Vì sao hồng cầu thiếu màu đỏ?!

Thiếu máu thông thường là tình trạng bệnh lý do cơ thể người bệnh thiếu số lượng hồng huyết cầu.

Thiếu máu cũng có thể là hậu quả của tình trạng tuy vẫn còn đủ tế bào máu nhưng lại thiếu huyết cầu tố - chất màu đỏ với chức năng tải dưỡng khí. Thiếu máu, thiếu chất hay thiếu lượng cũng thế, đồng nghĩa với tế bào thiếu dưỡng khí do máu chạy tới chạy lui nhưng chỉ trình diễn vì không mang theo dưỡng khí.

Thiếu máu là hậu quả đương nhiên trong trường hợp có lý do hoại huyết rõ ràng như sốt xuất huyết, sốt rét, bệnh tủy xương, bệnh huyết học, chấn thương... Theo thống kê của các hãng bảo hiểm y tế ở châu Âu, thiếu máu chiếm tỉ lệ đáng lo ngại ở người dân chốn thị thành. Đáng nói hơn nữa là thiếu máu thuộc loại thiếu huyết cầu tố lại được phát hiện ở người không thiếu thốn cuộc sống vật chất. Trái lại, phần lớn nạn nhân là người đủ ăn đủ mặc, đủ kiến thức về biện pháp bảo vệ sức khỏe!

Vì sao hồng cầu thiếu màu đỏ?! - 1

Thiếu máu là hậu quả đương nhiên trong trường hợp có lý do hoại huyết rõ ràng như sốt xuất huyết.

Đó là chuyện thống kê ở nước người. Ở xứ mình thì sao? Kết quả khám sức khỏe cho hàng ngàn công nhân viên còn rất trẻ cho thấy tỉ lệ thiếu huyết cầu tố, trong số đó 80% là nữ giới, cao gấp đôi tỉ lệ đã được công bố ở các nước châu Âu. Không thể xem thường bệnh thiếu máu, không chỉ vì hậu quả mà vì thường không dễ xác minh nguyên nhân. Điều đó có nghĩa là thầy thuốc dễ bỏ sót bệnh, nhất là khi tình trạng thiếu máu thường diễn tiến âm thầm khiến ngay cả bệnh nhân cũng không mấy khi nghi ngờ. Các đối tượng dưới đây thường là miếng mồi ngon của tình trạng máu không đỏ như son:

- Người rong kinh hay có kinh kéo dài, đặc biệt ở phụ nữ trẻ chưa lập gia đình. Người bị rối loạn kinh nguyệt cần đến thầy thuốc để tầm soát nguyên nhân, thay vì xem đó là chuyện nhỏ.

- Viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mạn không được chữa trị đến nơi đến chốn do người bệnh hễ vừa thấy thuyên giảm thì tự ngưng thuốc.

- Bệnh trĩ. Bệnh này tất nhiên gây mất máu, mặt khác còn do bệnh nhân không mấy người vui vẻ đến thầy thuốc vì vừa mắc cỡ vừa sợ đau.

- Lạm dụng thuốc cảm. Tình trạng này trầm trọng ở người dân chốn thị thành vì nạn nhân có thói quen nuốt nhanh viên thuốc cho rồi, thay vì áp dụng các phương pháp giải cảm không cần thuốc như xông hơi, tắm thuốc...

- Người phải hằng ngày sinh hoạt nhiều giờ trong văn phòng “hộp quẹt”, dù ở tầng trệt, đều là tấm bia rất gần của bệnh thiếu máu, nghĩa là mục tiêu béo bở của “hội chứng mệt mỏi kinh niên”.

Tế bào chắc chắn không thể khỏe nếu thiếu dưỡng khí. Vấn đề lại không chỉ có thế. Tế bào dễ phản ứng sai lệch khi ngộp! Hậu quả là trục trặc khâu thần kinh - nội tiết - biến dưỡng sớm muộn thì cũng chào hàng!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN