Vì sao vòng 1 bị đau?
Vòng 1 - niềm tự hào về vẻ đẹp quyến rũ của phụ nữ, đôi lúc có những cơn đau nhức khó chịu...Vì sao lại như vậy?
Đau khi hành kinh
Cứ như một kẻ si tình, mỗi lần đèn đỏ chuẩn bị bật sáng thì vòng 1 cũng trở nên đau nhức, thậm chí cương to. Cơn đau này kéo dài khoảng năm ngày, khi kinh xuất hiện cũng là lúc vòng 1 giảm dần sự căng đau. Một số nhỏ bị đau ngực suốt cả chu kỳ kinh, ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường. Đây là những cơn đau tuy khó chịu nhưng lại là dấu hiệu “bảo hành” của hệ thống nội tiết - sinh dục, khả năng có con. Khi mãn kinh, những cơn đau này sẽ không xuất hiện vì nội tiết tố sinh sản không còn là bao. Để giảm đau, nên tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, hạn chế các chất có cafein như: cà phê, trà, sôcôla…
Đau ngực khi mang thai
Theo ThS-BS Nguyễn Hữu Trung - Trưởng phòng khám Phụ sản Eva Hoàng Gia TP.HCM, khi người phụ nữ có thai, các ống tuyến vú bắt đầu phát triển, thai phụ sẽ thấy vòng 1 của mình lớn hơn. Khi thai càng lớn, mô tuyến vú càng nhiều hơn, thai phụ có cảm giác căng hai bầu vú, hơi đau nhẹ. Đó là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu thấy đau vú kèm theo nổi u cục ở một hoặc hai bên vú, cần khám và siêu âm tuyến vú. Thường người phụ nữ trước khi mang thai, nên đi khám tổng quát, trong đó có khám tuyến vú.
Đau khi cương sữa
Cương sữa mà chưa kịp cho con bú, hoặc không muốn cho con bú vì sợ hư ngực sẽ… rất đau. Cơn đau nhức kéo dài mãi đến khi lượng sữa được cơ thể “thanh toán” hết. BS Lưu Thị Thanh Loan - BV Từ Dũ TP.HCM cho biết: “Để giảm cơn đau này, các bà mẹ nên cho con bú sớm và đúng cách. Một số trường hợp, sau khi cho bé bú nhưng vẫn không ra sữa, bầu vú không giảm bớt căng, có thể sử dụng một số dụng cụ để hút sữa ra. Ngoài lợi ích không thể so sánh của sữa mẹ so với sữa bình, nhiều nghiên cứu cho thấy việc cho con bú sữa mẹ có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư vú”. Khi cương sữa, một số người bị sốt nhẹ. Nếu thấy sốt cao kèm theo nổi u ở vú, đặc biệt, vú một bên căng, đau… hãy nghĩ đến áp-xe vú.
Mang thai phụ nữ thường bị đau ngực
Đau ngực giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh
Trong độ tuổi từ 45 - 55, khi thấy cơn đau ngực xuất hiện kèm theo dấu hiệu kinh nguyệt thưa thớt, thời gian có kinh rút lại từ ba - năm ngày còn một - hai ngày, lượng máu mỗi kỳ kinh cũng ít đi và dần dần cạn hẳn thì điều đó chỉ báo hiệu sự thay đổi về nội tiết tố. Sau một thời gian, khi các nội tiết sắp xếp vị trí “hưu” ổn thỏa thì ngực không còn đau nữa.
Khối u
- Thay đổi sợi bọc tuyến vú: Là thay đổi sinh lý, rối loạn nội tiết trong cơ thể người phụ nữ độ tuổi từ 35 - 40. Sợi bọc thay đổi có thể gây đau vú và có những cục nhỏ gọi là nang có thể biến mất hoặc to ra theo chu kỳ kinh nguyệt. BS Nguyễn Vũ Mỹ Linh - BV Hùng Vương TP.HCM khuyên: “Nên đi khám định kỳ để được phát hiện sớm vì khối u ung thư vú có thể nằm cạnh nang tuyến vú”.
- Ung thư vú: Ung thư vú giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, nhưng nếu chụp nhũ ảnh sẽ thấy được tổn thương tiền ung thư hay ung thư tại chỗ dù rất nhỏ. BS Phạm Xuân Dũng - Phó Giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM có ý kiến như sau: “Ung thư vú là ung thư thường gặp tại Việt Nam. Phát hiện sớm sẽ giảm tỷ lệ tử vong và tăng khả năng trị khỏi. Nếu ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống còn sau 5 năm hơn 80% và có nhiều trường hợp khỏi hẳn”.
Vì vậy, phụ nữ dưới 40 tuổi, ngoài tự khám cần đến các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa tầm soát mỗi ba năm một lần; phụ nữ trên 40 tuổi nên khám và chụp nhũ ảnh hàng năm. Nếu trong gia đình có người bị ung thư vú thì nên khám sớm hơn và có bác sĩ tư vấn.