2013: Công khai 'sân sau' ngân hàng?

Trong bối cảnh nền kinh tế, DN khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng hệ thống ngân hàng đang tồn tại nhiều bất cập như: nợ xấu tăng cao, DN rất khó tiếp cận nguồn vốn… đặc biệt đang tồn tại những DN "sân sau" ngân hàng. Ông Trương Ngọc Anh – Chánh văn phòng Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng - NHNN đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh nội dung này.

Ông Ngọc Anh cho biết, đến nay NHNN chưa phát hiện trường hợp nào có hoạt động "sân sau" của ngân hàng. Tuy nhiên, qua hoạt động thanh, kiểm tra cho thấy có biểu hiện tập trung vốn thông qua nhiều người để đưa vào một DN. NHNN đang thanh tra, kiểm tra kỹ để có kết luận thỏa đáng, chứ không thể vội vàng đưa ra kết luận DN này, DN kia là "sân sau" của ngân hàng được. Hiện NHNH đang xây dựng đề án về công khai minh bạch để trình Thủ tướng Chính phủ, dự kiến năm 2013 Chính phủ sẽ xem xét phê duyệt…

- Vậy trong khi chờ đợi phê duyệt đề án đó, trong các quy định hiện hành của NHNN có quy định nào có thể kiểm tra hoặc giám sát vấn đề này không, thưa ông?

Thực tế là các quy định hiện hành vẫn còn nhiều bất cập! Do vậy, để kiểm soát được không chỉ căn cứ vào những quy định hiện hành mà đòi hỏi về kỹ thuật, nghiệp vụ của người được giao đi làm công tác thanh tra, kiểm tra.

Trong thực tế, những thông tin mà chúng tôi thu lượm được từ DN A hay DN B có biểu hiện như vậy, thanh tra NHNN đã và đang cho kiểm tra một số DN để xem có hiện tượng đó thực hay không. Tuy nhiên, khi có kết luận của thanh tra, theo quy định của pháp luật về công khai thông tin, sẽ có thông tin được công khai, có thông tin chưa được công khai vì còn liên quan đến các hoạt động sau thanh tra. Bởi nếu DN vi phạm pháp luật ở mức độ hình sự sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để khởi tố và trong quá trình làm việc thì NHNN sẽ công khai thông tin để DN và nhân dân có thể biết được thực trạng hoạt động NH hiện nay.

- Vậy một nguyên nhân của hiện tượng nợ xấu tăng cao có phải là do chính các ngân hàng định giá tài sản đảm bảo cao hơn so với giá trị thực? Để giải quyết vấn đề này cần phải làm gì, thưa ông?

Theo tôi, không phải nợ xấu tăng cao là do định giá tài sản không theo giá trị thực mà do nhiều nguyên nhân khác. Việc định giá tài sản không theo giá trị thực để các DN được vay nhiều hơn phần giá trị thực tài sản của họ để đảm bảo. Vừa rồi đã có thông tin trong tổng số nợ xấu trên 200 ngàn tỉ đồng, có hơn 100 ngàn tỉ đồng là tài sản thế chấp, hơn 70 ngàn tỉ đồng đã trích dự phòng. Như vậy, nếu tính trong hơn 130 ngàn tỉ đồng tài sản đảm bảo, có thể giá trị thực không còn như vậy thì phần thiếu đó các ngân hàng sau khi tính giá trị thực của tài sản với giá trị đảm bảo vay thiếu thì các ngân hàng sẽ tiếp tục trích dự phòng rủi ro và ghi thêm vào chi phí nên lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm đi.

Theo tôi nguyên nhân cơ bản vẫn là tác động từ kinh tế. Chẳng hạn hiện có nhiều DN được ngân hàng mời đến vay cũng không giám vay, vì mang tiền về sản xuất hàng hóa nhưng không bán được, hàng tồn tăng cao. Khi ấy, bản thân DN sẽ “chết” trước rồi ngân hàng sẽ “chết” theo. Đây là vấn đề cốt lõi chứ không phải do định giá.

- Vậy ông lý giải thế nào về việc thời gian vừa qua, NHNN và các NH TMCP đã công bố đưa ra nhiều gói tín dụng để hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên theo phản ánh của phía DN họ vẫn rất khó tiếp cận được các nguồn vốn đó?

Tôi cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn của DN từ ngân hàng phải được bắt nguồn từ cả hai phía. Tức là ngân hàng có nguồn hay không? Và DN có nhu cầu vay vốn nhưng phải đáp ứng được các điều kiện về mặt tài chính theo quy định của pháp luật như thế nào?... Hiện nay ngân hàng đang cho vay theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN, tức là vay tiền phải xử dụng đúng mục đích, ngân hàng phải kiểm tra xem DN đó có đủ điều kiện để vay vốn hay không. Nếu đủ điều kiện rồi cũng phải xem việc sử dụng đồng vốn đó có đúng mục đích hay không… tất cả những yếu tố đó là quan hệ giữa các NHTM với khách hàng.

Do vậy, trong quá trình hoạt động của các DN hiện nay, có nhiều DN “kêu” khó tiếp cận, nhưng thực tế khi tiếp cận DN chúng tôi nhận thấy DN đó lại không đủ điều kiện để vay. Do vậy mà ngân hàng không thể cho họ vay được. Về phía NHNN luôn yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện đúng quy định pháp luật để đảm bảo công bằng và an toàn cho chính họ.

Thời gian qua, người ta nói nhiều tới nợ xấu của NH lên tới hàng chục tỉ USD, mỗi đồng nợ xấu mất đi sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn của hệ thống. Do vậy, NHNN phải quản lý chặt chẽ đồng vốn, còn nếu trong quá trình cho vay, nếu DN đủ điều kiện mà NH không cho vay DN có thể phản ảnh để NHNN sẽ có những biện pháp quyết liệt với các tổ chức tín dụng vi phạm.

- Các DN phản ánh là lãi suất huy động trên thực tế lại đang tăng lên và đã có nơi huy động khoảng 13%/năm. Các DN cho rằng, điều này không minh bạch và sẽ dẫn đến việc lãi suất vay cao trong thời gian tới. Rõ ràng, tín hiệu NHNN phát đi và tín hiệu thị trường đang đi ngược chiều nhau, thưa ông?

Trong quá trình điều hành khi cần thiết Nhà nước vẫn phải thực hiện mệnh lệnh hành chính. Quy định về lãi suất hiện nay chính là mệnh lệnh hành chính. Theo Thông Tư số 30/2011/TT-NHNN ngày 28 /9/2011 mức lãi suất là 9%, cùng với đó có 2 mức, tất cả các khoản huy động dưới 12 tháng, các ngân hàng chỉ được chi trả, mua với giá 9%/năm. Với các kỳ hạn trên 12 tháng tùy theo nhu cầu về vốn và khả năng tài chính của các tổ chức tín dụng có thể quy định mua với mức giá cao hơn nhưng không quá 12%/năm.

Trong thực tế, không phải 9% hay 12% như quy định của NHNN mà thậm chí còn cao hơn. Câu hỏi đặt ra là NHNN có biết hay không? Tôi xin khẳng định đối với các tổ chức tín dụng hiện đang mua mức giá cao hơn NHNN quy định, NHNN có biết nhưng không thể biết hết được. Bởi trong thực tế có 2 kênh thông tin, thứ nhất là thông qua hoạt động giám sát hằng ngày của các chi nhánh NHNN các tỉnh, thành, chúng tôi biết được các NH thương mại huy động vốn với mức lãi suất huy động vào là bao nhiêu. Thứ hai là thông qua các thông tin phản ánh từ các tổ chức tín dụng với nhau. Như vậy là NHNN có biết và chúng tôi đã xử lý. Cụ thể là xử lý về mặt hành chính và nhân sự. Sau đó sẽ không xem xét các đề nghị của chính tổ chức tín dụng đó, về mạng lưới, bổ sung các nội dung hoạt động… Về vấn đề nhân sự, chúng tôi yêu cầu xử lý những cán bộ vi phạm…

- Việc khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn cũng như đầu ra của sản phẩm... khiến nhiều DN phải phá sản. Nhưng nhiều ngân hàng được cho là vẫn có lợi nhuận “khủng”. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Nếu chỉ nhìn vào tỉ suất lợi nhuận trên vốn của hệ thống ngân hàng để so với DN thì đó là một khoản lợi nhuận lớn. Nhưng chúng ta không thể nhìn vào số lợi nhuận thực tế, tức là số tuyệt đối mà các tổ chức tín dụng giải trình để so sánh họ lãi nhiều hay ít. Trong hệ thống ngân hàng, có thể có một vài tổ chức tín dụng có tỉ suất lợi nhuận cao hơn do quản trị rủi ro tốt. Nhưng nếu tính tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của cả hệ thống ngân hàng cho đến thời điểm hiện nay thì lợi nhuận của NH chưa thể nói là cao.

Tôi cho rằng, cần phải tính đến khoản trích lập dự phòng rủi ro mà các ngân hàng phải thực hiện. Gốc lợi nhuận đó là lãi suất, như chúng ta đã biết trong cả năm 2011 và quý 1/2012, chi phí đầu vào của các ngân hàng rất cao. Cụ thể, tính đến phần cho vay, tức lãi suất đầu ra tuy có chênh lệch so với lãi suất đầu vào, nhưng nếu tính cả phần chi phí dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu thì thực tế, mức chênh lệch này chỉ khoảng 2 - 2,5%, trong khi đó để đạt mức hòa vốn thì mức chênh lệch này phải từ 3-3,5%.

- Xin cảm ơn ông! 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN