Sử dụng oresol khi mắc COVID-19 thế nào cho đúng?

Sự kiện: Sống khỏe

Hiện nay, đa số các trường hợp F0 đều tự điều trị tại nhà. Do đó, sử dụng các loại thuốc điều trị các triệu chứng do COVID-19 gây ra là vấn đề được rất nhiều F0 điều trị tại nhà quan tâm, trong đó có oresol.

Trong tình hình số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng, cùng với tỷ lệ bao phủ vaccine trên cả nước ngày càng lớn, phần lớn các ca bệnh xuất hiện với triệu chứng nhẹ, trung bình hoặc không triệu chứng có thể tự điều trị và theo dõi tại nhà. 

Do đó, việc F0 điều trị tại nhà hiểu rõ cách dùng một số loại thuốc thiết yếu trong hỗ trợ điều trị COVID-19 nhằm phát huy tối đa hiệu quả, giảm thiểu tác dụng không mong muốn do dùng sai cách, trong đó có oresol, là cần thiết trong bối cảnh này.

1. Tác dụng của oresol

Oresol có tác dụng bổ sung nước và các chất điện giải cho cơ thể. Thuốc có thể được sử dụng khi cơ thể bị mất nước trong những trường hợp sau: Tiêu chảy cấp ở trẻ em và người lớn, nôn mửa, sốt cao, sốt xuất huyết (nếu trẻ uống được), khi hoạt động thể lực, đổ nhiều mồ hôi (chơi thể thao, luyện tập nặng nhọc, vận động viên, làm việc lâu trong môi trường nắng nóng...).

Thành phần bao gồm: Natri clorid, natri bicarbonat, kali clorid và glucose khan. Ngoài ra, một số nhà sản xuất còn thêm vào tá dược điều vị có hương cam, chanh… giúp dễ uống và không cảm thấy buồn nôn. Thuốc được dùng pha vào nước thành dung dịch để uống.

Tuy nhiên không phải ai cũng có thể sử dụng loại thuốc này khi bị mất nước. Do thành phần chủ yếu là muối và đường nên thuốc chống chỉ định đối với những trường hợp sau: Bệnh nhân bị suy thận cấp, vô niệu hoặc giảm niệu, xơ gan; rối loạn dung nạp glucose, tắc ruột, thủng ruột, liệt ruột, mất nước nặng kèm triệu chứng sốc, quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc.

Một viên sủi chỉ pha một lần với đúng lượng nước ghi trên nhãn.

Một viên sủi chỉ pha một lần với đúng lượng nước ghi trên nhãn.

2. Cách sử dụng oresol an toàn

Trước khi sử dụng, người dùng nên đọc kỹ hướng dẫn ghi trên bao bì về cách pha, chỉ nên pha đúng bằng lượng nước do nhà sản xuất chỉ định và uống đúng liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất:

- Không nên pha dung dịch quá đặc: Việc pha quá ít nước sẽ tạo môi trường ưu trương với nồng độ natri cao làm trầm trọng hơn tình trạng mất nước nội bào của cơ thể. Từ đó có thể gây ra các biến chứng thần kinh không hồi phục và rất nguy hiểm với các triệu chứng như: Lơ mơ, co giật, tim đập nhanh hơn bình thường, hoa mắt, chóng mặt, huyết áp tăng ở mức cao, thường xuyên cáu gắt, cơ thể mệt mỏi và cảm giác bồn chồn, sưng bàn chân, rối loạn tri giác, co giật, hôn mê.

- Không được pha quá loãng: Những trường hợp pha oresol quá loãng, sẽ làm giảm hiệu quả bù nước cũng như điện giải của oresol.

- Cách pha và sử dụng đúng: Một gói thuốc hoặc một viên sủi chỉ pha một lần với đúng lượng nước ghi trên nhãn, không được chia nhỏ gói thuốc nhiều lần pha vì sẽ không chính xác.

+ Sử dụng nước đun sôi để nguội để pha dung dịch oresol.

+ Tuyệt đối không pha chung thuốc với nước nóng hoặc nước khoáng. Bởi trong nước khoáng đã chứa một số ion điện giải, nếu pha cùng với thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ chất điện giải, gây ảnh hưởng sức khỏe của người uống.

+ Không pha oresol bằng sữa, nước ngọt, nước trái cây, canh, súp hay bất kỳ loại nước nào khác, không được cho thêm đường để dễ uống.

+ Nên uống ngay sau khi pha, chỉ nên uống từng ngụm nhỏ, từ từ và không nên uống quá nhanh. Thuốc để lâu sẽ bị mất tác dụng và có thể bị nhiễm khuẩn từ môi trường. Do đó, nếu không sử dụng hết, có thể bảo quản dung dịch oresol trong tủ lạnh, dùng trong vòng 24h và lắc đều trước khi dùng. Nếu không thể bảo quản trong tủ lạnh, dung dịch oresol chỉ nên được sử dụng trong vòng 1 giờ sau khi pha.

Sử dụng oresol nhằm bù nước và điện giải do các triệu chứng: Sốt, tiêu chảy, nôn gây ra do COVID-19, để cơ thể đỡ mệt mỏi, chứ không nhằm mục đích tiêu diệt virus.

3. F0 điều trị tại nhà dùng oresol sao cho đúng?

Theo Hướng dẫn điều trị F0 tại nhà của Bộ Y tế, người nhiễm COVID-19 không triệu chứng/mức độ nhẹ/ trung bình cần uống đủ nước (khoảng 2-2,5 lít/ngày), nhiều hơn nếu có sốt cao, thở thanh, tiêu chảy. Có thể bù dịch bằng oresol, và oresol có thể uống thay nước để bù nước và điện giải tùy theo nhu cầu.

Có tới 70 - 80% trường hợp bị COVID-19 đều xuất hiện triệu chứng sốt và sốt thường kéo dài khoảng vài ngày. Bệnh nhân thường sốt nóng, đôi khi kèm ớn lạnh hoặc gai rét. Khoảng 19,3% người nhiễm COVID-19 có triệu chứng tiêu chảy. Do đó, F0 điều trị tại nhà có thể dùng oresol nhằm bù nước và điện giải do các triệu chứng: Sốt, tiêu chảy, nôn gây ra do COVID-19, để cơ thể đỡ mệt mỏi, chứ không nhằm mục đích tiêu diệt virus.

Trường hợp F0 điều trị tại nhà là trẻ sốt cao, cần bù oresol theo liều lượng phù hợp:

Trẻ dưới 1 tuổi uống 5 -10 ml/5 phút.Trẻ trên 1 tuổi uống 5 - 15 ml/5 phút, tuyệt đối không được phép pha oresol vào trong sữa mẹ cho trẻ uống. Trẻ trên 12 tuổi và người lớn nên sử dụng oresol đến khi hết khát và thuyên giảm các triệu chứng mất nước, sau đó là 200 đến 400 ml sau mỗi lần đi tiêu hoặc nôn.

Sử dụng oresol nhằm bù nước và điện giải do sốt, tiêu chảy, nôn gây ra do COVID-19.

Sử dụng oresol nhằm bù nước và điện giải do sốt, tiêu chảy, nôn gây ra do COVID-19.

4. Lời khuyên của thầy thuốc

Các F0 điều trị tại nhà khi dùng oresol cần lưu ý:

- Người bệnh có thể uống oresol thay cho nước tùy theo nhu cầu, nhưng phải đảm bảo pha đúng tỷ lệ, đúng lượng nước như khuyến cáo của nhà sản xuất, không tự ý tăng giảm lượng nước.

- Cần đọc kỹ hướng dẫn ghi trên bao bì trước khi sử dụng để pha đúng thể tích, các gói oresol trên thị trường có thể yêu cầu pha trong 200 ml, 500 ml hay 1 lít nước. Khuyến cáo dùng các dụng cụ đo thể tích chính xác để pha dung dịch oresol, không nên ước lượng bằng mắt.

- Chỉ dùng nước đun sôi để nguội để pha, không dùng nước nóng hay bất kỳ loại thức uống nào khác.

- Bên cạnh oresol, người bệnh cũng có thể bổ sung điện giải bằng các loại nước trái cây: Nước dừa, chanh muối,… hoặc nước cháo.

Nguồn: [Link nguồn]

Bài thuốc chữa chứng mệt mỏi, hụt hơi hậu COVID-19

Rất nhiều người sau khi khỏi COVID-19 thường gặp phải các tình trạng như mệt mỏi, hụt hơi dù lao động nhẹ, làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc và học tập. Vậy khắc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo DSCK1. Nguyễn Thị Ngân Thảo - Bệnh viện Trung ương Huế ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN