Ung thư phổi vì khói rơm rạ
Miền Bắc đang bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu, bà con nông dân tại các huyện ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận lại “đua nhau” đốt rơm rạ. Theo PGS.TS Ngô Qúy Châu, GĐ Trung tâm Hô hấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: "việc đốt rơm rạ vừa lãng phí chất đốt lại vừa mang họa cho sức khỏe".
Khói rơm rạ gây bệnh hô hấp
Nhiều ngày qua, trong khi thời tiết Hà Nội vô cùng oi bức thì người dân lại càng khổ sở vì khói rơm rạ từ ngoại thành bay vào. Chị Ngọc ở phố Nguyễn Công Trứ - Hà Nội phàn nàn: “Nhà tôi đóng cửa thì bí bách, nhưng cứ hễ mở cửa ra là khói bụi mù mịt, có hơi cay rất khó chịu”. Chị Ngọc và người nhà phát hiện đó là khói rơm rạ. Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con trẻ nên gia đình chị chỉ có biện pháp đóng cửa kính, bật điều hòa.
Anh Tuấn làm việc tại khu vực Cầu Thăng Long bị ho, sổ mũi, khó thở nên đi khám, được bác sĩ kết luận anh bị viêm đường hô hấp trên. Hỏi ra mới biết anh Tuấn làm việc tại khu công nghiệp, xung quanh là cánh đồng lúa. Cứ tầm 3-4h chiều bà con nông dân lại thi nhau đốt rơm rạ, khói bay tứ tung khiến anh, chị em khó chịu, uể oải, không làm được việc.
Người hít khói rơm nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp
Nhận định về tác hại của khói rơm rạ đối với sức khỏe con người, PGS.TS. Ngô Quý Châu, cho biết, khói đốt rơm, rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở... Người hít khói rơm nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, gây dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi...
Vào những ngày nắng, nóng, oi bức hoặc đứng gió, không khí không được luân chuyển, khói rơm rạ tụ lại ở lớp không khí sát gần mặt đất. Cùng với khói xe cộ, khói rơm rạ sẽ tăng thêm nồng độ các chất ô nhiễm độc hại trong khí hít thở. Người hít phải không khí có các chất độc ô nhiễm này sẽ bị kích thích đường hô hấp trên gây ra viêm mũi họng hoặc đường hô hấp dưới gây co thắt phế quản, viêm phổi. Đặc biệt đối với người già và trẻ em và người có tiền sử mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính.
Ung thư phổi vì khói rơm rạ
Đốt rơm rạ dẫn đến hậu quả không tính ngay được thành tiền mà nó sẽ “gặm” dần sức khoẻ, ủ bệnh và khi thành bệnh thì đã muộn và “tiền mất, tật mang”.
“Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO (gọi là khí monoxide carbon). Đây là loại khí rất độc có thể gây chết người. Bà con có thể dễ dàng nghĩ đến những cái chết thương tâm của những người hít phải khí này ở lò gạch hay sưởi bếp than trong nhà đóng kín”. PGS.TS Ngô Quý Châu nhấn mạnh.
Ngửi mùi khói rơm rạ sẽ "gặm" dần sức khỏe
Ngay cả trong điều kiện chỉ hít phải lượng ít khí CO trong không khí như trường hợp khói bụi đốt rơm rạ thì tuy không chết nhưng cũng gây triệu chứng nhiễm độc khí CO mạn tính ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Về lâu dài, những khói bụi, khí độc hít phải sẽ gây tổn thương khó nhận thấy nhưng lại nguy hiểm vì nó từ từ phá hủy bộ máy hô hấp. Trước hết là mũi họng, thanh quản bị viêm thường xuyên. Dấu hiệu ban đầu chỉ là hắt hơi, sổ mũi nhưng sau đó dẫn đến viêm mạn tính đường hô hấp trên. Người bị bệnh luôn thiếu oxy dẫn đến suy giảm sức khoẻ và dễ mắc các bệnh khác như bệnh phổi tắc nghẽn phổi mãn tính, viêm phế quản, viêm phổi và ung thư phổi.
PGS.TS. Ngô Quý Châu cho biết thêm: “Khi đường hô hấp trên bị tấn công và phá huỷ dần, nó không còn khả năng ngăn chặn những bụi bặm vi trùng tấn công sâu hơn vào phế quản và phổi. Bị viêm lâu ngày, khí quản phải chống lại bằng cách tăng tiết nhiều đờm gây cản trở lưu thông bình thường ở đường thở. Tắc nghẽn này gây khó thở và ứ đọng đờm dãi trở thành môi trường cho các vi khuẩn sinh sôi và cứ từ từ đẩy người bệnh vào suy hô hấp, suy tim, suy nhược cơ thể và tử vong”.
Vì vậy bà con nông dân sau khi thu hoạch lúa không nên đốt rơm rạ mà thu gom làm thức ăn cho gia súc. Có làm như vậy mới góp phần hạn chế ô nhiễm không khí và đảm bảo sức khỏe cho con người.