng tư nhân đầu tiên đạt được con số này. Còn HDBank dự kiến cũng đã vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm 2018, với tăng trưởng dự kiến đạt trên 60%...

Trong khi đó, “ông lớn” VietinBank bất ngờ rời khỏi nhóm 5 nhà băng có lợi nhuận cao nhất với lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt hơn 6.800 tỷ đồng, vượt 2% so với kế hoạch điều chỉnh nhưng giảm mạnh so với kết quả 9.200 tỷ năm 2017. Theo HSC, tăng trưởng tín dụng cả năm của VietinBank sẽ chỉ ở mức 9% và tăng trưởng huy động khách hàng khoảng 10%.

Bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng có nhiều thay đổi - 1

Theo báo cáo tài chính kết thúc năm 2018, VIB tiếp tục có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.741 tỷ, tăng 95% so với năm 2017 và vượt 37% so với kế hoạch giao từ đầu năm. Đây là năm thứ 2 liên tiếp lợi nhuận của VIB tăng trưởng xấp xỉ 100%/năm. Doanh thu của ngân hàng tăng trưởng 48% so với năm trước, thu nhập ngoài lãi tăng trưởng nhanh nhờ việc đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu.

Mảng ngân hàng bán lẻ tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của VIB, với doanh thu bán lẻ tăng 90% so với năm 2017. Chi phí dự phòng đạt 661 tỷ, tăng 73% so với năm 2017. Nguyên nhân chính là VIB đã mua về toàn bộ các khoản VAMC, lập dự phòng và xử lý phần lớn các khoản nợ này ra khỏi bảng tổng kết tài sản.

Ngay như ngân hàng CB sau hơn 3 năm được Ngân hàng Nhà nước mua lại, hơn ba năm thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank, CB đã và đang trở lại các hoạt động thị trường.  

Tính đến cuối năm ngoái, CB đạt huy động vốn thị trường 1 gần 29.000 tỷ đồng, tăng trên 3.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2017. Dư nợ tín dụng tiếp tục tăng trưởng tích cực so với năm 2017. Công tác kinh doanh vốn bước đầu đã gặt hái được những thành công nhất định mang lại thu nhập cho nhà băng.

Đối với nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng là thu hồi nợ được tập trung triển khai, có giải pháp phù hợp với từng món nợ nhằm thu hồi nợ hiệu quả nhất ngay sau khi có các phán quyết của tòa.

Đến thời điểm 31-12-2018, theo các bản án đã có hiệu lực hiện đang thi hành thì CB đang có quyền thu hồi nợ gần 40.000 tỷ đồng với các nhóm nợ lớn đã có phán quyết. Năm 2019, CB tiếp tục tập trung thu hồi những khoản nợ lớn, đẩy mạnh tín dụng bán lẻ và quản lý hiệu quả chi phí hoạt động gắn liền với kết quả kinh doanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Linh ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN