Thuốc giải lo âu: Hiệu quả tới đâu?

Sự kiện: Bệnh stress

Hiện nay, thuốc giải lo âu là một trong những loại thuốc được sản xuất và tiêu thụ nhiều trên thế giới, có mặt trong hầu hết đơn thuốc của bác sĩ các chuyên khoa, đặc biệt ở khoa tâm thần bởi lẽ hầu như tất cả bệnh tâm thần đều có triệu chứng lo âu và mất ngủ.

Bài viết này chỉ nêu lên một số kinh nghiệm dùng thuốc giải lo âu được ưa chuộng nhất trên thế giới hiện nay. Đó là nhóm thuốc benzodiazepine với nhiều biệt dược và tên thương mại khác nhau: seduxen, diazepam, lexomil, rivotril, tranxene…

Nhiều tác dụng, cả tác dụng phụ

Thuốc giải lo âu có tác dụng gây ngủ (tác dụng này có thể xuất phát từ việc giảm lo âu dẫn đến dễ ngủ thường được dùng trong tình trạng mất ngủ với triệu chứng lo âu chiếm ưu thế), làm giảm các triệu chứng co giật như trong động kinh, co giật do uốn ván… Ở đây, thuốc thường dùng cả đường uống cũng như đường tĩnh mạch.

Thuốc giải lo âu có tác dụng phụ gây giảm trí nhớ, đặc biệt là trí nhớ ngắn hạn, gây nghiện (lệ thuộc thuốc cả về tâm thần và cơ thể), vì vậy các thuốc này được xếp vào nhóm hướng thần, gây nghiện. Thuốc gây lo âu thứ phát, nhất là khi đang dùng thuốc mà bỏ đột ngột do tác dụng ngược hay do tình trạng lệ thuộc thuốc thường xảy ra ở người có rối loạn nhân cách… Có thể gây kích động tâm thần và hành vi do phản ứng ngược, nhất là khi dùng cho tuổi thanh thiếu niên.

Thuốc được chỉ định điều trị trong các trường hợp: lo âu quá mức như lo âu lan toả hay các cơn lo âu kịch phát như cơn hoảng sợ, hay lo âu trong các bệnh nội khoa; trong điều trị trạng thái động kinh (động kinh liên tục giữa các cơn không hồi tỉnh), thuốc hay dùng là seduxen, rivotril… thường dùng tiêm tĩnh mạch chậm hay truyền tĩnh mạch… Thuốc dùng để gây an thần giãn cơ trong trường hợp tiền mê hay trước khi nội soi, hay trong trường hợp bệnh nhân không hợp tác khi chụp cộng hưởng từ… Thuốc đặc biệt hay dùng và không thể thiếu được trong chuyên khoa tâm thần để điều trị trường hợp kích động đập phá, chống đối gây các hành vi nguy hiểm.

Thuốc giải lo âu: Hiệu quả tới đâu? - 1

Thuốc giải lo âu có tác dụng gây ngủ (tác dụng này có thể xuất phát từ việc giảm lo âu

Nhóm benzodiazepine thường được chuyên khoa tâm thần cho dùng kết hợp với các thuốc chống trầm cảm, nhất là trong những ngày đầu khi thuốc chống trầm cảm chưa phát huy tác dụng thực sự bởi lẽ lo âu thường là bạn “đồng hành” của trầm cảm và chính triệu chứng lo âu nhiều khi dẫn đến tự sát… Nó cũng được dùng trong một số trường hợp mất ngủ không thường xuyên khi gặp căng thẳng hay stress trong đời sống…

Người ta ngày càng nhận thấy nhiều tác dụng của thuốc giải lo âu và tác dụng này thường kết hợp với nhau, tuỳ theo đường dùng, liều lượng…

Thận trọng khi dùng

Do thuốc nhóm benzodiazepine có nhiều tác dụng phụ, cần lưu ý:

Tuyệt đối không dùng cho người bị dị ứng hay quá nhạy cảm với nhóm thuốc này. Trong thực tế, trường hợp dị ứng với nhóm thuốc này rất hiếm.

Không dùng cho bệnh nhân bị chứng nhược cơ (myasthénie) vì có nguy cơ liệt cơ hô hấp dẫn đến tử vong, đặc biệt ở người già… Thuốc cũng có thể gây lú lẫn tâm thần và giãn cơ dẫn đến ngã ở người cao tuổi, nên khi kê đơn cần tính liều hợp lý và phải cảnh báo trước cho bệnh nhân và người nhà.

Không lái xe hoặc điều khiển máy móc sau khi uống do thuốc có tác dụng ức chế thần kinh trung ương làm giảm sự tỉnh táo, nếu lái xe hoặc điều khiển máy móc có thể dẫn đến tai nạn.

Tuyệt đối không uống rượu bia khi dùng thuốc, vì có sự tương tác tăng tác dụng lên thần kinh trung ương, gây lú lẫn trầm trọng cho bệnh nhân.

Thuốc giải lo âu gây nhiều tác dụng phụ, ngoài ra có một số trường hợp sử dụng sai mục đích, vì vậy cần được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, do hai khuynh hướng trái ngược nhau trong quản lý thuốc là buông lỏng quản lý dẫn đến lạm dụng sử dụng sai mục đích hoặc ngược lại quản lý “quá chặt” vì quy cho nó gây nghiện như ma tuý… nên bệnh nhân có nhu cầu sử dụng thực sự lại rất khó kiếm được thuốc, thường phải qua con đường không chính thống, giá cả rất cao…

Vì thuốc có khả năng gây lệ thuộc về tâm thần và cơ thể nên cần thận trọng khi kê cho người có tiền sử nghiện rượu và ma tuý. Thuốc cần kê đơn trong thời gian không quá bốn tuần (theo y văn của Pháp) và khi giảm liều phải giảm từ từ, tránh bỏ thuốc đột ngột và cần kết hợp với việc củng cố tâm lý cho bệnh nhân.

Cuối cùng, một điều không thể quên là với nhóm thuốc này, bệnh nhân không được tự uống nếu không có ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa tâm thần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo BS. Lê Đào Nghĩa (Sức khỏe & Đời sống)
Bệnh stress Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN