8 công ty làm ăn "thất bát" nhất thập kỷ qua
AIG thua lỗ tới 99,3 tỷ USD, con số lớn gấp 3 đến 4 lần khoản lỗ của các ngân hàng thương mại lớn trên thế giới, AOL lỗ 98,7 tỷ USD, tương đương với tổng sản phẩm quốc nội hằng năm của Ireland và còn rất nhiều công ty lớn làm ăn thất bát trong suốt thập kỷ qua.
1. AIG: thua lỗ 99,3 tỷ USD năm 2008
AIG (American International Group), tập đoàn hàng đầu thế giới về bảo hiểm và dịch vụ tài chính, là tổ chức bảo hiểm quốc tế hàng đầu hoạt động trên hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2008, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, AIG đã có 1 năm làm ăn “thất bát” nhất trong lịch sử kinh doanh với khoản lỗ lên tới 99,3 tỷ USD. Theo Le Monde, con số thua lỗ của AIG lớn hơn gấp 3 đến 4 lần bất cứ ngân hàng thương mại nào trên thế giới. Trong khi đó, năm 2007, thu nhập ròng của công ty chỉ là 6,2 tỷ USD.
Nguyên nhân thua lỗ được đưa ra là do thị trường tín dụng khủng hoảng, chi phí tái cơ cấu, chi phí kế toán, tín dụng tăng cao… Trước tình thế đó, chính phủ Mỹ bắt đầu tiếp quản AIG với gói cứu trợ có qui mô 182,3 tỷ USD để giúp kinh tế thế giới thoát khỏi tình trạng sụp đổ. Kể từ đó đến nay, AIG cũng đã bán đi hơn 65 tỷ USD tài sản để trả nợ. Đến ngày 11/12/2012, chương trình giải cứu tập đoàn bảo hiểm AIG chính thức kết thúc. Giá cổ phiếu AIG tăng đã giúp công ty này thoát khỏi cơn hiểm nghèo và 92% cổ phần của AIG thuộc về chính phủ. 2.AOL: thua lỗ 98,7 tỷ USD (2002)
2. AOL (America Online) là một công ty cung cấp dịch vụ Internet toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Chỉ 1 năm sau khi sáp nhập với Time Warner, năm 2002, tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới đã khiến báo chí tốn không ít giấy mực khi thông báo thua lỗ 98,7 tỷ USD, tương đương với tổng sản phẩm quốc nội hằng năm của Ireland. Con số thua lỗ năm 2001 là 4,93 tỷ USD. Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thua lỗ của AIG là do không có sự trù tính cẩn thận trước khi sáp nhập.
Vào thời gian AOL và Time Warner hợp nhất, giá cổ phiếu của AOL tăng cao do sự bùng nổ của các công ty dot com. Tuy nhiên, sau khi bong bóng Internet xẹp, giá cổ phiếu của hãng này đã giảm rất mạnh (cổ phiếu AOL Time Warner mất hơn 70% giá trị so với thời điểm trước khi sáp nhập). Đến tháng 12/2009, AOL và Time Warner chính thức “ly thân”, AOL hoạt động độc lập. Hiện nay, tình hình hoạt động và tài chính của AOL ổn định hơn. Năm 2012, AOL cho biết đã bán được hơn 800 bằng sáng chế liên quan đến quảng cáo, tìm kiếm, thương mại điện tử… giúp cho giá cổ phiếu tăng hơn 40%. Theo báo cáo tài chính, bắt đầu từ Quý III năm 2012, tổng doanh thu của AOL đã khôi phục ổn định và bắt đầu tăng lên.
3. Fannie Mae: thua lỗ 59,8 tỷ USD (2008); 74,4 tỷ USD (2009)
Federal National Mortgage Association (Quỹ Thế chấp Nhà ở Quốc gia Liên bang), viết tắt là FNMA, còn được gọi là Fannie Mae, là một công ty đại chúng và là một tổ chức tài chính của Hoa Kỳ chuyên mua và chứng khoán hóa các khoản thế chấp nhằm đảm bảo về tài chính cho tổ chức tài chính cho người dân vay tiền để mua nhà ở.
Chịu chung hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, “đại gia” cho vay thế chấp của Mỹ thiệt hại 58,7 tỷ USD do thua lỗ, con số cao gấp 27 lần so với năm 2007. Do những khó khăn gặp phải năm 2008 cùng khoản lỗ lớn 59,8 tỷ USD, Fannie Mae tiếp tục thua lỗ vào năm 2009. Công ty này đã chịu khoản lỗ kỷ lục lên tới 74,4 tỷ USD. Trước tình hình đó, chính phủ Mỹ buộc phải chi ra các khoản viện trợ nhằm cứu sống Fannie Mae. Sau khi được chính phủ Mỹ giải cứu, cùng sự phục hồi kinh tế Mỹ, tháng 12/2013, Fannie Mae được Bloomberg tổng kết là công ty có cổ phiếu vốn hóa tốt nhất nước Mỹ.
4. JDS Uniphase: thua lỗ 56,1 tỷ USD (2001)
JDS Uniphase là một công ty chuyên sản xuất thiết bị viễn thông, có trụ sở chính tại Milpitas, bang California, Hoa Kỳ. Cũng như đa phần các công ty kỹ thuật, JDS Uniphase “phất” lên nhanh chóng ngay sau khi thành lập nhờ nắm giữ được các chứng khoán có giá trị cao.
Tuy nhiên, năm 2001, do thất bại từ hoạt động mua lại và sáp nhập, công ty đã công bố con số thua lỗ lên tới 56,1 tỷ USD, lớn gấp 10 lần doanh thu của công ty từ khi thành lập.
5. Freddie Mac: thua lỗ 50,8 tỷ USD (2008)
Cùng với Fannie Mae , “đại gia” cho vay thế chấp lớn thứ 2 của Mỹ - Freddie Mac (được thành lập năm 1970) cũng không thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Theo các số liệu thông cáo báo chí, gã khổng lồ Freddie Mac đã phải gánh chịu khoản lỗ lên tới 50,8 tỷ USD và 25,7 tỷ USD trong năm 2009. Đây là một con số thua lỗ nghiêm trọng, khiến chính phủ Mỹ “đau đầu” vì lo viện trợ.
6. Qwest Communications: thua lỗ 35.9 tỷ USD (2002)
Qwest Communications International Inc., hãng viễn thông hàng đầu nước Mỹ có trụ sở chính đặt tại bang Minnesota. Năm 2001 được coi là 1 năm “thắt lung buộc bụng” đầy khó khan khi công ty phải đối mặt với khoản thua lỗ 4,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, con số này chưa là gì so với khoản thua lỗ lên tới 35,9 tỷ USD vào năm 2002. Khoản lỗ lớn này đã chính thức ghi tên Qwest Communications vào danh sách 8 công ty làm ăn thất bát nhất những năm gần đây. Và đến tháng 4 năm 2011, Qwest sáp nhập với CenturyLink trong một thương vụ trị giá 12,2 tỷ USD tính bằng cổ phiếu, đánh dấu một bước ngoặt mới cho hãng viễn thông này.
7. Royal Bank of Scotland (RBS): thua lỗ 34,2 tỷ USD (2008)
Royal Bank of Scotland (RBS), ngân hàng hoàng gia Scotland từ lâu đã trở thành một trong những đế chế tài chính có vị trí vững chắc trong nền tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, ông hoàng này cũng không thể thoát được ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Chỉ trong 1 năm, RBS đã công bố khoản lỗ lên tới 34,2 tỷ USD.
Đây được coi là một trong những khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử kinh doanh của các doanh nghiệp Anh. RBS hiện là ngân hàng yếu kém thứ hai tại Anh và vẫn đang phải khắc phục thua lỗ. Theo Wall Street Journal, RBS đang lên kế hoạch cắt giảm 2.000 việc làm để thu hẹp quy mô mảng ngân hàng đầu tư. Việc cắt giảm sẽ chủ yếu thực hiện trong năm 2014.
8. General Motors: Thua lỗ 23.50 tỷ USD (1992), 38,7 tỷ USD (2007)
GM - cha đẻ của những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Chevrolet, Pontiac, Oldsmobile, Buick và Cadillac … luôn là 1 gã khổng lồ trong ngành sản xuất ô tô được cả thế giới ngưỡng mộ. Ở thời kỳ đỉnh cao, doanh thu của GM luôn tăng trưởng vượt bậc với doanh thu chiếm đến 10% giá trị của cả nền kinh tế Mỹ và hơn 50% thị phần ô tô của nước này.
Năm 1992, GM công bố thua lỗ 23,5\ tỷ USD, trong đó 20,8 tỷ USD chi cho các hoạt động phúc lợi hưu trí, 744 triệu USD lỗ do khoản đầu tư cùng National Car Rental Systems, Inc, và 749 triệu USD chi cho việc cải tổ General Motors Hughes Electronic Corp. Không dừng lại ở đó, đến năm 2007, GM tiếp tục khiến giới tài chính “thót tim” khi công bố khoản nợ với con số lớn hơn - 38,7 tỷ USD.
Theo các báo cáo thống kê, nguyên nhân thua lỗ của GM năm 2007 do các nguyên nhân sau: khủng hoảng kinh tế, thị trường ô tô ảm đạm, tình trạng đình công kéo dài, thuế và tín dụng nhà ở tăng cao … Theo bảng xếp hạng Fortune 500 năm 2013, GM xếp ở vị trí thứ 7. General Motors hiện đang phân phối ôtô du lịch và xe tải tại 6 lục địa trên toàn cầu, trong đó, Chevrolet là nhãn hiệu con bán chạy nhất của tập đoàn này.