Vết thương gặp nước bẩn, hàng loạt người tử vong
“Từ năm 2012 tới nay Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận hơn 11 trường hợp bị xây xát vết thương, sau đó tiếp xúc với bẩn bị nhiễm trùng nặng trong đó có 7 trường hợp tử vong”.
Ths.BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thông tin sáng nay (15/7).
Nhiễm trùng do vi khuẩn trong nước bẩn
Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngày (4/7 bệnh nhân N.H.V, nam, 45 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc, rối loạn chức năng cơ quan (suy thận), rối loạn đông máu nặng. Hai cẳng chân, bàn và cẳng tay phải sưng nề và hoại tử (viêm cân mạc hoại tử).
Hình ảnh tổn thương sưng nề, hoại tử căng chân phải do nhiễm trùng vi khuẩn Aeromonas Hydrophila của bệnh nhân N.H.V (nam, 45 tuổi, địa chỉ ở Hà Nội).
Trước đó 3 ngày bệnh nhân bị ong đốt vào mu bàn tay phải và đã rửa vết thương bàn tay dưới mương nước bẩn. Sau 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện sưng nề mu bàn tay phải và có sốt nhẹ. Ngày hôm sau xuất hiện đau nhức 2 bắp chân và khớp gối. Bệnh nhân điều trị tại bệnh viện địa phương 1 ngày, bệnh nhân tổn thương sưng nề bắp chân 2 bên tiến triển nhanh, da chuyển mầu xanh tím và hoại tử.
Bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng. Sau đó được chuyển tới Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị.
Trước đó, ngày 22/5, bệnh nhân P.X.T (nam, 35 tuổi, Bắc Giang) bị vết xước ở mu bàn chân P, sau đó đi lội nước bẩn, 4 ngày sau xuất hiện sưng nề vùng bàn và cằng chân P, bệnh diễn biến nhanh thành hoại tử toàn bộ cằng chân P, và có nhiều vùng sưng nề hoại tử khác trên cơ thể, bệnh nhân nhanh chóng đi vào tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng, suy thận, rối loạn đông máu. Bệnh nhân được điều trị 6 ngày tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhưng không thoát sốc. Gia đình xin ngừng điều trị đưa bệnh nhân về nhà.
Hình ảnh tổn thương sưng nề và hoại tử cẳng chân phải do nhiễm trùng vi khuẩn Aeromonas Hydrophila của bệnh nhân P.X.T (nam, 35 tuổi, địa chỉ ở Bắc Giang)
Theo bác sĩ Chính, cùng thời điểm này năm trước, bệnh nhân P.V.T (nam, 40 tuổi, Thái Bình) được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Trước khi vào viện 4 ngày, bệnh nhân đi bắt cá bị ngạch cá đâm vào mu bàn tay phải (đã lấy được ngạch cá ra) và ăn hàu sống. Sau 1 ngày, mu bàn tay phải sưng nề, nóng, đỏ, và bệnh nhân có sốt nhẹ. Ngày thứ 2 sốt cao hơn, tổn thương sưng nề lan lên cánh tay, và bắp chân 2 bên cũng sưng và đau nhức nhiều. Ngày thứ 3 sau khi bị ngạch cá đâm, bệnh nhân có biểu hiện li bì, các tổn thương sưng nề bắp chân 2 bên có biểu hiện xanh tím.
Hình ảnh tổn thương sưng nề và hoại tử cẳng chân phải do nhiễm trùng vi khuẩn Aeromonas Hydrophila của bệnh nhân P.X.T (nam, 35 tuổi, địa chỉ ở Bắc Giang)
Bệnh nhân vào bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc, có hoại tử da và nhiều phỏng nước trên các vùng tổn thương sưng nề. Bệnh nhân P.V.T đã được điều trị hồi sức tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương 45 ngày bằng thở máy, thuốc co mạch (nâng huyết áp), thuốc kháng sinh, lọc máu liên tục và cắt lọc tổ chức hoại tử nhiều lần. Sau khi hồi phục, bệnh nhân được chuyển tới Viện Bỏng Quốc gia để vá da.
Bác sĩ Chính đánh giá, viêm cân mạc hoại tử là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây lên. Nó có thể phá hủy da, chất béo và các mô bao phủ cơ trong một thời gian rất ngắn. Bệnh đôi khi còn được gọi là “vi khuẩn ăn thịt”.
Bệnh hiếm gặp nhưng tử vong cao
Bác sĩ Cấp cho biết, viêm cân mạc hoại tử ít gặp nhưng nghiêm trọng. Tỷ lệ tử vong do bệnh nhiễm trùng này rất cao. Nhiều người vẫn bị mắc viêm cân mạc hoại tử ngay cả khi có sức khỏe tốt trước khi nhiễm bệnh. Những người có hệ thống miễn dịch yếu, có các vấn đề về sức khỏe mạn tính như: đái tháo đường, ung thư, hoặc bệnh lý gan hoặc thận, có vết đứt tay trên da, bao gồm cả những vết thương do phẫu thuật, mới mắc thủy đậu hoặc nhiễm các vi-rút khác gây phát ban
Viêm cân mạc hoại tử gây ra bởi nhiều loại vi khuẩn. Một số trong các loại vi khuẩn này cũng có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng khác như viêm họng do liên cầu và nhiễm trùng da (bệnh chốc lở). Thông thường các bệnh nhiễm trùng do các vi khuẩn này đều nhẹ. Nhưng trong một số trường hợp ít gặp có thể gây bệnh nhiễm trùng nguy hiểm hơn, đặc biệt vi khuẩn Aeromonas Hydrophila có thể gây nhiễm trùng rất nặng.
Bác sĩ Cấp khuyến cáo, mắc bệnh viêm cân mạc hoại tử khi vi khuẩn xâm nhập vết thương, như từ vết đốt của côn trùng, bỏng, hoặc vết cắt trên da hoặc vết thương tiếp xúc với nước biển, cá nước mặn, hoặc hàu sống, bao gồm cả những tổn thương từ việc xử lý các động vật biển như cua, căng cơ hoặc bầm tím, ngay cả khi không có rách da.
Vi khuẩn gây viêm cân mạc hoại tử có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần, chẳng hạn như chạm vào vết thương của người bị nhiễm. Nhưng trường hợp này ít khi xảy ra trừ khi người có vết thương hở bị phơi nhiễm hoặc tiếp xúc với vi khuẩn, hoặc người phơi nhiễm bị thủy đậu, hoặc hệ thống miễn dịch bị tổn thương.
Bác sĩ Cấp lưu ý, nếu thấy cảm giác đau tại tổn thương đang hoặc đã cải thiện qua 24 – 36 giờ, nhưng sau đó đột ngột đau tăng trở lại và có dấu hiệu da đỏ, sưng nề, và cảm giác nóng khi chạm vào tại tỏn thương, sốt và gai rét, buồn nôn và nôn, tiêu chảy phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Nhiễm trùng có thể lan rất nhanh. Nó có thể nhanh chóng đe dọa tính mạng. Bạn có thể rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc và có tổn thương da, lớp mỡ dưới da, và các mô bao phủ quanh cơ (tổn thương này được gọi là hoại tử), hoặc thậm chí có hoại tử cơ. Viêm cân mạc hoại tử có thể dẫn tới suy tạng và tử vong.
Để giúp ngăn ngừa bất cứ loại nhiễm trùng nào, hãy rửa tay thường xuyên, luôn giữ gìn các vết thương trên da như vết cắt, vết xước, vết bỏng, vết loét, và vết đốt… được sạch sẽ.