Vắt chanh vào miệng con khi trẻ co giật, mẹ suýt ôm hận

Bé trai 4 tuổi lên cơn co giật, động kinh, gia đình liền ghì chặt cho con ngậm chanh tươi kèm gừng thái lát. Bé trai sặc sụa, tím tái được đưa đi cấp cứu.

Chăm sóc trẻ ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: V.Thu

Chăm sóc trẻ ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: V.Thu

"Tởn đến già"

Dù đã đưa con đến lớp sau đợt nghỉ hè, nhưng chị Dung (ở Nghệ An) vẫn không hết sởn da gà mỗi khi nhớ lại chuyện đưa con đi cấp cứu vì sốt, co giật.

Tháng trước, vợ chồng chị đưa con đi về quê nội nghỉ hè "xả láng". Sau một ngày vần vã ngoài trời nắng oi, đến xế chiều, con trai 6 tuổi bỗng lên cơn sốt. Lúc đầu chỉ 380C, sau 2 tiếng tăng vọt lên 39,50C, chị càng xoay không kịp khi con có biểu hiện co giật.

Định đưa con đi viện thì bà nội ngăn lại, cho rằng chỉ cần cho ngón tay vào giữ không cho bé cắn lưỡi rồi vắt chanh vào miệng, con hạ sốt nhanh. Không dám cãi mẹ chồng vì chưa từng nghe "mẹo vặt dân gian" này, chị đồng ý. Ai ngờ chỉ vừa ngậm vài giọt, bé lên cơn sặc, người tím tái. Chị hoảng hồn ôm con lên taxi chạy đến viện, trong khi ngón tay út của chị úa máu vì bị răng con nghiến chặt trước đó.

Đến viện cấp cứu, bác sĩ nói gia đình chị quá may mắn vì nhà gần viện, đưa đi kịp, nếu không thì không biết chuyện gì xảy ra. Khi bé trai đã ổn, bác sĩ nói trong lúc co giật bé đã thở khó, còn bị nước chanh sặc vào đường thở. Còn cách cho tay vào miệng bé đề phòng trẻ cắn lưỡi thì hoàn toàn sai, vừa không chữa được gì cho con, vừa đau tay mẹ. "Tôi tởn đến già", chị Dung chia sẻ.

Mới đây, bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM tiếp nhận bé trai 4 tuổi được người nhà đưa đến trong tình trạng thở khó, tím tái, lơ mơ, tiếp xúc kém. Bác sĩ phải khai thông đường thở, loại bỏ đàm nhớt trong miệng bé, đặt ống nội khí quản để cấp cứu.

Trong khi cấp cứu cho bệnh nhi, các bác sĩ phát hiện nhiều tép chanh tươi và lát gừng mỏng ở cổ họng bé. Mẹ bé cho biết, bé có tiền sử động kinh. Những lần trước, khi bé lên cơn co giật, gia đình đè bé xuống, nặn chanh, cho ngậm gừng thì bé dứt cơn, nhưng lần này cũng làm như thế, bé đột nhiên gồng cứng, thở hắt mệt mỏi nên đưa vào bệnh viện.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM lưu ý, co giật ở trẻ em không giống người lớn vì nguyên nhân khác nhau, cách cấp cứu, sơ cứu trẻ co giật ở những môi trường khác nhau cũng khác nhau (ở nhà, bệnh viện, hay nơi công cộng…).

Theo BS Trương Hữu Khanh, một đứa trẻ khi bị co giật, người cấp cứu nên hỏi ngay người thân đi cùng về bệnh sử của trẻ như lâu nay đã từng co giật chưa, có hay co giật không để xác định qua về tiền sử có động kinh hay không. Thông thường, có 3 nguyên nhân gây co giật ở trẻ là: Sốt cao, động kinh hay những bệnh lý khác như viêm màng não, chấn thương trước đó…

Các bác sĩ khẳng định về cơ bản, hầu hết trẻ bị co giật đều cắn chặt răng chứ không tự cắn lưỡi, nếu người lớn cạy hàm, chèn tay hoặc các vật khác vào miệng thì lưỡi của trẻ mới đưa ra ngoài, kèm theo trẻ co giật mất kiểm soát sẽ dễ cắn lưỡi hơn hoặc gây tổn thương niêm mạc, răng, lợi.

Xử trí khi trẻ co giật, lưu ý gì?

Nếu trẻ co giật do sốt cao, người lớn chỉ cần nhanh chóng hạ sốt bằng cách đặt thuốc hạ sốt vào hậu môn, cho trẻ mặc đồ thoáng mát, dùng nước ấm lau người cho trẻ, lau nhiều ở vùng bẹn, nách, theo dõi sốt ở trẻ, sốt cao không hạ phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Không ít cha mẹ luôn có phản xạ tự nhiên là đưa tay, vật cứng (thìa, đũa) vào miệng trẻ rồi vắt chanh điều trị với niềm tin bé sẽ dứt cơn ngay khi có chanh. Khẳng định hành động này rất nguy hiểm, thậm chí có thể khiến trẻ tử vong nhanh, BS Trương Hữu Khanh phân tích, người lớn nghĩ chanh thường dùng để hạ sốt nên vắt chanh nguyên chất sẽ hạ sốt nhanh hơn, nhưng khi trẻ đang co giật sẽ không chủ động được đường thở, người cấp cứu vắt mạnh chanh vào miệng sẽ gây nhiều nguy cơ, nếu nước chanh hay dị vật sặc vào khí quản. Lúc này, chanh không những không hề làm giảm cơn co giật, trái lại càng gây cản trở đường thở của trẻ khiến trẻ nguy hiểm hơn. Trẻ không tự nuốt được, nguy cơ sặc chanh vào phổi gây viêm phổi, suy hô hấp. Thậm chí đã có trẻ tử vong.

Nếu trẻ bị động kinh, lên cơn co giật, BS.CK2 Đỗ Quốc Hùng, Khoa Khám và Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Nhân dân 115 khẳng định, cơn động kinh chỉ kéo dài từ 1-2 phút, sau đó sẽ tự ngưng nên có tác động cũng không hết nhanh mà càng khiến tình cảnh thêm rối bời.

Lúc này, những việc nên làm như: Giúp bệnh nhân không bị chấn thương trong lúc đang co giật bằng cách di dời những đồ vật có thể gây sang chấn cho bệnh nhân ra xa; đặt một chiếc gối mỏng, mềm dưới đầu bệnh nhân; nới lỏng cổ áo, thắt lưng; nên cho bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên, chùi sạch nước bọt hoặc các chất nôn ói (nếu có); ghi nhận thời gian cơn co giật (co giật kéo dài trong bao lâu). Khi cơn co giật thoái lui, đảm bảo bệnh nhân thở lại như bình thường.

BS Khanh lưu ý, ngoài việc không cho bất kỳ thứ gì vào miệng trẻ, không cho trẻ uống hay nuốt nước lọc hay nước khác thì cha mẹ không được ghì chặt trẻ vì có thể làm tổn thương một bộ phận nào đó trên cơ thể, thậm chí nếu dùng quá nhiều lực có thể gây gãy xương cho trẻ. 

Sơ cứu bệnh nhân co giật, động kinh ở những môi trường khác nhau

Bệnh nhân bị động kinh lúc đang ở dưới nước: Giữ cho đầu bệnh nhân ở trên mặt nước và nghiêng về một bên; đưa bệnh nhân lên cạn ngay khi có thể; sau khi đưa lên cạn, đảm bảo bệnh nhân có thể thở lại như bình thường; nếu không, phải tiến hành cấp cứu hoặc gọi cấp cứu ngay; nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện để kiểm tra, dù bệnh nhân cảm thấy khỏe sau cơn.

Bệnh nhân bị động kinh trên máy bay: Nếu có thể xếp lại các tay dựa, cho bệnh nhân nằm ngang trên các ghế ngồi; lót gối quanh đầu để đầu bệnh nhân không bị va đập vào các vật cứng xung quanh; cố gắng nghiêng đầu bệnh nhân sang một bên để đường thở không bị tắc nghẽn.

Bệnh nhân bị động kinh trên xe buýt: Đỡ bệnh nhân nằm ra trên các ghế, lót vật mềm dưới đầu; cho bệnh nhân nằm nghiêng về một bên; giải thích với các hành khách xung quanh để có thêm sự trợ giúp, tránh hoảng loạn quá mức.

(BS Đỗ Quốc Hùng, Khoa Khám và Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Nhân dân 115)

CSCĐ cấp cứu trẻ co giật trên sân Thiên Trường: Ảnh rất đẹp nhưng đừng học theo!

Rất nhiều trường hợp nạn nhân tới viện be bét máu ở mồm không phải vì cắn vào lưỡi mà là do các biện pháp dự phòng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ Thu ([Tên nguồn])
Sai lầm trong ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN