Việt Nam đứng trước nguy cơ phải “nhập khẩu cô dâu”
Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang tăng dần theo từng năm khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ sẽ dư thừa đàn ông ở độ tuổi lập gia đình trong khoảng 30 năm nữa.
TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết, hiện nay cơ cấu dân số Việt Nam đang “khác thường” so với thế giới. Đó là già hóa dân số quá nhanh và mất cân bằng giới tính sơ sinh nghiêm trọng. Năm 2015, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-64) là 68,4%. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi phụ thuộc khá cao (từ 0-14 tuổi là 24% và trên 65 tuổi là 7,6%).
Giai đoạn già hóa dân số, tức là đi từ già hóa dân số đến dân số già ở các quốc gia khác phải mất đến gần 100 năm, riêng tại Việt Nam, theo tính toán của các chuyên gia, giai đoạn này dự tính chỉ khoảng 18 năm.
Và hiện giờ, Việt Nam chỉ còn 15 năm nữa để bước vào giai đoạn dân số già. Nguyên nhân vấn đề dân số già là do mức sinh hiện nay đang rất thấp, nhất là ở các tỉnh thành phía nam như TP.HCM mức sinh là 1,35 con/cặp vợ chồng độ tuổi sinh đẻ; các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ có mức sinh chỉ là 1,7 con. Mức sinh này thấp hơn mức sinh thay thế (2-2,1 con) rất nhiều.
“Đất nước chúng ta chuyển nhanh từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già nhanh hơn rất nhiều so với các quốc gia khác (như Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Đức…). Trong khi đó, tiềm lực kinh tế của nước họ vượt xa Việt Nam, chất lượng sống, chế độ an sinh xã hội rất tốt. Họ có 100 năm chuẩn bị để đối mặt với dân số già, nước ta chỉ còn 15 năm để chuẩn bị. Gánh nặng về an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi ngay từ bây giờ là rất nặng nề” – TS Lê Cảnh Nhạc nói.
Bên cạnh đó, theo TS Lê Cảnh Nhạc, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã đến mức nghiêm trọng. Ở các quốc gia khác (đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ) đã xuất hiện sự mất cân bằng giới tính trước Việt Nam khoảng 20 năm. Việt Nam xuất hiện sau nhưng gia tăng nhanh và rất khó kiểm soát.
Tình trạng mất cân bằng giới tính đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2006 khi tỷ số giới tính khi sinh là 109 trẻ trai /100 trẻ gái (mức sinh cân bằng là 103-106 trẻ trai/100 trẻ gái). Năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh là 112,8 bé trai/100 bé gái. Thậm chí có địa phương có tỷ lệ chênh lệch trai gái đáng báo động, như Quảng Ninh 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Nếu không kiểm soát được tình trạng này, dự báo đến năm 2049, Việt Nam sẽ dư thừa 12% nam giới trong độ tuổi lập gia đình.
“Nếu không kiểm soát, nhiều năm sau, sự chênh lệch trai gái sẽ ngày càng nghiêm trọng và tác động đến an ninh xã hội, phá vỡ cơ cấu gia đình. Phụ nữ sẽ phải kết hôn sớm, phụ nữ bị bóc lột tình dục, bất bình đẳng giới xuất hiện. Hàng triệu chàng trai đến tuổi trưởng thành sẽ không kiếm được vợ và nguy cơ Việt Nam phải nhập khẩu cô dâu giống tình trạng một số nước trên thế giới” – TS Lê Cảnh Nhạc dự báo.
Ngoài ra, chất lượng dân số thấp cũng là một vấn đề đáng báo động hiện nay. Tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ chiếm tới 1,5% dân số và hằng năm tiếp tục tăng thêm. Việc nâng cao chất lượng dân số bằng các chương trình sàng lọc trước sinh cho phụ nữ, tầm soát và chữa các bệnh cho trẻ sơ sinh, khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc người lao động…là vô cùng quan trọng trong khi nguồn lực kinh tế quốc gia còn hạn hẹp.
Theo Tổng Cục Dân số, trong thời gian tới, để giải quyết các vấn đề về dân số, ngành dân số cần suy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý. Theo đó, các tỉnh thành phố có mức sinh cao (như Nghệ An, Hà Tĩnh, các tỉnh Tây Bắc…) thì cần chỉ đạo giảm sinh, duy trì các tỉnh có mức sinh đạt mức sinh thay thế.
Ở những tỉnh thành có mức sinh thấp, thay vì khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng chỉ nên dừng lại ở 1-2 con, ngành dân số khuyến khích mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con, đảm bảo đến năm 2020, quy mô dân số không quá 98 triệu người.
Bên cạnh đó, ngành dân số sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số như: tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, tăng tuổi thọ…