Tai biến tăng vì đua... đẻ năm rồng

Trong các trường hợp tai biến sản khoa được báo cáo ở 6 tháng đầu năm 2012, có 88 ca tử vong mẹ hoặc cả mẹ và con tại nhiều địa phương. Trong đó nguyên nhân thuyên tắc ối được nhắc đến nhiều nhất.

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), trong số 88 ca tử vong này có tới 60 ca tử vong nguyên nhân trực tiếp từ tai biến sản khoa, 28 trường hợp khác được cho là có bệnh lý từ trước. Chỉ tính từ ngày 20-4 đến 29-6, trên cả nước ghi nhận 22 trường hợp tai biến sản khoa gây chết mẹ và con.

“Điệp khúc” thuyên tắc ối

Hồ sơ của các trường hợp tai biến sản khoa gây tử vong cho mẹ và con ở nhiều bệnh viện (BV), cho thấy nguyên nhân của hầu hết các ca tử vong bất thường này được cho là do thuyên tắc ối. Ca mới nhất là sản phụ Nguyễn Thị Hằng (SN 1992, ở quận Hà Đông - Hà Nội) tử vong ngày 29-9 tại BV Phụ sản Trung ương cũng do thuyên tắc ối, dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra.

Có thời điểm chỉ trong vòng 2 tuần, Việt Nam có 6 trường hợp sản phụ tử vong, trong đó nguyên nhân thuyên tắc ối cũng được nhắc đến nhiều nhất. Thông tin về sản phụ tử vong do thuyên tắc ối cũng khiến không ít bác sĩ (BS) trong ngành sản khoa giật mình.

Theo BS Phó Đức Nhuận, nguyên BS BV Phụ sản Trung ương, thông thường tai biến thuyên tắc ối sẽ gây tử vong cao nhưng đây là tai biến rất hiếm gặp với tỉ lệ từ 1/8.000 đến 1/80.000 ca sinh. Tuy nhiên, thời gian qua tai biến hiếm gặp này lại thường xảy ra ở Việt Nam. Sự việc “nóng” đến mức thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế phải có công văn khẩn gửi sở y tế các địa phương về việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ y tế  về chẩn đoán và xử trí cấp cứu sản khoa, hạn chế tối đa các trường hợp tai biến dẫn đến tử vong.

Tuy vậy, trước các sự cố này, ông Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe  Bà mẹ và Trẻ em, khẳng định số tử vong do tai biến sản khoa đến thời điểm này vẫn trong tầm kiểm soát. Năm 1990, tỉ lệ tử vong bà mẹ từ 233/100.000 ca trẻ đẻ sống, nay đã xuống còn 69/100.000 ca trẻ đẻ sống. Một chuyên gia y tế cho biết thông tin với khoảng 1,5 triệu trẻ ra đời mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.000 trẻ sơ sinh tử vong.

Riêng năm 2012, do tỉ lệ sinh tăng đột biến, số tử vong ở trẻ sơ sinh có thể tăng lên khoảng 1.200-1.300 trẻ. Như vậy, trung bình mỗi ngày Việt Nam có khoảng gần 3 trẻ sơ sinh tử vong do tai biến sản khoa.

Tai biến tăng vì đua... đẻ năm rồng - 1

Tỉ lệ sinh con tăng vọt trong năm 2012 cũng là một trong những lý do khiến số ca tai biến sản khoa tăng theo. Ảnh: NGỌC DUNG

Quá tải “rồng con”

Sau hàng chục vụ tai biến sản khoa vừa qua, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng quá tải BV, quá tải “rồng con” là nguyên nhân khiến các ca tai biến xảy ra nhiều hơn. Nhìn nhận vấn đề này, BS Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, cho biết hiện nay, mỗi ngày BV đỡ đẻ cho hơn 100 ca, cá biệt có những ngày lên đến 130-140 ca sinh, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước, trong đó gần 50% số ca sinh mổ. “Với “tốc độ” sinh đẻ như hiện nay, đến hết năm 2012, tại BV Phụ sản Trung ương sẽ đón khoảng 25.000-27.000 ca sinh” - BS Quyết dự báo.

Theo BS Quyết, nguyên nhân số ca sinh tăng mạnh do đây là thời kỳ cao điểm của năm Nhâm Thìn (được quan niệm là năm “đẹp” để sinh con) nên người dân ráo riết chạy đua để sinh cho được “rồng con”. Hơn nữa, sau hàng loạt ca tai biến sản khoa, nhiều sản phụ chỉ đẻ thường cũng lên tuyến trên đẻ cho an toàn. Không những thế, có gia đình xem bói, chọn ngày, giờ đẻ và “ép” các BS phải mổ với những lý do khiến BS không thể từ chối.

“Họ cứ nói đã từng bị sẩy mấy lần, con hiếm, nếu BS không mổ, có gì không may thì BS phải chịu trách nhiệm. Ở các tuyến dưới đẻ thường rất dễ dàng nhưng nhiều sản phụ cứ đòi đến bệnh viện lớn để đẻ. Chúng tôi không dám từ chối vì sợ trả về tuyến dưới nếu không được mẹ tròn con vuông thì BV lại bị “quy” trách nhiệm” - BS Quyết giãi bày.

BS Quyết cho hay mặc dù BV đã kê thêm giường, tăng ca ngày thứ bảy, chủ nhật nhưng hiện nhiều giường bệnh tại BV Phụ sản Trung ương đang trong tình trạng nằm ghép 3 mẹ - 3 con. Có những lúc “giờ đẹp”, BV thiếu cả giường để chuyển sản phụ xuống phòng sau mổ…

Sinh mổ có an toàn?

Theo các BS sản khoa, mổ lấy thai không phải là giải pháp an toàn tuyệt đối. Tỉ lệ tử vong mẹ cũng tăng gấp 4 lần nếu mổ lấy thai so với sinh thường; ngay cả mổ chủ động, tỉ lệ tử vong mẹ cũng tăng 2,84 lần so với sinh thường. Đối với trẻ, mổ lấy thai chủ động không qua chuyển dạ thì nguy cơ hội chứng suy hô hấp cấp cao gấp 2,6 lần, có chuyển dạ rồi mới mổ lấy thai nguy cơ này cao gấp 1,9 lần so với sinh thường. Đây là 2 hội chứng khiến trẻ sơ sinh dễ tử vong. Ngoài ra, trẻ sinh mổ còn bị suy giảm khả năng miễn dịch hơn trẻ sinh thường.

Điều quan trọng nhất trong quá trình theo dõi sản phụ chuyển dạ là phải tiên lượng được sản phụ có đẻ thường được không hay phải chỉ định mổ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHÁNH ANH (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN